Yêu cầu khai kết quả giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng lên mạng

Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải báo cáo hằng tháng về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương gửi báo cáo về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đồng gửi Văn phòng Chính phủ) theo quy định tại Công điện số 7036/CĐ-VPCP ngày 30/9/2021 của Văn phòng Chính phủ và Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính tổng hợp chung các báo cáo về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ (đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Đồng thời, gửi thông tin về kết quả giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cho Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để công khai theo quy định.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 10/2021 ước tính đạt 41.700 tỷ đồng, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 318.600 tỷ đồng, bằng 64,7% kế hoạch năm và giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/10/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,74 tỷ USD tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, vốn đăng ký cấp mới có 1.375 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 13,02 tỷ USD giảm 34,5% về số dự án và tăng 11,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 5,82 tỷ USD chiếm 44,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 5,16 tỷ USD chiếm 39,7%; các ngành còn lại đạt 2,04 tỷ USD chiếm 15,6%.

Vốn đăng ký điều chỉnh có 776 lượt dự án đã cấp phép từ các năm 2020 đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 7,09 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 3.063 lượt với tổng giá trị góp vốn 3,63 tỷ USD giảm 40,6% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 1.229 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 2,37 tỷ USD và 1.834 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,26 tỷ USD.

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.