Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM: Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phổ biến và phức tạp, nhất là các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao.
TP HCM yêu cầu xử lí hình sự, cấm xuất cảnh đối với người xây nhà trái phép.
Nhức nhối nhà sai phép
Tổng số công trình vi phạm trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 là 6.825 công trình. Phần lớn công trình xây dựng không phép thuộc trường hợp không đủ điều kiện để cấp phép (xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất không được phép xây dựng).
Bí Thư Thành Ủy, Nguyễn Thiện Nhân cho biết: "Ngay tại huyện Bình Chánh, hộ dân ở Vĩnh Lộc A xin phép xây nhà 2 tầng, rộng 168 m2 nhưng sau đó tự thay đổi kiến trúc chia thành 125 căn với tổng diện tích hơn 1.180 m2. Một trường hợp khác xin giấy phép xây 3 căn nhưng hai năm sau thành 19 căn. Thậm chí, một công ty thương mại hợp khối công trình nhà ở thành chung cư hơn 200 hộ dân với 645 nhân khẩu đang ở".
Đề nghị phải bị xử lí ngay cán bộ, công chức, đảng viên làm sai."Một người làm cả chung cư cho hàng trăm hộ dân ở thì rõ ràng là buông quản lí chứ không phải không biết", ông Nhân nói.
Mặt khác, tình trạng người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định để phân lô bán nền nhằm xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp dẫn đến tình hình xây dựng không phép trên một số địa bàn ngoại thành có diễn biến phức tạp, phá vỡ quy hoạch, hình thành các khu dân cư tự phát, không có cơ sở hạ tầng đồng bộ, không dịch vụ, tiện ích…gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố do quy định của pháp luật như Luật Xây dựng năm 2014 không quy định các biện pháp ngưng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng.
“Điều này gây khó khăn trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính. Hiện nay, việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm còn nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến thẩm quyền tổ chức cưỡng chế, kinh phí cưỡng chế, lực lượng thực hiện công tác cưỡng chế”, ông Kiên nói.
Xử lí hình sự
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Trần Kiên cho biết, từ năm 2017 đến nay, tổng số giấy phép xây dựng (GPXD) được cấp là gần 126.400. Trong đó, GPXD nhà ở riêng lẻ chiếm 89%.
Trên địa bàn thành phố có gần 6.830 công trình vi phạm, gồm hơn 3.320 trường hợp sai phép (chiếm gần 49%), xây dựng không xin phép trên đất đủ điều kiện cấp GPXD và hơn 2.570 xây dựng không phép trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được phép. Nguyên nhân được chỉ ra là một số cán bộ, công chức được phân công quản lí trật tự xây dựng chưa làm hết trách nhiệm, hình thức xử lí không kiên quyết...
Tại Hội nghị bàn về các giải pháp quản lí nhà nước về trật tự xây dựng, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu lãnh đạo các sở ngành, 24 quận huyện chấn chỉnh công tác quản lí.
Yêu cầu công an xác minh, xử lí hình sự các đối tượng vi phạm nhiều lần hoặc có mức độ vi phạm nghiêm trọng, nhất là các đầu nậu, đầu cơ, xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp, tự ý phân lô bán nền để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến quy hoạch chung, mất an ninh trật tự...
Sở Tư pháp được giao nhiệm vụ đề xuất các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm trật tự xây dựng như: không cấp điện, nước đối với các công trình vi phạm; không cho xuất cảnh đối với cá nhân đang chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; xử lí hình sự các vi phạm về trật tự xây dựng.