Zara, H&M thu hàng tỉ đồng/ngày tại Việt Nam, cơ hội nào cho Uniqlo?

Uniqlo coi Việt Nam là thị trường bản lề để tiếp cận Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự phát triển của các thương hiệu như Zara, H&M hay Elise, Hnoss… sẽ là thử thách lớn cho đại gia Nhật.

Theo thông báo mới nhất từ Uniqlo, cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam đặt tại trung tâm thương mại Parkson Saigon Tourist Plaza (quận 1, TP HCM). Chiếm tổng diện tích 3.000 m2 khắp 3 tầng, Uniqlo Đồng Khởi được quảng cáo là một trong những cửa hàng lớn nhất Đông Nam Á của hãng này.

Trả lời truyền thông cuối năm 2018, ông Tadashi Yanai - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc điều hành của Tập đoàn Fast Retailing (đơn vị sở hữu Uniqlo) cho biết, việc gia nhập thị trường Việt Nam là một cột mốc quan trọng, đánh dấu bước phát triển và tiếp cận sâu hơn thị trường tiềm năng Đông Nam Á.

Như vậy, Uniqlo là thương hiệu thời trang nhanh quốc tế thứ 11 có mặt tại Việt Nam. Cùng với các thương hiệu nội địa như Hnoss, Eva de Eva, Libé, Uniqlo sẽ làm nên cuộc đua lớn trên thị trường hơn 95 triệu dân này.

Mỗi ngày, ông chủ Zara thu 5,3 tỉ, HM có gần 1,8 tỉ tại Việt Nam

Theo phân tích và xếp hạng của VIRAC, đứng đầu thị trường bán lẻ thời trang hiện tại là Công ty TNHH Mitra Adiperkasa Việt Nam - đơn vị vận hành các thương hiệu Zara, Pull & Bear, Stradivarius và Massimo Dutti tại Việt Nam.

Báo cáo tài chính năm 2018 của Mitra Adiperkasa (MAP) cho thấy hãng thu về hơn 1.973 tỉ đồng từ thị trường Việt Nam, gấp hơn 1,7 lần năm 2017 và gần 6 lần năm 2016. Trong đó, Zara đóng góp gần 90% doanh thu.

Việt Nam cũng là thị trường đứng thứ 2 về doanh thu của doanh nghiệp này, sau Indonesia. Sau 3 năm có mặt tại Việt Nam, các thương hiệu thu về gần 3.100 tỉ đồng, biên lợi nhuận gộp trung bình hàng năm khoảng 40%.

Tuy nhiên, nửa đầu năm nay, doanh thu của Mitra Adiperkasa Việt Nam giảm 2% so với cùng kỳ năm 2017, còn 972 tỉ đồng, tương đương 5,3 tỉ đồng mỗi ngày.

Zara, H&M thu hàng tỉ đồng/ngày tại Việt Nam, cơ hội nào cho Uniqlo? - Ảnh 1.

Trong khi đó, với việc mở mới 4 cửa hàng, H&M nâng doanh thu lên hơn 653 tỉ đồng trong năm tài chính 2018, gấp 4,3 lần năm 2017.

Sở hữu 7 cửa hàng tại TP HCM và Hà Nội, H&M Việt Nam được cho là có tốc độ mở điểm bán thuộc hàng nhanh nhất của H&M toàn cầu. Ông Fredrik Famm, Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á, từng chia sẻ: "Là một thị trường trẻ trung và phát triển không ngừng, Việt Nam đã mang đến những đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng chung của H&M tại khu vực Đông Nam Á".

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang là “miếng bánh béo bở” của nhiều thương hiệu thời trang nhanh quốc tế. Dù đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ, Topshop và Gap vẫn duy trì hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Hiện tại, Topshop, Topman được vận hành bởi Công ty CP Maison Retail Management International, ngôi nhà chung của hơn 20 thương hiệu đình đám khác trên thế giới như Charles & Keith, Coach, Karen Millen, Puma…

Trong khi đó, Gap, Old Navy, Banana Republic, Mango cùng các thương hiệu cao cấp như Levi's, Nike, Tommy Hilfiger… được phân phối tại Việt Nam thông qua Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm châu Mỹ (CMFC) và Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu châu (ACFC) của doanh nhân Louis Nguyễn.

Hãng nội đầu tư công nghệ để cạnh tranh

Dù bị chỉ trích vì tác động xấu đến môi trường, thời trang nhanh vẫn liên tục phát triển tại Việt Nam trong nhiều năm qua. 

Thống kê của VIRAC cho thấy đứng trong top 10 thương hiệu thời trang chiếm thị phần cao nhất tại Việt Nam vẫn có sự góp mặt của Ivy Moda, Blue Exchange, Elise, Sanding và Lime Orange.

Trong khi đó, Eva de Eva, Libé, Magonn, Hnoss và nhiều cái tên mới nổi khác cũng đang không ngừng chứng tỏ tiềm năng phát triển.

Cuối tháng 2 vừa qua, Elise bán cổ phần cho quỹ đầu tư Nhật Bản Asia Fund. Ông Tokuo Yotaro, thành viên Hội đồng quản trị Elise, cho rằng trong thời gian tới đây, ngành thời trang Việt Nam sẽ phát triển nhanh nhất châu Á. 

Trong vòng hơn 1 năm qua, Hnoss và Eva de Eva cũng lần lượt nhận đầu tư từ quỹ Seedcom.

Zara, H&M thu hàng tỉ đồng/ngày tại Việt Nam, cơ hội nào cho Uniqlo? - Ảnh 2.

Quy mô ngành thời trang Việt Nam năm 2018 ước tính khoảng 5 tỉ USD, dự kiến đạt 7 tỉ USD vào năm 2023, theo Seedcom. (Ảnh: Quỳnh Trang).

Nhận xét về cơ hội cho thời trang nhanh tại Việt Nam, ông Đinh Anh Huân – nhà sáng lập Seedcom từng chia sẻ với Zing.vn, “Việt Nam là thị trường gần 100 triệu dân với nhu cầu hàng phổ thông rất cao, hiện giờ cũng chưa có nhiều thương hiệu nội địa giá hợp lí”.

Năm 2018, quy mô ngành thời trang Việt Nam ước tính khoảng 5 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm, dự kiến đạt 7 tỉ USD vào năm 2023, theo nghiên cứu của Seedcom.

Báo cáo quý II/2018 của Nielsen cũng nhận định thị trường thời trang Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng 15-20%/năm.

Đồng thời, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng cho biết, tổng nhu cầu nội địa khoảng 40 triệu bộ quần áo mỗi năm với quy mô 4,5 tỉ USD, tức mỗi năm người Việt chi 100.000 tỉ đồng cho quần áo.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Anh Huân đánh giá các thương hiệu thời trang quốc tế vốn hiểu khách hàng và có khả năng thay đổi, đáp ứng theo nhu cầu của khách hàng rất nhanh chóng. Do đó, muốn cạnh tranh, các nhà bán lẻ Việt cần ứng dụng công nghệ để thấu hiểu khách hàng, đồng thời chú trọng các nội dung kĩ thuật số, tận dụng và phát triển tối đa các kênh mua sắm trực tuyến để mang đến trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho khách hàng.

Chia sẻ với báo giới, đại diện thương hiệu Ivy Moda cho biết sử dụng công nghệ RFID trong khâu logistics nhằm quản lí chip điện tử đối với từng mã hàng, từ đó tăng năng suất của các giai đoạn kiểm kho, điều phối, vận chuyển hàng hóa… Nhờ vậy, hãng này chỉ mất 2 ngày thay vì 10-15 ngày như trước đây để các thiết kế mới nhất có mặt trên hệ thống gần 70 cửa hàng trên toàn quốc.

Uniqlo - ông lớn thời trang thứ 2 toàn cầu

Như vậy, với việc đặt chân đến Việt Nam vào cuối năm nay, Uniqlo sẽ phải đối mặt với 10 thương hiệu thời trang nhanh quốc tế uy tín và hàng chục tên tuổi nội địa có mức giá bình dân hơn.

Trước đó, kết thúc năm tài chính 2019 vào ngày 31/8 vừa qua, Fast Retailing công bố doanh thu 21,2 tỉ USD, tăng 7,5% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế đạt 2,3 tỉ USD, tăng 4% so với cùng kì.

Với kết quả kinh doanh này, Fast Retailing có 3 năm liên tiếp đạt kỉ lục doanh thu và là ông lớn thời trang thứ 2 toàn cầu, sau Inditex (đơn vị sở hữu thương hiệu Zara).

Trong đó, hoạt động kinh doanh của Uniqlo trên toàn cầu là động lực tăng trưởng chính của Fast Retailing. Lần đầu tiên doanh thu từ Uniqlo chạm mốc 9,5 tỉ USD, tăng 14,5% so với năm 2018.

Thị trường lớn nhất của Uniqlo trong nhiều năm qua là Trung Quốc, nơi thương hiệu này mở cửa hàng đầu tiên năm 2002. Lợi nhuận của Uniqlo tại đây tăng 21% lên 819 triệu USD. Hãng kì vọng đạt doanh thu 9,2 tỷ USD tại thị trường này vào năm 2022 từ 4,6 tỉ USD năm nay.

Zara, H&M thu hàng tỉ đồng/ngày tại Việt Nam, cơ hội nào cho Uniqlo? - Ảnh 3.

Hình ảnh Uniqlo Đồng Khởi được quảng cáo trên các trang tin chính thức của hãng.

Còn tại Đông Nam Á, hiện Uniqlo đã có mặt tại Singapore, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Thị phần của Uniqlo tại khu vực là 2,1% trong khi con số này của H&M và Inditex lần lượt là 1.4% và 1.2%, theo Euromonitor.

Theo Nikkei, Uniqlo dự kiến tăng gấp đôi lượng điểm bán tại Đông Nam Á và châu Đại Dương, đạt 400 cửa hàng vào năm 2022. 

Đến tháng 8/2022, đại gia Nhật Bản này đặt mục tiêu tăng gấp 3 doanh thu tại khu vực, đạt 2,7 tỉ USD. Đây là một trong chiến lược đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng doanh thu của Uniqlo lên mức gấp đôi như dự kiến, đạt 26 tỉ USD.

Trước khi chính thức mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, Uniqlo đã tổ chức sự kiện tuyển dụng lớn vào tháng 5/2017 ở TP HCM và Hà Nội. Hiện tại, các vị trí nhân viên bán hàng cũng được mở tuyển đến cuối tháng 10.

Công ty con của Uniqlo tại Việt Nam là liên doanh do Fast Retailing (Singapore) sở hữu 75% vốn điều lệ, còn lại 25% vốn do Tập đoàn Mitsubishi sở hữu và không có liên hệ nào với các doanh nghiệp tại Việt Nam.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.