Năm 2016, Zara là thương hiệu điểm danh đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Một năm sau, H&M, Oldnavy có mặt. Cuối năm nay, thị trường thời trang Việt lại hoan nghênh thêm người bạn Nhật Bản Uniqlo.
H&M chính là "anh cả" của làng thời trang nhanh có tên tuổi, ra mắt từ năm 1947 ở Thuỵ Điển, với cái tên Hennes. Thương hiệu này "Luân Đôn tiến" vào năm 1976, bắt đầu bán lẻ trực tuyến vào năm 1998, và chính thức đạt được "giấc mơ Mỹ" năm 2000.
Nhưng thương hiệu có công định nghĩa ngành thời trang nhanh lại là Zara. Nhà sáng lập Amancio Ortega mở cửa hàng đầu tiên ở Tây Ban Nha vào năm 1975. Nguyên tắc kinh doanh ngay từ đầu của ông là biến tốc độ thành động lực tăng trưởng.
Khi Zara đến New York vào đầu năm 1990, tờ New York Times đã sử dụng thuật ngữ thời trang nhanh để mô tả cửa hàng. Thương hiệu này tuyên bố rằng họ chỉ mất 15 ngày để một bộ quần áo đi từ đầu óc của một nhà thiết kế nào đó đến các ma-cơ-canh và kệ trưng bày trong cửa hàng Zara.
Zara biến tốc độ thành động lực tăng trưởng, giúp định nghĩa rõ "thời trang nhanh". (Ảnh: CNBC).
Đánh đúng tâm lí khách hàng - đưa các bộ sưu tập về cửa hàng chỉ sau vài ngày ra mắt, cập nhật mẫu mã liên tục, giá lại không quá cao, các cửa hàng của thương hiệu này mở rộng khắp châu Âu và thâm nhập thị trường Mỹ vào những năm 1990-2000.
Một mình một cõi ở châu Á, Uniqlo tiền thân là Ogori Shōji (nghĩa là Hệ thống cửa hàng dành cho nam giới) được thành lập vào năm 1949 tại Nhật Bản. Mãi đến năm 1984, công ty mới mở một cửa hàng thời trang thường ngày dành cho cả nam và nữ, dưới tên gọi "Kho quần áo độc đáo".
Chủ tịch Tadashi Yanai về sau đổi tên thành Uniqlo. Đến năm 1994, Uniqlo có hơn 100 cửa hàng hoạt động trên khắp Nhật Bản.
Từ đó, các thương hiệu thời trang nhanh đua nhau thu về hàng nghìn tỉ USD doanh thu mỗi năm. Ngay cả các vị phu nhân như Kate Middleton và Michelle Obama cũng liên tục xuất hiện cùng các mẫu đầm đến từ những nhà bán lẻ như Zara và H&M. Sự tôn vinh thời trang "mì ăn liền" từ những nữ yếu nhân như thế đã giúp khẳng định vị thế của ngành công nghiệp này.
Phu nhân Michelle Obama từng mặc chiếc đầm 35$ của H&M lên sóng truyền hình. (Ảnh: Hollywood Repoeter).
Tình hình dần thay đổi khi 5 năm trở lại đây, thời trang nhanh tại Mỹ và châu Âu đối mặt với nhiều thách thức chưa từng thấy.
Theo CNBC, chỉ riêng trong nửa đầu năm 2019, các chuỗi bán lẻ thời trang ở Mỹ đã đóng cửa 5.994 cửa hàng. Hãng nghiên cứu Retail Metrics ước tính doanh thu ngành bán lẻ thời trang ở Mỹ giảm 24% trong quý I/2019.
Cho đến nay, các nhà bán lẻ ở Hoa Kỳ đã công bố đóng cửa hơn 8.200 cửa hàng, vượt quá tổng số 5.589 của năm ngoái, theo nghiên cứu của Coresight.
Việc đóng cửa các cửa hàng bán lẻ tiếp theo dự kiến sẽ chồng chất nhau, và có thể đạt mốc 12.000 vào cuối năm 2019.
Mua sắm trực tuyến đang là một nguyên nhân dẫn đến "cái chết" của nhiều cửa hàng thời trang nhanh. Theo số liệu của Cục Điều tra thương mại Mỹ, ước tính doanh số bán lẻ trực tuyến các sản phẩm thời trang trong quý I/2019 đạt 137,7 tỉ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Giữa thời buổi mua sắm trực tuyến, Uniqlo vẫn duy trì các cửa hàng rộng hàng nghìn m2. (Ảnh: Nikkei Asian Review).
Thế nhưng, thay vì tập trung đầu tư vào thương mại điện tử, các hãng lại đua nhau mở rộng diện tích và số lượng cửa hàng tại các trung tâm thương mại, trong khi giá thuê mặt bằng ngày càng đắt.
Ở New York (Mỹ), chi phí thuê mặt bằng tăng khoảng 89% kể từ năm 2008, trong khi doanh thu bán lẻ chỉ tăng 32%.
Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại London (Anh) và Dubai (UAE).
Còn một nguyên nhân quan trọng nữa, đó là xu hướng thời trang bền vững góp phần làm doanh thu thời trang nhanh giảm mạnh.
Chỉ riêng việc giặt vải đã thải ra 500.000 tấn hạt vi nhựa mỗi năm, tương đương 50 tỷ chai nhựa, vẫn đang trôi nổi trên biển. Nhận thức về bảo vệ môi trường sống thúc đẩy người tiêu dùng thay đổi xu hướng mua sắm. Tần suất mua ít hơn, sống tối giản, và thường chọn những sản phẩm có chất liệu thân thiện với môi trường, như bọt bloom, sợi cam, các sản phẩm dệt màu tự nhiên.
Sau khi đóng cửa khoảng 140 cửa hàng bán lẻ vào năm 2018, H&M điều chỉnh lại kế hoạch mở cửa hàng trong năm 2019, từ 175 thành 130 cửa hàng trên toàn thế giới. Ngay lập tức, chuỗi cửa hàng bán lẻ bị cắt giảm quá mức ở châu Âu, và sẽ tiếp tục giảm các cửa hàng thương hiệu H&M trên khắp lục địa trong năm nay.
Zara cũng đã đóng 355 cửa hàng vào năm ngoái, nhiều hơn 76% so với dự kiến ban đầu. Năm nay, hãng này chuẩn bị đóng thêm 250 cửa hàng. Các thương hiệu bán lẻ thời trang đang phải giảm bớt các mặt hàng bán chậm, phần nhiều vì hành vi tiêu dùng của khách hàng nay đang hướng về mua sắm trực tuyến.
Tuy không đến nổi đóng cửa liên miên trên toàn thế giới nhưng trước làn sóng tẩy chay đồ Nhật, Uniqlo đang ngừng kinh doanh nhiều cửa hàng ở Hàn Quốc. Thị trường trong nước khá ảm đạm do dân số già, và nhịp điệu tăng trưởng giảm.
Zara, H&M, Uniqlo có tình hình kinh doanh không mấy khả quan trong những năm gần đây. (Đồ họa: Tất Đạt).
Các hãng đứng trước con dốc: hoặc phá sản hoặc phải thay đổi.
Với cửa hàng truyền thống, Zara thường xuyên thay đổi bố cục, tạo trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng và đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, với những bức ảnh online rất đẹp và liên tục trao đổi tin tức về sản phẩm, khiến khách ghé thăm website thường xuyên.
Zara còn tổ chức các đợt giảm giá cùng với việc ra mắt sản phẩm mới, sản xuất với số lượng vừa phải để tạo cảm giác khan hiếm hàng.
H&M linh động hơn khi cung cấp cả dịch vụ cho thuê trang phục.
Hãng này bắt đầu đầu tư vào thương mại điện tử, mời hàng loạt ngôi sao tên tuổi về làm đại diện, đẩy mạnh thực hiện các sản phẩm truyền thông hiện đại như TVC, viral clip, tài trợ MV… Ngoài ra, H&M liên tiếp đưa ra các chương trình thu nhận quần áo cũ, đổi lấy mã giảm giá cho người dùng, để bắt kịp xu hướng thời trang bền vững. Hãng này còn tuyên bố sẽ hướng đến việc dùng vải và các chất liệu tái chế để sản xuất quần áo trong tương lai.
Đánh tiếng suốt 3 năm qua, Uniqlo đang chính thức đặt sự hiện diện của mình tại TP HCM. (Ảnh: Uniqlo Việt Nam).
Rẻ ra 3 nhánh, Uniqlo vừa chăm chút đầu tư cho các dòng sản phẩm giá rẻ, vừa dồn tiền cho thương mại điện tử, lại phải cật lực mở rộng thị trường quốc tế. Chỉ trong năm 2018, có đến hàng trăm cửa hàng được mở mới, chú yếu tại các thị trường mới nổi như Đông Nam Á.
Tại các cửa hàng mới, Uniqlo đẩy mạnh dòng sản phẩm giá rẻ, mặc hàng ngày. Mới đây, hãng này tung ra chương trình tặng 100.000 sản phẩm dòng HeatTech cho khách hàng tải xuống ứng dụng của mình.