10 tháng, Cần Thơ giải ngân vốn đầu tư công tăng gấp 2 lần

Đến ngày 31/10/2022, TP Cần Thơ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 3.537,513 tỷ đồng, chiếm 46,48% trên tổng số vốn đã bố trí theo các quyết định của UBND TP Cần Thơ.

 Một góc TP Cần Thơ hiện nay. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ tại Phiên họp UBND TP ngày 9/11 nhằm chuẩn bị các nội dung trình tại kỳ họp HĐND TP cuối năm 2022, đến ngày 31/10/2022, TP Cần Thơ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 3.537,513 tỷ đồng, chiếm 46,48% trên tổng số vốn đã bố trí theo các quyết định của UBND thành phố. So với cùng kỳ năm 2021, Cần Thơ giải ngân tăng gấp hơn 2,09 lần về giá trị và cao hơn 19,59% về tỷ lệ.

Cụ thể cấp thành phố, giá trị giải ngân 2.161,658 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 36,44% kế hoạch vốn, so với cùng kỳ cao hơn 2,21 lần về giá trị và cao hơn 13,97% về tỷ lệ.

Cấp quận, huyện, giá trị giải ngân 1.375,855 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 81,95% kế hoạch vốn, so với cùng kỳ cao hơn 1,92 lần về giá trị và cao hơn 18,39% về tỷ lệ.

Trong tổng số 8 nguồn vốn, đến nay, TP Cần Thơ có 2 nguồn vốn giải ngân trên 70%. Đó là nguồn tiền sử dụng đất đạt 73,83% và nguồn thu vượt xổ số kiến thiết các năm trước đạt 79,55%. Có 2 nguồn vốn giải ngân đạt từ 60%  đến 70%. Đó là nguồn xổ số kiến thiết đạt 61,5%, nguồn cân đối ngân sách địa phương đạt 66,03%. Có 4 nguồn vốn giải ngân dưới 60% bao gồm: vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước), vốn ODA, nguồn chính phủ vay về cho vay lại và nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2018.

Phân theo phân cấp quản lý, cấp thành phố có 33 sở, ban, ngành được giao làm chủ đầu tư 142 dự án; trong đó có 2 chủ đầu tư chưa giải ngân được vốn (đang thực hiện thủ tục lựa chọn nhà thầu, đang hoàn chỉnh hồ sơ dự án đầu tư); có 10 chủ đầu tư giải ngân dưới 20% kế hoạch vốn; có 7 chủ đầu tư giải ngân từ 20% đến 50% kế hoạch vốn; có 14 chủ đầu tư giải ngân trên 50%; trong đó có 4 chủ đầu tư giải ngân trên 95% kế hoạch vốn.

Đối với các quận, huyện, tỷ lệ giải ngân đạt từ 65% đến 87,55% kế hoạch vốn, trong đó cao nhất là các quận huyện như: Ninh Kiều đạt 87,55%, Ô Môn đạt 87,55%, Cờ Đỏ 85,88%, Thốt Nốt 85,59%, Thới Lai 85,52%, Bình Thủy 82,23% và thấp nhất là huyện Phong Điền đạt 65,03%, quận Cái Răng 71,38%, huyện Vĩnh Thạnh 81,26%...

Ước giá trị giải ngân đến hết ngày 31/01/2023 Cần Thơ thực hiện 6.136 tỷ đồng, đạt 96,49% tổng số kế hoạch vốn dự kiến được bố trí hết năm 2022 (trong đó đã trừ số vốn đề nghị điều chỉnh giảm 1.056,666 tỷ đồng nguồn vốn ODA và 394,300 tỷ đồng nguồn vốn Chính phủ vay về cho vay lại)…

Theo UBND TP Cần Thơ, có được kết quả trên do các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tập trung quan tâm, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Đặc biệt, TP Cần Thơ đã tập trung đẩy mạnh kiểm tra, giám sát tiến độ công trình, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công các dự án. TP quan tâm xem xét, quyết nghị, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án khởi công mới, giao chi tiết bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các dự án mới hoàn thiện thủ tục, điều chỉnh bổ sung kế hoạch vốn năm 2022 giữa các chủ đầu tư nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đã bố trí.

Đặc biệt, UBND TP đã sớm cụ thể hóa Nghị quyết của HĐND TP về việc giao, cho ý kiến kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 các nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước, chủ động điều chỉnh nội bộ kế hoạch vốn theo thẩm quyền đồng thời ban hành nhiều văn bản, tập trung chỉ đạo điều hành, chấn chỉnh, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công.

Lãnh đạo UBND thành phố cũng thường xuyên kiểm tra tiến độ các công trình trọng điểm, chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình. Đưa tiêu chí giải ngân vốn đầu tư công vào các tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua đối với các chủ đầu tư vào cuối năm 2022, kiện toàn bộ máy các Ban Quản lý dự án. TP cũng đã thành lập 4 Tổ công tác thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư và từng dự án.

Theo UBND TP Cần Thơ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 cũng gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là nguồn vốn bố trí tập trung chủ yếu vào các dự án trọng điểm của thành phố nhưng đang trong quá trình thực hiện kiểm kê, áp giá và trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và triển khai lập thiết kế kỹ thuật dự toán để đấu thầu xây lắp, nên trong những tháng đầu năm 2022 khối lượng giải ngân vốn chưa nhiều. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, chủ yếu là người dân còn khiếu nại về giá và chính sách hỗ trợ tái định cư.

Mặt khác, thủ tục điều chỉnh các dự án mất nhiều thời gian, nhất là các dự án có sử dụng vốn ODA.

Bên cạnh đó, trước biến động giá vật liệu xây dựng, tình trạng khan hiếm cục cộc vật liệu xây dựng cũng phần nào ảnh hưởng đến kết quả thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (20/7 - 26/7): Hơn 11.500 tỷ đồng làm cao tốc Sơn La - cửa khẩu Tây Trang, chính thức mở rộng TP Nam Định
Chính thức mở rộng TP Nam Định; thông tin mới về dự án khép kín đường Vành đai 3 Hà Nội qua huyện Đông Anh; hơn 11.500 tỷ đồng làm cao tốc Sơn La - cửa khẩu Tây Trang; duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Cam Ranh... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.