Kết sổ tháng 11, thị trường ôtô Việt Nam năm 2019 gần như đã xác định được đâu là những mẫu xe bán chạy nhất ở từng phân khúc. Hầu hết vẫn là các cái tên quên thuộc đã khẳng định được vị thế từ lâu nhưng cũng có một vài cuộc đổi ngôi bất ngờ.
Dẫn đầu nhóm xe đô thị cỡ nhỏ tại Việt Nam năm nay vẫn là gương mặt hết sức quen thuộc - Hyundai Grand i10. Có tổng cộng 16.126 chiếc i10 đã được tiêu thụ, chiếm đến 46% thị phần nhóm này.
Mức giá hấp dẫn, chi phí sử dụng tiết kiệm, có tùy chọn hatchback và sedan đi cùng nhiều cấu hình động cơ - hộp số là các lí do chính giúp Hyundai i10 bán tốt gần gấp đôi so với đồng hương Kia Morning.
Tuy nhiên, xu hướng chuyển từ mua xe hạng A sang xe hạng B đang khiến doanh số của i10 cũng như các đối thủ suy giảm trong năm 2019.
Tính riêng i10 có bước lùi đáng kể khi giảm đến 4.506 xe so với cùng kì 11/2018. Kéo theo đó, i10 nay đã đánh mất vị trí sản phẩm bán chạy nhất của TC Motor vào tay Hyundai Accent.
Toyota Vios tiếp tục là mẫu xe bán chạy nhất nhóm ôtô hạng B nói riêng và toàn thị trường xe du lịch Việt Nam nói chung. Dù có giá cao nhất phân khúc (490-570 triệu đồng) nhưng Vios vẫn bán tốt nhờ thương hiệu phổ biến, bền bỉ, tiết kiệm và tính thanh khoản cao.
Tính đến hết 11/2019, "con ngỗng đẻ trứng vàng" của Toyota đã vượt qua mốc doanh số 23.531 xe của cùng kì năm trước. Tuy nhiên, Vios khó có thể tái lập kỉ lục hơn 3.600 xe như tháng 12/2018 và vượt mốc 27.188 chiếc của năm trước, khi các mẫu xe Hàn Quốc đang có sự vươn lên mạnh mẽ.
Hyundai Accent sau 11 tháng đã bán được 17.551 xe, vượt doanh số 12.537 của cả năm 2018. Kia Soluto mới ra mắt được 3 tháng đã lọt vào top 10 xe bán chạy nhất Việt Nam, với 1.016 xe trong tháng 11/2019, vượt qua cả Honda City. Nhiều khả năng Toyota sẽ đưa ra những thay đổi mới cho Vios để tăng tính cạnh tranh trước các đối thủ.
Áp đảo nhóm hatchback hạng B là một mẫu xe khác của Toyota - Yaris. Biến thể 5 cửa của Vios tiêu thụ được 2.745 chiếc, chiếm hơn 41% lượng xe của cả phân khúc.
Cũng như các mẫu xe đồng hương, Toyota Yaris được nhập khẩu từ Thái Lan và có giá bán cao nhất trong các mẫu hatchback Nhật Bản - 650 triệu. Bù lại, không gian rộng rãi và yếu tố thương hiệu được xem là 2 lợi thế quan trọng để Yaris bán tốt hơn đối thủ.
Bên cạnh vị trí dẫn đầu quen thuộc của Toyota Yaris thì sự vươn lên của Suzuki Swift cũng rất đáng chú ý. Ra mắt từ cuối 2018, đến này Swift đã vượt qua Honda Jazz với doanh số trung bình hơn 130 xe/tháng.
Nếu có thêm những động thái để tăng sức hút với khách hàng, Suzuki Swift hoàn toàn có khả năng thách thức được Toyota Yaris.
Phân khúc C từ lâu đã thuộc về Thaco với 2 vị trí dẫn đầu được nắm giữ bởi Mazda3 và Kia Cerato. Thị phần mà Mazda3 và Cerato nắm giữ lần lượt là 33,76% và 27,83% sau 11 tháng. Nếu Mazda3 hấp dẫn người dùng với thiết kế đẹp, nhiều công nghệ thì Cerato bán chạy nhờ giá thấp.
Trái ngược với kết quả kinh doanh ổn định kể trên, Toyota Altis và Honda Civic bán chậm hơn so với cùng kì. Thậm chí Ford Việt Nam đã dừng sản xuất và kinh doanh Focus vì doanh số èo uột.
Đầu tháng 11/2019, Mazda đã giới thiệu thế hệ Mazda3 mới với kiểu dáng sang trọng hơn, nâng cấp công nghệ nhưng giá bán cũng tăng vọt lên đến 719-939 triệu. Dự đoán, Mazda3 2020 có thể sẽ điều chỉnh giá bán, hoặc đưa ra các ưu đãi để không đánh mất khách hàng vào tay 2 mẫu xe Hàn là Kia Cerato và Hyundai Elantra.
Thế hệ Camry 2019 được ra mắt từ đầu năm và giúp Toyota duy trì vị trí dẫn đầu phân khúc sedan hạng D trước Mazda6.
Lợi thế về mặt thương hiệu của Toyota Camry nay được bổ trợ thêm bằng yếu tố xe nhập khẩu, ngoại hình mới bắt mắt và nhiều tính năng trang bị mới.
Tuy bán tốt hơn các đối thủ và chiếm hơn một nửa thị phần của phân khúc D nhưng so với đời xe trước, Toyota Camry mới có bước giảm mạnh về mặt doanh số. So với thời điểm tháng 11/2018, Camry bán ít hơn khoảng 1.300 xe với mức giảm tương ứng là 19,9%.
Sự sụt giảm chung của Toyota Camry, Mazda6, Kia Optima và Honda Accord đến từ xu hướng chuyển từ sedan sang chọn mua xe gầm cao của người Việt Nam. Nhiều khả năng, các mẫu xe hạng D sẽ khó lấy lại hào quang ngày nào, khi bị xe SUV và CUV tầm 1 tỉ đồng áp đảo về sự đa dạng mẫu mã lẫn tính đa dụng.
Song song với việc Ford EcoSport sụt giảm doanh số, Hyundai Kona đã vươn lên dẫn đầu nhóm CUV cỡ nhỏ bằng kết quả 6.147 xe cùng 50,3% thị phần sau 11 tháng của 2019.
Trung bình Kona bán khoảng 560 xe/tháng, cao hơn EcoSport với 330 xe/tháng.
Mức giá 615-725 triệu nằm giữ Ford EcoSport và Honda HR-V đi cùng thiết kế năng động, nhiều trang bị tiện nghi an toàn là các nguyên nhân giúp Hyundai Kona được lòng nhóm khách hàng trẻ.
Nhìn chung, EcoSport sẽ khó lòng đòi lại được vị thế của mình trong năm 2020, khi mà Kona vẫn đang là sự lựa chọn tối ưu cho nhu cầu mua xe gầm cao đô thị cỡ nhỏ. Trong khi đó, HR-V với giá bán 800-900 triệu chỉ dành cho số ít những ai thực sự thích xe Honda.
Dù vướng phải những tranh cãi quanh vấn đề lỗi phanh nhưng Honda CR-V vẫn bán tốt và đạt kỷ lục doanh số hơn 12.000 xe khi kết sổ tháng 11/2019, vượt mốc 8.819 xe của năm 2018.
Nguyên nhân chính đến từ việc nguồn cung xe nhập khẩu ổn định hơn trước, kết hợp với nhiều chương trình ưu đãi rải rác trong năm của nhà sản xuất.
Đồng thời, nhờ tận dụng việc Mazda CX-5 phải chia sẻ một lượng khách hàng với CX-8 nên Honda CR-V đã dễ dàng chiếm lấy ngôi đầu bảng của phân khúc CUV cỡ trung với 27,27% thị phần, nhỉnh hơn tỷ trọng 20,39% của CX-5.
Cạnh tranh gay gắt với CX-5 và CX-8 của Mazda là cặp đôi Hyundai Tucson và SantaFe. Phiên bản nâng cấp của 2 mẫu xe Hàn Quốc góp phần hâm nóng trở lại phân khúc bấy lâu nay là sân chơi riêng của Mazda và Honda. Có thể nói, cuộc đua doanh số của các mẫu xe CUV cỡ trung năm 2020 sẽ rất gây cấn và khó lường hơn.
Bằng việc chuyển sang lắp ráp trong nước 4 trên 6 phiên bản Fortuner, Toyota không những duy trì được vị thế mà còn bỏ xa các đối thủ ở phân khúc SUV 7 chỗ.
Với doanh số đều đặn 1.000 chiếc mỗi tháng, Toyota Fortuner đang nắm giữ 54,16% thị phần và đã bán được nhiều hơn năm 2018 đến 5.010 xe.
Ford Everest cũng có sự tăng trưởng vượt bật so với cùng kì, doanh số của 11 tháng 2019 nay đã gấp 3,5 lần lượng xe tiêu thụ năm trước.
Trong khi đó, Chevrolet Trailblazer, Mitsubishi Pajero Sport cùng Isuzu mu-X không có nhiều sự biến chuyển với doanh số và thị phần thấp. Riêng Nissan Terra không được công bố doanh số.
Fortuner từ lâu đã là cái tên được cân nhắc đầu tiên khi chọn mua xe SUV tại Việt Nam bởi tính kinh tế trong sử dụng.
Sẽ không dễ để các đối thủ có thể lật đổ được Toyota Fortuner, nhất là khi các phiên bản lắp ráp trong nước có giá bản hợp lý và nguồn cung ổn định hơn trước.
Có thể gọi Ford Ranger là "độc cô cầu bại" của phân khúc pick-up tại Việt Nam. Các phiên bản Ranger nâng cấp 2019 nhẹ nhàng cán mốc 11.783 xe và chiếm 57,53% thị phần. Ngoài ra, Ranger gần như nắm chắc trong tay danh hiệu sản phẩm bán chạy nhất của Ford Việt Nam năm nay.
Tạo nên thành công của Ford Ranger có thể kể đến yếu tố thương hiệu, thiết kế hầm hố, có nhiều phiên bản tùy chọn cho những nhu cầu mua xe bán tải khác nhau đi cùng giá bán hợp lí.
Dù có được sự tăng trưởng đáng kể so với năm trước nhưng Toyota Hilux và Mitsubishi Triton vẫn chưa đủ sức để gây áp lực đối với Ford Ranger.
Bộ đôi Nhật Bản cùng với Mazda BT-50, Chevrolet Colorado và Isuzu D-max nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị Ranger bỏ xa trong năm tới.
Màn tăng tốc ấn tượng nhất năm 2019 xứng đáng thuộc về Mitsubishi Xpander. Không chỉ lật đổ được ông hoàng MPV gầm cao Toyota Innova, Xpander còn nhiều lần vượt mặt Vios để trở thành xe bán chạy nhất tháng.
Tính đến tháng 11/2019, Mitsubishi đã tiêu thụ được hơn 17.000 chiếc Xpander, và chiếm hơn một nửa thị phần nhóm MPV đa dụng.
Có thể nói, Mitsubishi Xpander đã mở ra xu hướng chuộng mua xe đa dụng 7 chỗ cỡ nhỏ tại Việt Nam nhờ thiết kế bắt mắt, nội thất thực dụng, giá bán cạnh tranh và tính kinh tế khi sử dụng.
Trong khi đó, Innova với giá bán cao đã không thể duy trì được sức hút của mình trước đối thủ đồng hương.
Mitsubishi Xpander bùng nổ doanh số đã kéo theo sự ra mắt Suzuki Ertiga mới và phiên bản Toyota Avanza nâng cấp. Điều này càng khiến phân khúc MPV đã trở nên chật chội và khó đoán hơn trong năm 2020.