Theo Xây dựng, trong kế hoạch thanh tra năm 2022, Bộ Xây dựng cho biết sẽ thanh tra hai chuyên đề diện rộng 11 tỉnh.
Cụ thể là Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.
Chuyên đề thứ nhất, đối tượng thanh tra gồm chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn.
Chuyên đề hai, đối tượng thanh tra sẽ là UBND tỉnh, chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội với các dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị (quan tâm đối tượng là người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp).
Ngoài ra, trong năm tới, Bộ sẽ thanh tra công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng tại Ban quản lý dự án Thăng Long Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam – CTCP; thanh tra công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng trong các lĩnh vực quy hoạch xây dựng, thực hiện theo quy hoạch; hoạt động đầu tư xây dựng; hoạt động kinh doanh bất động sản tại UBND 3 tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Hậu Giang.
Được biết, sau 18 cuộc thanh tra từ cuối năm 2020 đến nay về phí bảo trì tại Hà Nội, Thanh tra Bộ Xây dựng đã yêu cầu 12 chủ đầu tư phải trả lại hơn 338 tỷ đồng cho các Ban quản trị nhà chung cư.
Các chủ đầu tư trả lại trong thời hạn 20 ngày với diện tích 2.080 m2 lấn chiếm phần sở hữu, sử dụng chung về cho cư dân (tương đương số tiền khoảng 62,4 tỷ đồng).
Một số dự án vi phạm như chung cư Riveside Garden (số 349 Vũ Tông Phan, Khương Đình, Thanh Xuân), chủ đầu tư là Liên danh CTCP Sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Prosimex và CTCP Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam (Videc); dự án CT2-105 khu đô thị Văn Khê mở rộng (tên thương mại HPC Landmark) và dự án Hanoi Homeland của CTCP đầu tư Hải Phát Thủ Đô;...