Hà Nội tổ chức thanh tra chuyên ngành về nhà ở, dứt khoát xử lý sai phạm liên quan kinh phí bảo trì chung cư

Hà Nội giao Sở Xây dựng tăng cường thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư. Khi phát hiện dấu hiệu tội phạm cần chuyển cơ quan điều tra theo quy định.

Ngày 27/10, UBND TP Hà Nội đã có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư.

Hà Nội tổ chức thanh tra chuyên ngành về nhà ở, dứt khoát xử lý sai phạm liên quan kinh phí bảo trì chung cư  - Ảnh 1.

Hà Nội tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư. (Ảnh minh họa: Hà Nội Mới).

Theo đó, UBND thành phố giao Sở Xây dựng thanh tra chuyên ngành về nhà ở trên địa bàn, trong đó, tăng cường thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì các nhà chung cư. Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tội phạm về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì thì chuyển cơ quan điều tra theo quy định.

Công an thành phố có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì theo quy định.

Hà Nội cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục nâng cao công tác quản lý về nhà ở trên địa bàn; theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư, Ban quản trị nhà chung cư triển khai Chỉ thị số 02 của Bộ Xây dựng; hằng quý báo cáo tình hình triển khai, kết quả thực hiện, gửi Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo UBND thành phố. 

Đặc biệt, UBND các quận, huyện, thị xã cần tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư; trong đó chú trọng đến việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì. Các địa phương xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm.

Khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị của Ban quản trị nhà chung cư, UBND các quận, huyện, thị xã cần khẩn trương kiểm tra và ban hành quyết định công nhận Ban quản trị nhà chung cư; hoặc ủy quyền cho UBND cấp xã kiểm tra hồ sơ và ban hành quyết định công nhận theo quy định.

Trước đó, ngày 15/9, Bộ Xây dựng đã có Chỉ thị số 02 về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư.

Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết có nhiều chủ đầu tư, ban quản trị nhà chung cư quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư đã không chấp hành hoặc chấp hành nhưng không đầy đủ theo quy định. Điều này dẫn đến tình trạng có nhiều tranh chấp, đơn thư khiếu nại kéo dài. 

Đầu năm 2021, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo thanh tra đối với nhiều chủ đầu tư và ban quản trị nhà chung cư xảy ra tranh chấp gay gắt, có biểu hiện không chấp hành các quy định của pháp luật về nhà ở, đặc biệt là công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì. Kết thúc đợt thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 18 kết luận thanh tra đối với 18 chủ đầu tư và 17 ban quản trị tại 24 nhà chung cư/cụm nhà chung cư. Trong đó, buộc 12/18 chủ đầu tư phải gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán để chuyển ngay cho ban quản trị nhà chung cư tổng số kinh phí bảo trì hơn 344,96 tỷ đồng. 5/18 chủ đầu tư phải trả lại 2.080 m2 diện tích lấn chiếm về cho cư dân (có giá trị khoảng 62,40 tỷ đồng). 8/18 chủ đầu tư bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 1,03 tỷ đồng.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.