3 bước xử trí khi trẻ nhỏ đánh bạn

Khi trẻ đánh bạn, nếu chúng ta quát mắng thậm tệ, và đổ hoàn toàn lỗi cho trẻ nhỏ, dường như cách cư xử đó chưa công bằng với đứa trẻ.
3 buoc xu tri khi tre nho danh ban Chúng ta có cần làm ba mẹ hoàn hảo không?
3 buoc xu tri khi tre nho danh ban Phải làm gì với con?

Nếu có dịp ghé các khu vui chơi cho trẻ em, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh tượng các bé tranh giành đồ chơi, rồi đánh nhau, khóc lóc đủ cả. “Kịch bản” sau khi trẻ đánh bạn thường là đứa trẻ đó bị bố mẹ mắng như té tát cùng lời mắng không thể nặng nề hơn. "Cái thằng này! Mày nghịch như giặc thế à? Sao mày lại nghịch như quỷ sứ thế hả cái thằng kia? Mày ra đây. Mày ra đây ngay” là một ví dụ.

3 buoc xu tri khi tre nho danh ban
Xử trí thế nào khi trẻ đánh bạn? (Ảnh: Panoramio)

Thực tế mà nói, khi các cháu nhỏ chơi với nhau, việc chúng đôi khi không kiểm soát được hành động, hoặc do trêu đùa quá trớn mà đánh nhau đều hoàn toàn có thể xảy ra. Chúng ta có thể dạy các bé biết chơi tinh tế hơn, có trách nhiệm hơn, biết quan tâm đến người khác hơn, biết lường trước rủi ro hơn,... nhưng nếu chúng ta quát mắng thậm tệ, và đổ hoàn toàn lỗi cho trẻ nhỏ khi có sự cố xảy ra, dường như cách cư xử đó chưa công bằng với đứa trẻ.

Chị Đặng Nam Phương (Hà Nội) – một bà mẹ làm mẹ toàn thời gian chia sẻ quan điểm cá nhân về việc bố mẹ quát mắng trẻ khi trẻ đánh bạn: "Nhiều người lớn muốn chứng tỏ với thiên hạ là mình biết dạy con”. Kiểu như, họ quát mắng con sa sả, không hẳn là vì đó là cách giáo dục con hiệu quả nhất, khiến con thấm sâu bài học, tâm phục khẩu phục - mà đơn giản vì trước mắt xả van cơn giận dữ của bản thân mình, thứ hai là lớn tiếng để xã hội nhìn vào thấy mình cũng "không đến nỗi nào", con hư không phải do "không được gia đình giáo dục", rốt cuộc để cái bản ngã của họ không bị tổn thương.

3 buoc xu tri khi tre nho danh ban
Sẽ không công bằng với trẻ nếu bố mẹ quát mắng thậm tệ và đổ lỗi hoàn toàn cho trẻ khi có sự việc xảy ra. (Ảnh: Naver)

Câu chuyện về hình-phạt-không-hình-phạt

Nhân câu chuyện này, tôi muốn kể một mẩu chuyện đáng nhớ trong tuổi thơ của doanh nhân, tỷ phú, nhà đầu tư, nhà từ thiện người Anh nổi tiếng Richard Branson với tập đoàn Virgin Group có hơn 400 công ty con, và triết lý sống tự do và mãnh liệt với khát khao và đam mê lan truyền tới hàng triệu người trên khắp thế giới.

Chuyện rằng, năm xưa, cậu bé Richard thuở ấu thơ cư xử thô lỗ khi gặp con trai của bạn mẹ cậu ở buổi đi nhà thờ. Richard không ưa cậu bé kia, liền bỏ đi sang hàng ghế đối diện ngồi, thậm chí đằng thẳng phản ứng: "Con không ngồi cùng bạn ấy đâu".

Về nhà mẹ cậu rất giận, bảo bố cậu nhất định phải đánh thật đau vào mông và dạy cho cậu một bài học nhớ đời. Bố Richard kéo cậu vào phòng trong, nhưng thay vì tét mạnh để trừng phạt cậu bé, lại giả vờ vỗ tay đôm đốp vào nhau để cho mẹ cậu ở ngoài tưởng bố đang phát mông cậu. Khỏi phải nói cậu bé ngạc nhiên thế nào khi đã bò ra đất chuẩn bị tâm lý bị đánh, lại thấy bố "tha bổng" cho mình bất ngờ như thế.

3 buoc xu tri khi tre nho danh ban
"Hình-phạt-không-hình-phạt" có sức mạnh vô hình trong việc giáo dục trẻ. (Ảnh: Benesse)

Đến nhiều chục năm sau khi đã là một biểu tượng lừng lẫy của nước Anh và thế giới, ngài Richard vẫn nhớ như in bài học này từ bố. Rằng nếu như hôm đó bố thực sự đánh đòn cậu, thì chắc chắn cậu cũng nhớ đến già đấy, nhưng sẽ chỉ nhớ là bị đánh rất đau, còn sẽ không bao giờ nhớ là tại sao lại bị đánh, và cần rút kinh nghiệm điều gì.

Chính nhờ lần được thoát đòn mà sau đó cậu có quá trình tự suy ngẫm, tự trăn trở, kết quả là vô cùng thấm thía bài học không bao giờ giảng của bố, thấm thía sức mạnh của "hình-phạt-không-hình-phạt".

Các bước xử trí khi trẻ nhỏ đánh bạn

Bản thân con trai tôi, cách đây 1 năm, khi bé trạc 2 tuổi, nếu nhìn về hành vi, bé đánh người khác khá thường xuyên. Trước hết là đánh người trong nhà, đánh chị gái khi đó tầm 4 tuổi, và ra ngoài cứ gặp đứa nào thấy "ngứa mắt" là lập tức "ngứa tay" xử lý.

Tôi hay kể với bạn bè câu chuyện điển hình, một buổi tối tôi dắt tay 2 con đi chơi siêu thị, cũng theo sát 2 cháu, chỉ trừ các lúc với đồ trên kệ, cho đồ vào siêu thị, ngó nghiêng xem hàng. Vậy mà ngoảnh đi ngoảnh lại trong một buổi tối, có đi kèm với mẹ và chị, cháu đã tranh thủ kịp đánh 4 người, chủ yếu là trẻ nhỏ, còn có cả chị lớn hơn mấy tuổi. Có lúc là vung tay quạt cho đứa khác cái, có lúc với cái ca ở siêu thị đập vào đầu bạn khác Là mẹ của cháu, tôi không ít lần ăn chửi của các phụ huynh khác, cả Việt cả Tây luôn.

- Sao cái thằng này mày mất dạy thế nhỉ?

- Cháu là mẹ, cháu phải dạy nó ngay đi nhé. Không chiều là lớn lên hư hỏng hết cả.

- You should really keep an eye on him. He has a problem, he has hit other kids a few times here.

- Thằng kia, sao mày lại giơ chân cát vào mặt con gái tao thế?

- Whose genes does he have?

...

3 buoc xu tri khi tre nho danh ban
Không bao giờ nghĩ rằng trẻ nhỏ đánh bạn khác là vào loại hư hỏng, xấu xa, mất nết. (Ảnh: Shutterstock)

Những lúc đó tôi chỉ biết rối rít xin lỗi các bé và bố mẹ của các cháu. Biết rằng hành vi của con mình không đúng, nhưng ngay lúc đó và cả khi về nhà, không bao giờ tôi nạt nộ, quát mắng cháu. Tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng trẻ nhỏ đánh bạn khác là vào loại hư hỏng, xấu xa, mất nết; mà chủ yếu là do 2 nguyên nhân sau đây:

1. Bé có một nhu cầu, mong muốn, bức xúc gì đó thẳm sâu bên trong chưa được giải tỏa, nên bé cần xả ra bằng một hình thức khác. Do còn non nớt, lựa chọn của bé không chính xác và có thể gây đau cho người khác. Thường bé cũng không ý thức được hậu quả việc làm của mình có thể gây ra.

2. Bé có ý muốn tiếp cận hoặc chơi với bạn kia. Hoặc muốn gây sự chú ý với bạn. Hoặc có sự tò mò, muốn tìm hiểu rõ hơn về bạn. Nhưng do chưa trưởng thành và chưa được hướng dẫn, bé không biết cách thể hiện các mong muốn, dẫn đến biểu hiện hành vi đánh người khác.

3 buoc xu tri khi tre nho danh ban
Trẻ nhỏ đánh bạn khác chủ yếu do hai nguyên nhân chính. (Ảnh: Somalilandtoday)

Vì vậy, khi các sự việc như vậy xảy ra, cha mẹ có thể xử trí theo 3 bước

Bước 1: Không phủ định cảm xúc của con, không nói các câu như: "Có thế mà cũng bực mình?", "Có thế mà cũng phải đánh à?", "Việc đấy thì có gì đâu?" Thay vì thế, ôm con vào lòng để con cảm thấy yên tâm, biết mình được yêu thương vô điều kiện, từ đó sẵn sàng mở lòng và bình tĩnh đối thoại. Thông cảm cho trạng thái cảm xúc của con, ví dụ nói: "Mẹ hiểu rồi."

Bước 2: Giải thích lẽ phải cho con. "Đánh bạn là không đúng. Việc đánh bạn làm cho bạn đau.", hoặc "Con đẩy bạn nhanh vậy, làm cho bạn ngã xuống đất, với độ cao từ trên xuống dưới như vậy, có thể sẽ rất nguy hiểm."

Đặt câu hỏi (chứ không mặc định là người lớn luôn biết câu trả lời): "Vì sao con đánh bạn vậy?"

Với các bé 1-2 tuổi, nhiều khi chưa trả lời được câu hỏi "Tại sao", nhưng ít nhất các bé nhìn vào thái độ của mình, đủ hiểu là đó là hành động không được khuyến khích, mà bị dừng lại, bị ngăn cản.

Khi bé khoảng 2.5 tuổi trở lên, bé bắt đầu biết cách giải thích cho hành động của mình, ví dụ: "vì bạn lấy đồ chơi của con", "vì bạn nhìn con", "vì bạn không cho con chơi"...

Bước 3: Đưa cho con giải pháp thay thế, giúp con diễn đạt ra bằng lời các cảm xúc, suy nghĩ, mong muốn của mình. Càng cụ thể, chi tiết càng tốt. Ví dụ mẹ nói với bé: "Mình bảo bạn là: Bạn ơi, tớ đang chơi đồ chơi đó, bạn cho tớ xin lại nhé. Tý nữa tớ chơi xong, tớ đưa cho bạn nhé.", hoặc "Con bảo bạn là: Bạn đừng nhìn tớ như thế, tớ không thích đâu."

3 buoc xu tri khi tre nho danh ban
Các hình thức quát mắng, trừng phạt thường chỉ phán xét hành vi ở bề nổi, mà lờ đi toàn bộ nguyên nhân gốc rễ của hành vi đó là gì. (Ảnh: Parenting)

Lưu ý

- Nếu không có bước 3, bước 1 và 2 sẽ vô nghĩa. Vì kể cả khi trẻ biết mình sai, nhưng sẽ chỉ thấy sợ. Thiếu đi bước 3, trẻ không biết phải làm thế nào với tình huống tương tự về sau, dẫn đến việc cảm thấy bế tắc và về sau lại tiếp tục tái phạm.

- Đừng kỳ vọng là bạn làm theo bước 3 một vài lần thì con bạn sẽ hành xử phù hợp nhé. Đây là quá trình giáo dục, đào tạo cần nhiều thời gian, lặp đi lặp lại một cách nhất quán, ít nhất là vài tuần đến vài tháng. Một số trường mầm non có hình thức kỷ luật là: Nhắc nhở lần 3 sẽ bị úp mặt vào tường, hoặc gọi bố mẹ đến,... Nên nhớ, với trẻ nhỏ (và cả người lớn), lần 30 may ra có tác dụng, còn lần 3 thì chưa có “xi nhê” gì hết đâu nhé.

Bố mẹ cần nhớ

Việc đánh mắng, kỷ luật trẻ bằng bạo lực hoặc hình phạt chỉ giúp người lớn khẳng định thế thượng phong, làm cho trẻ thấy sợ hãi và ngày càng tìm cách tinh vi hơn để đối phó, chứ không bao giờ có tác dụng giáo dục thực sự, không giúp trẻ thay đổi nhận thức và hành vi.

Các hình thức quát mắng, trừng phạt thường chỉ phán xét hành vi ở bề nổi, mà lờ đi toàn bộ nguyên nhân gốc rễ của hành vi đó là gì, khiến mối quan hệ giữa cha mẹ hoặc thầy cô giáo và trẻ nhỏ ngày càng trở nên xa cách, lạnh nhạt.

Tìm cách lắng nghe, thấu hiểu dựa trên nền tảng của sự yêu thương không chỉ là cách hiệu quả nhất nâng đỡ sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ, mà còn giúp chính người lớn dạy trẻ như cha mẹ và thày cô giáo trưởng thành hơn, hoàn thiện hơn, hạnh phúc hơn.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.