3 điểm/môn đỗ ngành sư phạm: Thế hệ thầy tồi sẽ làm hỏng cả dân tộc

“Tính đơn giản một người thầy sẽ dạy khoảng 35 năm với 35 thế hệ. 35 thế hệ qua bàn tay của một người thầy dốt thì tôi không dám tưởng tượng đến hậu quả của nó. Một thế hệ thầy tồi sẽ làm hỏng cả một dân tộc.”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho hay.

Trước đây, ngành sư phạm được nhắc đến là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Thế nhưng, xem điểm chuẩn vào các trường sư phạm trong mùa tuyển sinh năm nay, nhiều người cho rằng chưa bao giờ ngành sư phạm lại “rớt giá” thảm hại đến vậy.

Trừ ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP. HCM có điểm chuẩn khá cao còn lại các trường khác chỉ lấy bằng điểm chuẩn của Bộ GD&ĐT là 15,5 điểm. Riêng ĐH Sư phạm Huế lấy 12,75 điểm/3 môn. Một số trường cao đẳng như: Bắc Ninh, Lào Cai, Hải Dương có mức 9 điểm/3 môn tức là 3 điểm/môn thí sinh đã đỗ ngành sư phạm.

Có những trường thí sinh được 2,75 điểm Văn cũng đỗ vào ngành sư phạm Văn của nhà trường. Điều đó khiến chúng ta không thể không lo ngại về chất lượng của những người thầy trong tương lai.

Đầu vào ngành sư phạm quá thấp sẽ dẫn đến những hệ lụy gì? Tại sao lượng giáo viên thất nghiệp nhiều mà các trường sư phạm vẫn đào tạo ồ ạt với điểm đầu vào quá thấp?

Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

3 diemmon do nganh su pham the he thay toi se lam hong ca dan toc
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

PV: Thưa PGS, với tư cách một người công tác lâu năm trong bộ máy lãnh đạo Bộ GD&ĐT, PGS suy nghĩ thế nào về việc 3 điểm/môn thí sinh đã đỗ ngành sư phạm?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Tôi thực sự rất bất ngờ về con số 3 điểm/môn đỗ ngành sư phạm. Trước kia, ông cha ta đã từng nói “không thầy đố mày làm nên”, “nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

Nói vậy để biết rằng, người thầy có vị trí thế nào trong xã hội. Bởi lẽ, người thầy là người giáo dục cho thế hệ tương lai đạt đến đỉnh cao tri thức, chiếm lĩnh tri thức loài người, phục vụ cho sự phát triển của nhân loại.

Để có một nên giáo dục chất lượng đương nhiên phải có đội ngũ giáo viên tốt mà để có những giáo viên tốt trước hết đầu vào phải chuẩn. Một thực tế không ai có thể phủ nhận là nếu đầu vào kém thì chất lượng người thầy cũng kém.

Từ khi ra trường là 22 tuổi người ta đã làm thầy rồi dạy đến khi 55 – 60 tuổi mới nghỉ hưu. Tính đơn giản một người thầy sẽ dạy khoảng 35 năm với 35 thế hệ. 35 thế hệ qua bàn tay của một người thầy dốt thì tôi không dám tưởng tượng đến hậu quả của nó. Một thế hệ thầy tồi sẽ làm hỏng cả một dân tộc.

PV: Thưa PGS, hiện nay lượng giáo viên thất nghiệp rất lớn. Vậy tại sao các trường sư phạm còn ồ ạt tuyển thí sinh và lấy điểm “siêu thấp”?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Trong trường hợp thiếu giáo viên trầm trọng chúng ta có thể lấy điểm thấp để đào tạo phục vụ nhu cầu. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại , lượng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm thừa tới mấy chục nghìn người mà vẫn ồ ạt tuyển điểm thấp thì thật “buồn cười”.

Chúng ta cần quy định một mức điểm tối thiểu cho các trường sư phạm nhất là hệ cao đẳng chứ không thể để tình trạng các trường thích lấy bao nhiêu điểm cũng được. Riêng ngành sư phạm phải có chuẩn đầu vào cao hơn ngành khác.

Giả sử năm nay điểm cao không đủ chỉ tiêu thì sang năm ta tuyển tiếp chứ không thế bất chấp vì số lượng chỉ tiêu thế này được. Lãnh đạo các trường sư phạm đừng bao giờ có tâm lý nếu không đủ chỉ tiêu thì dạy ai. Hiện nay việc mà chúng ta cần làm là đào tạo lại những giáo viên chưa đủ trình độ để phục vụ cho sự nghiệp đổi mới giáo dục.

PV: Thưa PGS, được biết trước khi về công tác tại Bộ GD&ĐT, PGS đã từng là lãnh đạo ĐH Sư phạm Quy Nhơn. Vậy không biết trước kia ngành sư phạm “có giá” thế nào?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Trước kia, để thi được vào sư phạm thí sinh phải nỗ lực và có định hướng từ sớm và điểm chuẩn vào các ngành sư phạm Toán, Văn bao giờ cũng hot nhất khoảng 26 – 27 điểm mới đỗ. Ngay cả hệ cao đẳng cũng khoảng 18 -19 điểm. Chưa bao giờ ngành sư phạm lại lấy điểm đầu vào thấp như những năm gần đây. Đó là điều mà lãnh đạo Bộ GD&ĐT cần nhìn nhận thẳng thắn và có chính sách để thu hút người tài vào sư phạm cũng như nâng cao chất lượng người thầy.

Xin cảm ơn PGS.TS về cuộc trò chuyện!

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.