4 nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ, ‘treo’ nhiều năm

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Cuối buổi họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có phát biểu giải trình ý kiến về công tác quản lý đất đai.

Bộ trưởng bày tỏ sự đồng tình, thống nhất về nhận xét của đại biểu về những vấn đề tồn tại, bất cập hiện nay. Trong đó, về vấn đề lãng phí đất đai do các dự án chậm tiến độ, dự án treo, Bộ trưởng cho biết, trước đây có 28.155 ha để lãng phí, trong thời gian vừa qua đã giải quyết được trên 10.000 ha do vậy hiện nay còn 18.000 ha.  

Theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là do vấn đề giải phóng mặt bằng. Thứ hai là do các quy hoạch đang thay đổi. Thứ ba là do nhà đầu tư được giao dự án có sự yếu kém trong năng lực. Thứ 4 là trong quá trình triển khai, xử lý gặp vướng mắc về sự chồng chéo trong các quy định pháp luật; tại các dự án có xảy ra vi phạm pháp luật đã có kết luận của thanh tra, bản tuyên án của tòa án hoặc ý kiến của Ủy ban Kiểm tra.

Chính phủ đã lập một đề án tập trung giải quyết vướng mắc, khó khăn của 2.000 dự án tại 4 thành phố. Đề án sẽ đưa ra các phương án để đề xuất các cấp có thẩm quyền xử lý. Với những vấn đề lớn sẽ báo cáo với Bộ Chính trị, xin Bộ Chính trị giao cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý.

 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Bộ trưởng cho biết thêm, Luật Đất đai chắc chắn sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu. Tuy nhiên từ nay đến năm 2024 (trước khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua - PV) nên ban hành các nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ và cơ chế để giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc phổ biến hiện nay đối với 4 thành phố. Sau đó sẽ xem xét triển khai đối với các địa phương khác trong cả nước. Trong đó bám sát nguyên tắc không làm thất thoát tài sản của nhà nước, không hợp thức hóa những sai phạm, không làm ảnh hưởng đến người dân.

Về vấn đề tránh lợi ích nhóm liên quan đến trục lợi từ chính sách đất đai, sửa đổi Luật Đất đai lần này sẽ tập trung vào các công cụ quy hoạch, kế hoạch, định giá đất và phương thức giao đất. Theo Bộ trưởng, hầu hết các phương thức giao đất sẽ là đấu thầu và đấu giá để đảm bảo công khai minh bạch.

“Lần này chúng ta cơ bản thay đổi phương pháp định giá. Định giá trên cơ sở xây dựng những điều kiện như: cơ sở dữ liệu về đất đai bao gồm giá đất, quy định về hợp đồng, chế định trách nhiệm phải qua sàn giao dịch…”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

chọn
VKS đề nghị tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 'mức án nghiêm khắc nhất'
TP HCMTheo VKS, bà Trương Mỹ Lan phạm tội có tổ chức trong thời gian dài, thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi... nên đề nghị tòa tuyên phạt "mức án nghiêm khắc nhất".