Đà Lạt là thành phố tỉnh lỵ trực thuộc tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Lâm Viên, thuộc vùng Tây Nguyên. Đây là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, giữ vai trò trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa quan trọng của tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên. Thành phố này có diện tích khoảng 391 km2.
TP Đà Lạt có 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 12 phường 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 và 4 xã là Tà Nung, Trạm Hành, Xuân Thọ, Xuân Trường. Dân số theo cập nhất mới nhất là 258.014 người.
Dự kiến đến năm 2045, Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm 3 quận, 3 thị xã, 3 huyện. Ngoài ra khu vực ngoại thành là một số thị trấn huyện lỵ và thị trấn thuộc huyện giữ vai trò là trung tâm huyện hoặc trung tâm các xã hoặc các cụm xã.
Theo quy hoạch, tỉnh sẽ sáp nhập TP Đà Lạt với huyện Lạc Dương vào năm 2025, thị trấn Lạc Dương trở thành phường của TP Đà Lạt. Đến 2045, khu vực này thuộc khu vực nội thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Song theo quyết định mới nhất của Tỉnh ủy Lâm Đồng, tỉnh sẽ thực hiện sáp nhập hai địa phương này ở giai đoạn 2026 - 2030.
TP Đà Lạt hiện nay có diện tích hơn 393 km2, còn huyện Lạc Dương có diện tích khoảng 1.314 km2. Như vậy, sau khi sáp nhập, diện tích TP Đà Lạt sẽ tăng lên thành 1.707 km2, rộng gấp 4,3 lần so với hiện nay.
Với diện tích này, TP Đà Lạt sẽ có diện tích lớn hơn một số địa phương trực thuộc Trung ương như TP Hải Phòng (1.508 km2); TP Đà Nẵng (1.285 km2) hay TP Cần Thơ (1.439 km2).
Lâm Đồng sẽ quy hoạch xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, trung tâm giáo dục nghiên cứu, sáng tạo khoa học. Cụ thể, đến năm 2030, Đà Lạt trở thành đô thị du lịch chất lượng cao, hiện đại, đẳng cấp quốc tế. Tầm nhìn 2050, sau khi tỉnh Lâm Đồng trở thành phố trực thuộc Trung ương, Đô thị Đà Lạt mở rộng sẽ là quận trung tâm của thành phố loại I trực thuộc Trung ương.
Theo Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Lạt nằm trên một trong ba tiểu vùng phát triển kinh tế của tỉnh này.
Cụ thể, Đà Lạt nằm trên tiểu vùng I, tiểu vùng này gắn với cao nguyên Lang Biang bao gồm Đà Lạt (sáp nhập Lạc Dương) - Đức Trọng - Đơn Dương - Lâm Hà (thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà).
Đây là vùng trọng điểm, có vai trò là khu vực động lực phát triển của tỉnh, là trung tâm du lịch. Trong đó, TP Đà Lạt là hạt nhân của vùng, huyện Đức Trọng san sẻ chức năng trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh với TP Đà Lạt.
Cùng với đó, Đà Lạt còn nằm trên hai hành lang kinh tế của tỉnh này bao gồm hành lang kinh tế Đông - Tây là cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Liên Khương (Lâm Đồng) (CT 25), Cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng) (CT 27); quốc lộ 20 - quốc lộ 27C, kết nối TP HCM - Đồng Nai - Lâm Đồng - Khánh Hòa và hành lang kinh tế Đông - Tây là đường tỉnh 725.
Theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 TP Đà Lạt, đến năm 2030, tổng diện tích đất tự nhiên của TP Đà Lạt là 39.115 ha. Trong đó diện tích đất nông nghiệp là 33.071 ha và diện tích đất phi nông nghiệp là 6.044 ha.
Đến năm 2030, TP Đà Lạt có khoảng 894 ha đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp; 1.186 ha đất chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp; 3,1 ha đất phi nông nghiệp không phải đất ở chuyển sang đất ở.
Là thành phố tỉnh lỵ của cả tỉnh Lâm Đồng và trung tâm kinh tế, du lịch của cả vùng Tây Nguyên, Đà Lạt được hưởng lợi từ hai tuyến cao tốc lớn của tỉnh Lâm Đồng là cao tốc Nha Trang - Liên Khương và cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (CT 27).
Trong đó, cao tốc Nha Trang - Liên Khương có chiều dài dài hơn 80,8 km, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 - 100 km/h; giai đoạn thực hiện khoảng từ 2024 - 2028.
Dự án có điểm đầu giao với cao tốc Bắc - Nam tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại ngã ba Darahoa thuộc phường 12, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Theo dự toán ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào dự án 17.540 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động hơn 7.500 tỷ đồng.
Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng chiều dài 220 km, chia thành ba đoạn để đầu tư. Đoạn Dầu Giây - Tân Phú thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai dài 60,1 km; đoạn Tân Phú - Bảo Lộc dài 66,3 km, nằm trên địa phận 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai; đoạn Bảo Lộc - Liên Khương nối TP Bảo Lộc với cao tốc Liên Khương - Prenn dài 73,9 km, nằm hoàn toàn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Trong đó, đoạn Dầu Giây - Tân Phú được dự kiến khởi công ngay trong quý III năm nay, với tổng mức đầu tư dự kiến là 8.776 tỷ đồng.
Hai đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương được tỉnh Lâm ĐỒng dự kiến khởi công trong tháng 12 năm nay. Tổng mức đầu tư của đoạn Tân Phú - Bảo Lộc dự kiến là 17.200 tỷ đồng; đoạn Bảo Lộc - Liên Khương dự kiến trên 19.500 tỷ đồng.
Bên cạnh hai tuyến cao tốc này, một số dự án hạ tầng trọng điểm qua địa bàn TP Đà Lạt cũng được đề cập đến trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư như đường Trường Sơn Đông, có điểm đầu giáp ranh tỉnh Đắk Lắk, huyện Lạc Dương, điểm cuối nằm tại TP Đà Lạt.
Đường Trường Sơn Đông có chiều dài toàn tuyến 667 km, trong đó xây dựng mới 609 km, tận dụng 58 km đường đã có, là trục giao thông chiến lược quan trọng chạy giữa QL1A và đường Hồ Chí Minh, kết nối 10 quốc lộ ngang khu vực.
Hai dự án khác được đề cập là QL 27 có điểm đầu giáp ranh tỉnh Đắk Lắk ở cầu Krông Nô, huyện Đam Rông, điểm cuối giáp ranh tỉnh Ninh Thuận ở Eo Gió, huyện Đơn Dương; QL 27C có điểm đầu giáp ranh tỉnh Khánh Hòa, xã Đạ Cháy, huyện Lạc Dương, điểm cuối tại Km 239+500 của QL 20, TP Đà Lạt.
Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng hiện cũng đang thi công xây dựng tuyến đường vành đai TP Đà Lạt, tuyến đường này được tỉnh Lâm Đồng xác định là công trình trọng điểm của tỉnh này. Tuyến đường này đi qua địa bàn của ba phường, gồm các phường 3, 4, 5 của TP Đà Lạt với tổng chiều dài tuyến đường gần 7,5 km.
Dự án có tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng (trong đó, chi phí xây dựng hơn 350 tỷ đồng và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 309 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác) từ nguồn ngân sách tỉnh.
Dự án được khởi công vào ngày 26/7/2021, kế hoạch ban đầu là hoàn thành vào tháng 6/2023. Song do phải điều chỉnh một số hạng mục và vướng mắc khó khăn trong công tác giải tỏa, đền bù, giải phóng mặt bằng nên hiện đang chậm tiến độ đề ra.
Phục hồi tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, có tuyến tramway đi sân bay Liên Khương
Về hệ thống đường sắt, đối với đường sắt quốc gia, tỉnh này sẽ xây dựng tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, dự án này có điểm đầu tại ga Tháp Chàm (Km0+000) thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM (phường Đô Vinh, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận); điểm cuối là ga Đà Lạt (Km 83+490) thuộc phường 10, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Tổng chiều dài tuyến đường thuộc dự án khoảng 83,5 km, dự kiến bao gồm 16 ga và trạm khách. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 24.900 tỷ đồng.
Cùng với đó, Lâm Đồng còn ghiên cứu phát triển 6 tuyến xe điện mặt đất (tramway)/ xe điện một ray (monorail), trong đó, nghiên cứu triển khai tuyến ga Đà Lạt đi sân bay Liên Khương, huyện Đức Trọng trong giai đoạn 2021 - 2030.
Sau năm 2030, nghiên cứu đầu tư nâng cấp ba tuyến xe buýt trục Đèo Prenn - Bến xe Mai Anh Đào, Cam Ly - Đarahoa, Đèo Prenn - Bến xe Liên Nghĩa thành các tuyến xe điện mặt đất/xe điện một ray đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch.
Ngoài ra, Đà Lạt còn được hưởng lợi khi sân bay Liên Khương được quy hoạch là sân bay quốc tế, từ nay đến năm 2030, sân bay này được quy hoạch là sân bay cấp 4E (cấp cao nhất ở Việt Nam hiện nay) và là sân bay quân sự cấp 2. Công suất phục vụ 5 triệu hành khách và 20.000 tấn hàng hóa mỗi năm. Sân bay có thể tiếp nhận các máy bay lớn như Airbus 320/A321, Boeing 747/B787/A350 và tương đương.
Tầm nhìn đến năm 2050, Liên Khương vẫn giữ nguyên cấp sân bay song được nâng công suất phục vụ lên 7 triệu hành khách và 30.000 tấn hàng hóa mỗi năm.
Là trung tâm du lịch của vùng, danh mục dự án ưu tiên đầu tư của tỉnh Lâm Đồng đề cập đến loạt dự án bất động sản du lịch như khu du lịch Hồ Prenn; các dự án theo Quy hoạch chung Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm; sân golf và nghỉ dưỡng Xuân Thọ, TP Đà Lạt; mở rộng Khu du lịch Quốc gia Hồ Tuyền Lâm; khu đô thị kết hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái dã ngoại (Khu vực I, II, III).
Trong đó, đáng chú ý có khu du lịch Hồ Prenn. Dự án này được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương cho CTCP Tập đoàn Crystal Bay tài trợ sản phẩm Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 vào tháng 3/2021. Ngày 14/9/2021, UBND tỉnh này phê duyệt nhiệm vụ, dự toán quy hoạch phân khu Khu du lịch hồ Prenn.
Theo đó, Khu du lịch hồ Prenn có diện tích khoảng 1.000 ha (trong đó đất rừng khoảng 679,64 ha), thuộc phường 3, 10 và 11, TP Đà Lạt.
Ranh giới cụ thể như sau: Phía Bắc giáp khu vực đất nông nghiệp, phía Nam giáp khu quy hoạch tái định cư Prenn và đường tránh TP Đà Lạt đoạn chân đèo Prenn hướng đi xã Xuân Thọ, phía Đông giáp rừng cảnh quan, phía Tây giáp đường Mimosa.
Đối với dự án mở rộng Khu du lịch Quốc gia Hồ Tuyền Lâm, tổng diện tích khu du lịch này sau khi được điều chỉnh quy hoạch khoảng 5.644 ha. Trong đó, diện tích tự nhiên của Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm là 2.944 ha; dự kiến mở rộng về phía nam (khu vực núi Voi thuộc địa bàn huyện Đức Trọng) khoảng 2.700 ha.
Ngoài các dự án du lịch, loạt dự án thương mại, dịch vụ cũng được đề cập đến như trung tâm thương mại Hòa Bình; khu thương mại dịch vụ gần Quảng trường thành phố; khu thương mại dịch vụ tại cửa ngõ TP Đà Lạt, gần bãi đậu xe đầu đèo Prenn; công viên Ánh Sáng TP Đà Lạt.
Khu thương mại dịch vụ thuộc Quảng trường trung tâm TP Đà Lạt; khu thương mại dịch vụ tại Khu A2-A3 Quảng trường Lâm Viên; tổ hợp dịch vụ thương mại khách sạn cao cấp (Tại đường Trần Quốc Toản); khu thương mại dịch vụ cao cấp (công trình ngầm) tại khu vực đường Trần Quốc Toản, đường Trần Nhân Tông; tổ hợp Trung tâm thương mại dịch vụ và chỉnh trang đô thị gần sân bay Cam Ly; trung tâm hội chợ triển lãm thương mại.
Cùng với đó là loạt dự án khu dân cư, đô thị như khu chỉnh trang đô thị tái định cư 5B; khu nhà ở xã hội chung cư CC5; khu dân cư Nguyên Tử Lực - Trần Anh Tông; khu dân cư mới Cam Ly; nhà ở thương mại phường 11; khu dân cư Quảng trường trung tâm thành phố; làng đô thị xanh; khu đô thị số 1; khu đô thị Nguyễn Hoàng và hồ Vạn Kiếp; khu đô thị mới phía Đông TP Đà Lạt (Khu vực I, II, III).
Khu đô thị phía Tây TP Đà Lạt (Khu vực I, II, III); khu đô thị Prenn Xuân Thọ (Khu vực I, II, III); khu đô thị tại khu vực phường 11, phường 12 và xã Xuân Thọ (khu vực I, II, III); khu dân cư chỉnh trang hai bên đường vành đai (khu vực I, II, III); khu dân cư An Tôn; nhà ở xã hội tại các phường 3, 5, 6, 7, 8, 9, 10, xã Xuân Thọ, xã Tà Nung, xã Xuân Trường.
Quy hoạch 14:11 | 16/01/2025
Quy hoạch 13:58 | 06/01/2025
Quy hoạch 07:00 | 04/01/2025
Quy hoạch 19:30 | 02/01/2025
Quy hoạch 13:30 | 02/01/2025
Quy hoạch 07:00 | 21/12/2024
Quy hoạch 07:00 | 14/12/2024
Quy hoạch 12:04 | 07/12/2024