Theo Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến đến năm 2045, Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm ba quận, ba thị xã và ba huyện.
Về mục tiêu tỏng quát, Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 8,5% - 9%/năm. cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ lệ 29,5%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ lệ 27,3%, khu vực dịch vụ chiếm tỷ lệ 43,2%. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt 59,3%.
Theo cập nhật mới nhất, dân số toàn tỉnh Lâm Đồng đạt khoảng 1,3 triệu người. Trong đó dân số sống tại thành thị đạt gần 508.755 người, chiếm 39,2% dân số toàn tỉnh, dân số sống tại nông thôn đạt 788.151 người, chiếm 60,8% dân số. Lâm Đồng cũng là tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất Tây Nguyên với 42,7%. Tỉnh có diện tích khoảng 9.781 km2.
Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, đến năm 2030, hệ thống đô thị của tỉnh Lâm Đồng gồm 17 đô thị, trong đó có một đô thị loại I, một đô thị loại II, ba đô thị loại III, 5 đô thị loại IV và 07 đô thị loại V. Khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định sẽ phát triển thêm 5 đô thị loại V.
Dự kiếnđến năm 2045, Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm 3 quận, 3 thị xã, 3 huyện. Ngoài ra khu vực ngoại thành là một số thị trấn huyện lỵ và thị trấn thuộc huyện giữ vai trò là trung tâm huyện hoặc trung tâm các xã hoặc các cụm xã.
Theo quy hoạch, tỉnh sẽ sáp nhập TP Đà Lạt với huyện Lạc Dương vào năm 2025, thị trấn Lạc Dương trở thành phường của TP Đà Lạt. Đến 2045, khu vực này huộc khu vực nội thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Song theo quyết định mới nhất của Tỉnh ủy Lâm Đồng, tỉnh sẽ thực hiện sáp nhập hai địa phương này ở giai đoạn 2026 - 2030. Huyện Lạc Dương rộng 1.314 km2 ở phía bắc tỉnh Lâm Đồng, với 5 xã, một thị trấn và với hơn 31.000 người (năm 2021). TP Đà Lạt (hiện rộng 394 km2) sẽ là trung tâm hành chính, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, bảo tồn các di sản kiến trúc.
Cùng với đó, đến 2025, tỉnh sẽ sáp nhập 5 xã của huyện Bảo Lâm vào TP Bảo Lộc. Xã Lộc An (Bảo Lâm cũ) trở thành phường của TP Bảo Lộc. Đến 2030 xã Lộc Thành (Bảo Lâm cũ) trở thành phường của TP Bảo Lộc. Đến 2045, khu vực này thuộc khu vực nội thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng với đó, huyện Đức Trọng đến năm 2045 cũng sẽ thuộc khu vực nội thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Các huyện sẽ là khu vực ngoại thành của thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2045 bao gồm huyện Lâm Hà; huyện Di Linh; huyện Đơn Dương (lên thị xã); huyện Bảo Lâm; huyện Đạ Huoai; huyện Đạ Tẻh; huyện Cát Tiên và huyện Đam Rông.
Theo Quy hoạch, Lâm Đồng có ba tiểu vùng động lực kinh tế bao gồm Tiểu vùng I gắn với cao nguyên Lang Biang bao gồm: Đà Lạt (sáp nhập Lạc Dương) - Đức Trọng - Đơn Dương - Lâm Hà (thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà).
Đây là vùng trọng điểm, có vai trò là khu vực động lực phát triển của tỉnh. Trong đó, TP Đà Lạt là hạt nhân của vùng, huyện Đức Trọng san sẻ chức năng trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh với TP Đà Lạt.
Tiểu vùng II gắn với cao nguyên Di Linh bao gồm: Di Linh - Đam Rông - Lâm Hà (thị trấn Đinh Văn, xã Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô, Tân Văn, Tân Hà, Liên Hà, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Tân Thanh). Trong đó, thị trấn Di Linh là hạt nhân của vùng.
Đây là vùng sản xuất cây công nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch; là vùng đệm sinh thái trung chuyển giữa tiểu vùng I và tiểu vùng II, trong đó đô thị Di Linh là trung tâm của vùng.
Tiểu vùng III gắn với cao nguyên Bảo Lộc bao gồm: Bảo Lộc - Bảo Lâm - Đạ Huoai mới (Đạ Huoai - Đạ Tẻh - Cát Tiên hiện hữu). Trong đó, TP Bảo Lộc là hạt nhân của tiểu vùng.
Đây là tiểu vùng kinh tế, động lực phía Tây Nam tỉnh, là đầu mối kết nối phát triển kinh tế - xã hội với các huyện trong tỉnh, khu vực Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.
CÙng với đó, tỉnh còn có 5 hành làng kinh tế theo các trục giao thông lớn bao gồm hành lang kinh tế Đông - Tây với cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Liên Khương (Lâm Đồng) (CT 25), cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng) (CT 27); quốc lộ 20 - quốc lộ 27C, kết nối TP HCM - Đồng Nai - Lâm Đồng - Khánh Hòa;
Hành lang kinh tế Đông - Tây với đường tỉnh 725; hành lang kinh tế Bắc - Nam với quốc lộ 28, kết nối Đắk Nông - Di Linh (Lâm Đồng) - Lâm Đồng.
Hành lang kinh tế Bắc - Nam với QL 27, kết nối Đắk Lắk - Lâm Đồng - Ninh Thuận và QL 28B kết nới Lâm Đồng - Lâm Đồng; hành lang kinh tế Bắc - Nam kết nối QL 55, kết nối Đắk Nông - Bảo Lộc (Lâm Đồng) - Lâm Đồng và QL 55B, Bình Phước - Lâm Đồng - Lâm Đồng.
Theo Quy hoạch cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Liên Khương được quy hoạch là cảng quốc tế, dùng chung dân dụng và quân sự.
Từ nay đến năm 2030, Liên Khương được quy hoạch là sân bay cấp 4E (cấp cao nhất ở Việt Nam hiện nay) và là sân bay quân sự cấp 2. Công suất phục vụ 5 triệu hành khách và 20.000 tấn hàng hóa mỗi năm. Sân bay có thể tiếp nhận các máy bay lớn như Airbus 320/A321, Boeing 747/B787/A350 và tương đương.
Tầm nhìn đến năm 2050, Liên Khương vẫn giữ nguyên cấp sân bay song được nâng công suất phục vụ lên 7 triệu hành khách và 30.000 tấn hàng hóa mỗi năm.
Đối với hệ thống đường băng, đến năm 2030, sân bay được quy hoạch giữ nguyên cấu hình đường cất hạ cánh hiện hữu với kích thước dài 3.250 m, rộng 45 m, lề vật liệu rộng 7,5 m. Đến năm 2050, đường cất hạ cánh hiện hữu được kéo dài về phía tây thêm 350 m lên thành 3.600 m, rộng 45 m.
Đối với nhà ga hành khách, đến năm 2030, nhà ga T1 được giữ nguyên với công suất 2 triệu khách và quy hoạch mới nhà ga hành khách T2 khoảng 3 triệu hành khách. Đến năm 2050, nhà ga T2 được mở rộng để tổng công suất toàn cảng đạt khoảng 7 triệu hành khách/năm; dự trữ đất phát triển khi có nhu cầu.
Đến năm 2030, nhà ga hàng hóa và sân đỗ được quy hoạch trên khu đất phía đông rộng khoảng 23.300 m2, đáp ứng công suất khoảng 20.000 tấn hàng hóa mỗi năm. Đến năm 2050, sân bay được cải tạo, mở rộng tại vị trí hiện hữu, đáp ứng công suất khoảng 30.000 tấn hàng hóa mỗi năm.
Cảng hàng không Liên Khương thuộc thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm TP Đà Lạt 28 km về phía bắc và trung tâm thị trấn Liên Nghĩa 4 km về phía nam. Đây là một trong những sân bay lâu đời bậc nhất ở khu vực phía Nam.
Vào năm 2010, sân bay Liên Khương được đầu tư lớn để đạt cấp 4D, đón được tàu bay A320/A321 hoặc tương đương, công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm. Thời điểm cuối năm 2019, sân bay Liên Khương có 15 đường bay nội địa và quốc tế, đạt sản lượng là 2,1 triệu hành khách/năm.
Về phương án phát triển mạng lưới giao thông, đối với hệ thống giao thông đường bộ, tỉnh sẽ có ba tuyến cao tốc đi qua bao gồm cao tốc Nha Trang - Liên Khương (CT 25); cao tốc Liên Khương - Buôn Ma Thuột (CT 26); cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (CT 27).
Trong đó, cao tốc Nha Trang - Liên Khương có chiều dài dài hơn 80,8 km, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 - 100 km/h; giai đoạn thực hiện khoảng từ 2024 - 2028. Dự án có điểm đầu giao với cao tốc Bắc - Nam tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại ngã ba Darahoa thuộc phường 12, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Theo dự toán ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào dự án 17.540 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động hơn 7.500 tỷ đồng.
Cao tốc Liên Khương - Buôn Ma Thuột có chiều dài khoảng 115 km, quy mô 4 làn xe. Điểm đầu tuyến giao với cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, huyện Đức Trọng; điểm cuối giáp ranh tỉnh Đắk Lắk, huyện Đam Rông. Tuyến cao tốc này dự kiến được đầu tư giai đoạn sau 2030.
Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng chiều dài 220 km, chia thành ba đoạn để đầu tư. Đoạn Dầu Giây - Tân Phú thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai dài 60,1 km; đoạn Tân Phú - Bảo Lộc dài 66,3 km, nằm trên địa phận 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai; đoạn Bảo Lộc - Liên Khương nối TP Bảo Lộc với cao tốc Liên Khương - Prenn dài 73,9 km, nằm hoàn toàn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Trong đó, đoạn Dầu Giây - Tân Phú được dự kiến khởi công ngay trong quý III năm nay, với tổng mức đầu tư dự kiến là 8.776 tỷ đồng.
Hai đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương được tỉnh Lâm ĐỒng dự kiến khởi công trong tháng 12 năm nay. Tổng mức đầu tư của đoạn Tân Phú - Bảo Lộc dự kiến là 17.200 tỷ đồng; đoạn Bảo Lộc - Liên Khương dự kiến trên 19.500 tỷ đồng.
Nói thêm về hệ thống hạ tầng đường bộ của tỉnh Lâm Đồng, hồi tháng 3 vừa qua, tỉnh cũng đã động thổ tuyến đường giao thông từ QL 27C đến đường tỉnh ĐT 656 kết nối với tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận
Tuyến đường này chiều dài khoảng 56,7 km, thiết kế 2 làn xe, có tổng chiều rộng nền 9 m. Tổng mức đầu tư là 1.930 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn ngân sách Trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương.
Về hệ thống đường sắt, đối với đường sắt quốc gia, tỉnh này sẽ xây dựng tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, dự án này có điểm đầu tại ga Tháp Chàm (Km0+000) thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM (phường Đô Vinh, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận); điểm cuối là ga Đà Lạt (Km 83+490) thuộc phường 10, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Tổng chiều dài tuyến đường thuộc dự án khoảng 83,5 km, dự kiến bao gồm 16 ga và trạm khách. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 24.900 tỷ đồng.
Cùng với đó, Lâm Đồng còn ghiên cứu phát triển 6 tuyến xe điện mặt đất (tramway)/ xe điện một ray (monorail), trong đó, nghiên cứu triển khai tuyến ga Đà Lạt đi sân bay Liên Khương, huyện Đức Trọng trong giai đoạn 2021 - 2030.
Sau năm 2030, nghiên cứu đầu tư nâng cấp ba tuyến xe buýt trục Đèo Prenn - Bến xe Mai Anh Đào, Cam Ly - Đarahoa, Đèo Prenn - Bến xe Liên Nghĩa thành các tuyến xe điện mặt đất/xe điện một ray đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch.
Quy hoạch 14:11 | 16/01/2025
Quy hoạch 13:58 | 06/01/2025
Quy hoạch 07:00 | 04/01/2025
Quy hoạch 19:30 | 02/01/2025
Quy hoạch 13:30 | 02/01/2025
Quy hoạch 07:00 | 21/12/2024
Quy hoạch 07:00 | 14/12/2024
Quy hoạch 12:04 | 07/12/2024