5 điểm sáng trong một thập kỷ quy hoạch Hà Nội

Cùng nhìn lại những vấn đề nổi bật nhất trong 10 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Tháng 7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Tới nay, sau 10 năm, Hà Nội đã triển khai được nhiều việc tích cực trên hành trình thực hiện quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt. Cùng nhìn lại những vẫn đề đáng chú nhất trong 10 năm thực hiện Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

Trong giai đoạn 2011 - 2020, kinh tế của Hà Nội cũng như cả nước đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là cuộc suy thoái kinh tế thế giới đầu những năm 2010 và đại dịch Covid-19 xảy ra từ năm 2020. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân của thành phố vẫn đạt khoảng 7% (giai đoạn 2011 - 2020 tăng 7,3%, giai đoạn 2016 - 2020 là 6,73%). 6 tháng đầu năm 2021, GRDP của Hà Nội tăng trưởng 5,91%.

Quy hoạch Hà Nội 10 năm nhìn lại - Bài 1: 5 điểm sáng nhất trong một thập kỷ quy hoạch Hà Nội - Ảnh 1.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2020 tại Hà Nội là hơn 3,1 triệu tỷ đồng. (Ảnh tư liệu minh họa: Hạ Vũ).

Quy mô GRDP của Hà Nội năm 2020 đạt khoảng 43,9 tỷ USD (tương đương khoảng 1,02 triệu tỷ đồng), gấp 1,59 lần giai đoạn trước (27,6 tỷ USD, tương đương hơn 580 nghìn tỷ đồng).

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 – 2020 đạt 1,716 triệu tỷ đồng, gấp 1,21 lần giai đoạn 2011 - 2015 (1,421 triệu tỷ).

Đáng chú ý, Hà Nội là địa phương đầu tiên xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn (từ năm 2013). Tổng mức kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 cấp thành phố của Hà Nội là hơn 107,3 nghìn tỷ đồng. Trước đó, giai đoạn 2011 - 2015, tổng số vốn chi cho đầu tư phát triển do cấp thành phố trực tiếp quản lý là gần 105 nghìn tỷ đồng...

Nhìn những con số trên cũng phần nào hình dung được diện mạo đô thị Hà Nội đã thay đổi mạnh mẽ ra sao trong 10 năm qua.

Quy hoạch Hà Nội 10 năm nhìn lại - Bài 1: 5 điểm sáng trong một thập kỷ quy hoạch Hà Nội - Ảnh 3.

Sau khi Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan đã tiến hành lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung các quận huyện.

Hiện nay, tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung đã đạt 97,73%, quy hoạch phân khu đạt 83,51% (tính chung tỷ lệ đạt 94,84%). Đã có 33/35 đồ án quy hoạch phân khu được phê duyệt.

Các đồ án quy hoạch nói trên là căn cơ cho hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố. Rất nhiều các dự án đã bám theo các đồ án này để triển khai.

Nhiều khu đô thị quy mô lớn được xây dựng trong thập kỷ qua, trong đó nhiều dự án ở ngoại thành. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

10 năm qua, nhiều khu đô thị mới, khu nhà ở theo hướng đồng bộ, quy mô lớn được xây dựng như: Vinhomes Riverside, Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City, Garmuda, Times City...

Hà Nội cũng tập trung phát triển các loại hình nhà ở cho các đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Trong giai đoạn 2016 - 2020 thành phố đã hoàn thành 19 dự án, đang triển khai 43 dự án với diện tích khoảng 4,04 triệu m2 sàn nhà ở; 5 khu nhà ở xã hội tập trung quy mô lớn (tại Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Thanh Trì) với tổng diện tích 272,45 ha, cung cấp thêm 2,5 triệu m2 sàn nhà ở.

Hiện thành phố đã hoàn thành cải tạo một số nhà chung cư cũ (C1 Thành Công, B6 Giảng Võ, Khu tập thể TƯ Đảng tại số 44 ngõ 260 Đội Cấn), đang triển khai thủ tục cải tạo 14 dự án khác (như 26 Liễu Giai, quận Ba Đình;  30A Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm...).

Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, tổng diện tích sàn nhà ờ đã phát triển mới giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn là 25,3 triệu m2, trung bình đạt 27,25 m2/người, vượt mục tiêu đề ra (26,3 m2/người).

Tính đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội không đạt kế hoạch đã đề ra từ năm 2016 (58-60%), nhưng cũng ở mức 49,2%, cao hơn trung bình cả nước (khoảng 40%). 

Quy hoạch Hà Nội 10 năm nhìn lại - Bài 1: 5 điểm sáng trong một thập kỷ quy hoạch Hà Nội - Ảnh 5.

Trong 10 năm qua, trên địa bàn Hà Nội có nhiều dự án giao thông lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, xã hội được xây dựng. Nổi bật trong số đó có Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài vận hành từ tháng 1/2015.

Mạng lưới giao thông đường bộ đối ngoại của Hà Nội cũng có bước phát triển mạnh mẽ với việc đưa vào khai thác hàng loạt các đường cao tốc như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội – Bắc Giang, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Ninh Bình, Hà Nội – Hòa Bình.

Nhiều cây cầu và các đoạn đường vành đai đã được xây dựng trong 10 năm qua. Trong ảnh là cầu Nhật Tân và một số đoạn vành đai 3. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Thập kỷ qua, Hà Nội có thêm 5 cây cầu lớn được xây vượt sông Hồng (cầu Đồng Quang, Văn Lang nối với tỉnh Phú Thọ, cầu Vĩnh Thịnh nối với Vĩnh Phúc, cầu Nhật Tân nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh) và sông Đuống (Đông Trù nối huyện Đông Anh với quận Long Biên). Đáng chú nhất là cầu Nhật Tân cùng trục đường hiện đại nối trung tâm Hà Nội tới sân bay Nội Bài.

10 năm qua, Hà Nội đã khép kín được Vành đai 2, làm xong đường cao tốc trên cao Vành đai 3 đoạn cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì, đang dần hoàn thiện đường trên cao Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy. Thành Phố cũng hoàn thiện được một số đoạn thuộc Vành đai 1, Vành đai 2,5 và Vành đai 3,5.

Trong vùng đô thị trung tâm cũng có hàng loạt đường phố được mở mới, mở rộng, nhiều đường có quy mô 10 làn xe. Cùng với đó, thành phố cũng xây dựng thêm nhiều nút giao thông khác mức, trong đó có một số hầm chui, nhiều cầu vượt… Từ đó, tình trạng ùn tắc giao thông tại nhiều tuyến phố dần dần được giảm đi đáng kể, đồng thời tạo động lực phát triển đô thị ra các khu vực ngoại thành.

Đáng chú ý, sau nhiều lần lỗi hẹn về đích, ngày 6/11 vừa qua, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên hoàn thành tại Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng tại Thủ đô. 

Quy hoạch Hà Nội 10 năm nhìn lại - Bài 1: 5 điểm sáng nhất trong một thập kỷ quy hoạch Hà Nội - Ảnh 4.

Sau 10 năm chờ đợi, cuối cùng tuyến metro Cát Linh - Hà Đông cũng chính thức vận hành vào ngày 6/11 vừa qua. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, tỷ trọng chi đầu tư phát triển của thành phố đã tăng từ 27% năm 2015 lên 43,26% năm 2020. Tổng mức kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 cấp thành phố là 107,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế bố trí vốn là 100,4 nghìn tỷ đồng; giải ngân kế hoạch vốn đạt 87,5 nghìn tỷ đồng (tỷ lệ 87,14%).

Trong giai đoạn này, Hà Nội đã hoàn thành 561/707 dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp thành phố, trong đó có 11 công trình trọng điểm sử dụng vốn ngân sách; hoàn thành 825/856 dự án ngân sách thành phố hỗ trợ cấp huyện.

Riêng về lĩnh vực giao thông, kế hoạch vốn giai đoạn 2016 - 2021 là 47,9 nghìn tỷ đồng. Đầu tư cấp thành phố giai đoạn 2016 - 2020 tạo năng lực tăng thêm 559 km đường giao thông, 40 cầu đi bộ, cầu vượt, cầu yếu; ngân sách thành phố đã hỗ trợ cấp huyện đầu tư hoàn thành 278,96 km đường giao thông.

Quy hoạch Hà Nội 10 năm nhìn lại - Bài 1: 5 điểm sáng trong một thập kỷ quy hoạch Hà Nội - Ảnh 8.

Nhìn chung, không gian sinh hoạt, vui chơi giải trí cho cộng đồng dân cư tại Hà Nội đang còn thiếu. Thời gian qua, Hà Nội đã kêu gọi đầu tư cho nhiều dự án công viên quy mô lớn như: Công viên đạt tiêu chuẩn quốc tế tại phường Hà Cầu (quận Hà Đông), Công viên Trung Văn (Nam Từ Liêm), Công viên Tây Nam Cổ Loa (Đông Anh)... Tới nay thì các dự án này chưa được xây dựng.

Mặc dù vậy, 10 năm qua, có khá nhiều công viên được hoàn thành như: Công viên Nhân Chính (quận Thanh Xuân), Công viên Mai Dịch (Cầu Giấy), Công viên Thiên Văn Học (quận hà Đông)... Cùng với đó là các hồ nước, khu vui chơi được xây dựng trong nhiều khu đô thị mới. 

Hà Nội đã hoàn thành chương trình trồng 1 triệu cây xanh, xây dựng thêm khá nhiều công viên và hồ điều hòa trong 10 năm qua. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Những dự án này đã góp phần tăng không gian vui chơi, giải trí cho người dân. Hệ thống cây xanh, hồ nước còn góp phần điều hòa không khí, tăng khả năng thoát nước mặt trên địa bàn thành phố. 

Cuối năm 2018, Hà Nội đã hoàn thành chương trình một triệu cây xanh (trước hai năm so với dự kiến) và trồng thêm 600 nghìn cây. Có thể thấy, nhiều trục đường lớn của thành phố đã được phủ hệ thống cây xanh với tán đều như Đại lộ Thăng Long, Võ Chí Công, Nhật Tân - Nội Bài... 

Một số địa điểm trước đây nổi tiếng vì ô nhiễm thì nay đã biến thành những nơi rợp bóng cây, hoa cảnh cho người dân đi dạo như: Đường ven sông Tô Lịch, đoạn phố từ ngã tư Thái Hà - Yên Lãng đến Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, đường F1 Phú Đô...

Đáng chú ý, Hà Nội cũng đã tổ chức thành công Phố đi bộ hồ Gươm, tạo không gian vui chơi ưa thích của đông đảo người dân và du khách vào các ngày cuối tuần. 

Quy hoạch Hà Nội 10 năm nhìn lại - Bài 1: 5 điểm sáng trong một thập kỷ quy hoạch Hà Nội - Ảnh 10.

Cách đây một thập kỷ, cảnh cáp điện lực, viễn thông chằng chịt như những "mạng nhện" rất dễ nhận thấy trên hầu hết phố phường Hà Nội. Cuộc hạ ngầm hệ thống dây cáp này là một trong những kế hoạch nổi bật của Hà Nội dù tiến độ thực hiện còn chậm. 

Kế hoạch hạ ngầm này được thực hiện từ giai đoạn trước năm 2011, nhưng phải đến năm 2016 trở lại đây thì người dân mới có thể nhận rõ sự thay đổi diện mạo trên nhiều tuyến phố. 

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã hoàn thành hạ ngầm cáp điện, viễn thông trên 174 tuyến phố. Tại 4 quận nội thành cũ, các tuyến đường phố đã cơ bản hoàn thành hạ ngầm dây cáp cũ và cắt bỏ gần 6.000 cột cũ treo cáp. Dự kiến giai đoạn từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ tiếp tục hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực tại 300 tuyến phố cũ.

Cùng với việc hạ ngầm dây cáp, từ năm 2016, Hà Nội cũng tiến hành chỉnh trang, thay đá vỉa hè trên các tuyến phố. Hà Nội cũng thí điểm hai tuyến phố kiểu mẫu là Lê Trọng Tấn và Đình Thôn. Nhờ vậy, cảnh quan nhiều tuyến phố đã sạch đẹp hơn rất nhiều giai đoạn trước. 

Quy hoạch Hà Nội 10 năm nhìn lại - Bài 1: 5 điểm sáng trong một thập kỷ quy hoạch Hà Nội - Ảnh 12.

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, đã có 13 huyện và 368/382 xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 167 xã so với cuối năm 2015), đạt tỷ lệ 96,3%, hoàn thành sớm hai năm so với mục tiêu đề ra.

Hà Nội có số xã đạt chuẩn nông thôn dẫn đầu cả nước. Diện mạo nông thôn Hà Nội đã thay đổi rõ nét. Đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa, hầu hết các hộ dân có điện thoại, 100% xã có kết nối internet... Cuối năm 2020, có 100% hộ dân ở khu vực đô thị và 78% hộ dân ở khu vực nông thôn đã được cung cấp nước sạch (năm 2015 là 37%).

Hạ tầng được cải thiện giúp tăng giá trị đất đai ở nông thôn. Từ đó, góp phần nâng cao kết quả đấu giá đất, tăng thu ngân sách.

Hiện nay, Hà Nội đang tập trung đầu tư chuẩn bị các điều kiện để đưa các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng lên quận.