68% cổ đông bỏ phiếu đồng ý 'đuổi' Zuckerberg ra khỏi Facebook

Tuần trước, các nhà đầu tư của Facebook đã bỏ phiếu để loại Zuckerberg khỏi vị trí CEO và đưa người khác lên thay thế.

Áp lực đè nặng lên vai ông chủ Facebook

68% cổ đông bỏ phiếu đồng ý đuổi Zuckerberg ra khỏi Facebook - Ảnh 1.

CEO Facebook, Mark Zuckerberg. (Ảnh: Business Insider).

Theo Yahoo Finace, 68% các nhà đầu tư đã cùng bỏ phiếu đồng ý loại  Zuckerberg ra khỏi vị trí CEO Facebook hiện tại và đề xuất thành lập một hội đồng lãnh đạo độc lập. Đây thực sự là một áp lực lớn đối với Zuckerberg sau những sóng gió trong thời gian gần đây.

Trillium Asset Management, công ty sở hữu gần 7 triệu đô la cổ phiếu Facebook, đã đệ trình đề xuất này. Theo lập luận của Trillium Asset Management, chính việc lãnh đạo lỏng lẻo của Zuckerberg đã cho phép hàng loạt những sự cố khủng hoảng truyền thông xã hội xảy ra trong thời gian qua.

"Những gì chúng ta đang thấy ở Facebook trong thời điểm hiện tại thực sự là một mối lo ngại khi tất cả quyền lực đều tập trung vào một cá nhân duy nhất", Jonas Krone – phó chủ tịch Trillium Asset nói với tờ Yahoo Finace.

Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên đề xuất này được đưa ra. Năm 2017, một đề xuất tương tự cũng nhận được sự hưởng ứng của 50% cổ đông Facebook.

Rõ ràng, việc từ 50% tăng lên 68% trong vòng 2 năm qua đã phản ánh sự bất mãn của đa số cổ đông với công việc lãnh đạo Facebook của vị CEO hiện tại, đồng thời nó cũng là một thông điệp lớn gửi tới Zuckerberg.

Những đề xuất dạng này xuất hiện ngày càng nhiều khi Facebook đang bị hàng loạt các tổ chức, chính phủ tố cáo về việc mập mờ trong xử lí dữ liệu thông tin cá nhân người dùng và chống độc quyền.

68% cổ đông bỏ phiếu đồng ý đuổi Zuckerberg ra khỏi Facebook - Ảnh 2.

Biểu đồ cho thấy giá trị thương hiệu Facebook ngày càng giảm. (Ảnh: Yahoo Finace).

Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kì được báo cáo là đang lên kế hoạch đánh giá sâu rộng Facebook và Google, cùng các công ty công nghệ lớn khác để xác định xem các công ty này có đang bóp nghẹt cạnh tranh với những đối thủ của họ bằng cách phá giá các dịch vụ mà họ cung cấp hay không.

Mặc dù quá nửa số cổ đông yêu cầu Zuckerberg từ chức vậy nhưng tác động của việc này đối với chiếc ghế CEO của Zuckerberg là không lớn, đơn giản là vì số cổ phiếu Zuckerberg đang sở hữu lớn gấp 10 lần số cổ phiếu trung bình của các cổ đông. Điều này đồng nghĩa với việc Zuckerberg đang nắm giữ 57,7% quyền biểu quyết trong tay.

Tuy không đạt được kết quả thực chất, nhưng theo Krone, "đề xuất này mang lại cho các cổ đông một tiếng nói cần thiết", và cũng là một hồi chuông cảnh báo cho việc lãnh đạo Facebook của Zuckerberg.

"Chúng tôi đang gửi đến Zuckerberg một tài liệu về việc thành lập một ban lãnh đạo độc lập và tôi nghĩ rằng Zuckerberg sẽ chia sẻ ý kiến này với chúng tôi", Krone nói.

Zuckerberg hoàn toàn có thể nhìn ra xung quanh, các tập đoàn công nghệ lớn như Apple hay Alphabet, Microsoft đều có ghế hội đồng quản trị độc lập. Alphabet (công ty mẹ của Google) có cấu trúc hai lớp bao gồm một ghế hội đồng quản trị độc lập và một ghế dành cho người sáng lập/CEO. "Chúng ta có nhiều mô hình để Zuckerberg và Facebook học hỏi", vị phó chủ tịchTrillium Asset bày tỏ.

Trước đó, vào trung tuần tháng Tư, trong một cuộc họp cổ đông thường niên, trong 8 đề xuất đưa ra thì có đề xuất yêu cầu thay đổi quyền quản trị trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh này.

Theo đó, một số người đề xuất Facebook sẽ thuê một giám đốc điều hành độc lập, thay thế Mark Zuckerberg làm chủ tịch HĐQT của Facebook. Đáp lại những đề xuất này, Facebook kêu gọi các nhà đầu tư bỏ phiếu phủ quyết thay đổi trên.

"Chúng tôi tin rằng ban giám đốc đang hoạt động hiệu quả và cơ cấu hiện tại cho phép một sự giám sát chặt chẽ của các cổ đông", Facebook cho biết.

"Chúng tôi không cho rằng việc thuê một vị CEO độc lập sẽ mang lại những định hướng và hiệu suất tốt hơn so với hiện tại. Ngược lại, việc thay đổi này có thể sẽ gây ra sự kém hiệu quả trong quản lí công ty và HĐQT", người phát ngôn của Facebook nói với báo giới.

Hiện tại, cổ phiếu Facebook đang được chia làm hai loại A và B. Trong đó, cổ phiếu loại B có sức mạnh bỏ phiếu gấp 10 lần so với cổ phiếu loại A. 

Trong khi chỉ tính riêng Mark Zuckerberg đã nắm giữ 75% cổ phiếu loại B, điều đó có nghĩa là Mark có hơn một nửa quyền biểu quyết tại Facebook. Đây cũng là lí do tại sao các nhà đầu tư yêu cầu tái cấu trúc nguyên tắc cổ phiếu của công ty.

Theo Business Insider, gần như Mark Zuckerberg sẽ ít bị ảnh hưởng bởi những đề xuất như này. Tuy nhiên, việc các yêu cầu CEO hiện tại từ chức xuất hiện ngày một nhiều cũng cho thấy sự lo lắng của các cổ đông về việc quyền lực tập trung quá nhiều vào tay Mark Zuckerberg.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.