9 tuổi trồng rau kiếm tiền phụ mẹ
Nhân vật được nhắc đến trong câu chuyện trên là em Đoàn Thị Thu Hằng, (SN 1992), quê Nam Định. Qủa thực để lên lịch gặp Hằng thật là không dễ, bởi lẽ những ngày cô gái bắt đầu học việc tại Viện Huyết học quá bận rộn.
Theo lời Hằng chia sẻ, dù được nhận lại viện làm việc, nhưng em còn phải trải qua một quá trình học việc và đánh giá sát sao, nếu đủ tiêu chuẩn mới được vào làm việc chính thức tại viện. “Hiện tại em đang bắt đầu 6 tháng học việc, tại một số khoa trọng điểm trong viện, mỗi tháng 1 khoa, nếu đạt yêu cầu thì sẽ được chuyển qua khoa khác. Sau đó, em sẽ học Định hướng 6 nữa tháng mới hoàn thành yêu cầu”.
Hằng tâm sự, “Công việc ở viện dù vất vả, nhưng đã thấm gì so với sự vất vả của bố mẹ ở quê, gia đình em cũng còn khó khăn lắm. Em vừa ra trường, em trai em cũng vừa đỗ Đại học, mừng thì mừng lắm nhưng rồi lại cả gánh nặng nữa lên vai bố mẹ em”.
Hằng được phân công trong ban Y tế, chăm sốc sức khỏe cho mọi người trong chương trình Hành trình đỏ. (Ảnh NVCC). |
Được biết, bố mẹ Hằng đều làm nông nghiệp, nên cuộc sống gia đình không mấy khá giả. Không những vậy, nhiều năm nay, bố Hằng bệnh rồi ốm đau dai dẳng, nên gánh nặng cơm áo gạo tiền trong gia đình mình mẹ em gánh cả.
Dù nghèo khó, nhưng bù lại chị em Hằng lại rất ngoan và học giỏi. Được biết, suốt những năm học Hằng đều đạt danh hiệu học sinh khá giỏi và có thành tích tốt trong học tập. Và từ khi học cấp 1 cho đến khi học Đại học, Hằng luôn được tín nhiệm làm cán bộ lớp.
Điều khiến tôi cảm thấy khá bất ngờ và thú vị, là cô gái 25 tuổi trước mặt tôi đã biết giúp mẹ kiếm tiền từ năm 9 tuổi, em biết tự trồng và mang rau đi chợ bán. Rồi những ngày đi học Đại học, tiền học bổng, tiền đi làm thêm, cũng giúp em trang trải được phần nào chi phí học tập.
Đặc biệt 6 năm học Đại học cũng là 6 năm Hằng đạp xe đi học. Quãng đường từ Nam Định sang Đại học Y Thái Bình dài 25km, vậy mà có hôm cô gái nhỏ nhắn ấy cả đi và về chỉ trong ngày.
Chia sẻ tới đây Hằng kể: “Ngày đó bọn bạn em có đứa gọi em là siêu nhân, có đứa còn gọi em là bà buôn, vì lần nào đi học cũng lỉnh kỉnh đồ “cứu trợ” từ bố mẹ. Nhưng điều đặc biệt, là mọi người không ai nghĩ em sẽ kiên trì được đến vậy”.
Ngày đầu Hằng còn có một vài người bạn cùng đạp xe đi học Đại học, nhưng rồi tất cả đều bỏ cuộc vì đường quá xa. Người bắt xe ô tô khách, người được mua xe máy, riêng Hằng vẫn lóc cóc đạp xe. “Nhiều khi có bạn gọi điện hỏi: “Mày vẫn đi xe đạp hả Hằng”, những lúc như vậy em cũng thấy tủi thân lắm chứ”, nói tới đây cô gái rưng rưng, đôi mắt ầng ậng như muốn khóc.
Lý giải về quyết định của mình, Hằng nói: “Ngày ấy, em vốn là một người thể trạng yếu, hay ốm đau nên em muốn đi xe coi như tự rèn luyện thể lực. Với nếu đi ô tô lần nào em cũng say xe. Và điều quan trọng, đạp xe cũng là một các để em tiết kiệm tiền cho bố mẹ”.
Đến với nghề y như cái duyên
Hằng kể, có lần em đang học lớp 3 bị ốm phải nhập viện. Lúc ấy bố đang ốm, nhà neo người, thành thử nhiều hôm cô bé 8 tuổi tự đi mua cơm lo cho bữa trưa của mình. Những ngày nằm viện, Hằng rất cảm động và hạnh phúc khi nhận được sự giúp đỡ của các anh chị y tá, bác sĩ trong viện. Cũng từ đó, em đã nhen nhóm ước mơ sau này lớn lên sẽ học y và trở thành bác sĩ.
“Từ việc quyết định học ngành y, cho tới khi may mắn được lựa chọn ở lại Viện làm việc nó như cái duyên đến với em. Đặc biệt là bắt đầu từ chương trình tình nguyện mang tên Hành trình đỏ”, Hằng chia sẻ.
Hành trình đỏ là chương trình tình nguyện diễn ra từ đầu tháng 7, nhằm tuyên truyền vận động hiến máu, tuyên truyền kiến thức về bệnh tan máu bẩm sinh trên địa bàn nhiều tỉnh trong cả nước.
|
Hằng đã từng 7 lần tham gia hiến máu tình nguyện. và suốt một tháng hoạt động tích cực trong Hành trình đỏ, Hằng đã trở thành tâm điểm chú ý của mọi người, và nhận được sự quan tâm từ chính Viện trưởng Viện Huyết học. Hằng trở thành “đối tượng” được “theo dõi” đặc biệt mà chính em cũng không biết trước.
Trong suốt Hành trình đỏ, cô bé từng ốm đau dặt dẹo đã đi cùng mọi người đi từ Hà Nội đến Hải Phòng, rồi Quảng Ninh,... “Đi đến đâu chị Hằng cũng luôn sống hết mình. Dù vất vả nhưng chị ấy không kêu than một câu, bởi chị ấy nói mình trong đoàn y tế, mình cũng kêu mệt thì còn chăm sóc được cho ai nữa”, bạn Hải Linh chia sẻ.
Ngày 1/8, khi tổng kết chương trình, Hằng là một trong những thành viên được nhận bằng khen của Trung ương hội chữ thập đỏ Hà Nội vì đã có thành tích xuất sắc trong Hành trình đỏ. Và vinh dự hơn nữa, khi chính GS. Bác sĩ Nguyễn Anh Trí đã công bố luôn quyết định sẽ đặc cách cho Hằng ở lại Viện làm việc.
“Khi ấy tai em như ù đi, em không dám tin đó là sự thật. Cảm xúc lúc ấy trong em như vỡ òa vì hạnh phúc”, Hằng nghẹn ngào nói.
Trao đổi với PV, Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Mạnh Quân, trưởng Khoa vận động- Tổ chức hiến máu Viện Huyết học truyền máu Trung Ương cho biết: “Hằng là một trong những sinh viên đặc biệt, em nhận được cơ hội vào viện làm việc ngay sau khi kết thúc chương trình Hành trình đỏ. Đây không phải là sự may mắn, mà cơ hội này do chính bản thân Hằng tự phấn đấu để đạt được”.
Hằng là một cô bé chăm chỉ và có trí nhớ tốt. Trong đợt tình nguyện, chỉ giới thiệu lướt qua nhưng em có thể nhớ hết được tên, tuổi, quê của tất cả 60 bạn cùng đội đến từ 64 tỉnh thành khác nhau trên cả nước. Bcs sĩ Quân nói: “Điều này thể hiện Hằng thông minh và có phương pháp để nhớ rất khoa học”.
“Không chỉ vậy, 1 tháng tham gia đội y tế trong Hành trình đỏ, Hằng thể hiện chuyên môn và khả năng giải trình rất tốt. Vậy nên, thông qua chương trình chúng tôi trực tiếp đánh giá, lựa chọn nhân tài, đây là sự lựa chọn trên nền tảng đạo đức.