9 tuyến cao tốc dài 640 km được triển khai tại Đồng bằng sông Cửu Long trong 10 năm tới

Dự kiến đến năm 2030, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 9 tuyến cao tốc dài khoảng 640 km nhằm phục vụ nhu cầu kinh tế - xã hội.
9 tuyến đường với 640 km cao tốc được đầu tư tại Đồng bằng sông Cửu Long trong 10 năm tới - Ảnh 1.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. (Ảnh: Zing News).

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 20 triệu dân, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực lớn nhất Việt Nam. ĐBSCL cung cấp 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây, 40% sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước... Tuy nhiên, khu vực hiện chỉ có 40 km cao tốc TP HCM - Trung Lương, đi qua Tiền Giang, Long An.

Theo dự thảo quy hoạch đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 của Bộ GTVT, khu vực ĐBSCL sẽ có 9 tuyến cao tốc được đầu tư xây dựng, thông tin từ báo Giao thông.

Cụ thể là hai dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (dài 51,5 km với tổng mức đầu tư trên 12.668 tỷ đồng) và Mỹ Thuận - Cần Thơ (chiều dài 23 km, 4.826 tỷ đồng) đang được triển khai xây dựng.

Trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có hai tuyến đường thuộc cao tốc Bắc - Nam từ Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau được đưa vào quy hoạch để đầu tư xây dựng gồm: Cần Thơ - Bạc Liêu (dài 76 km, TMĐT: 18.687 tỷ đồng) và Bạc Liêu - Cà Mau (dài 48 km, TMĐT: 11.145 tỷ đồng).

Ngoài ra, ba tuyến cao tốc khác được quy hoạch đầu tư trong trong giai đoạn 2021 - 2025, gồm: Mỹ An - Cao Lãnh (dài 26 km, TMĐT: 4.524 tỷ đồng), An Hữu - Cao Lãnh (dài 30 km, TMĐT: 5.998 tỷ đồng) và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (dài 180 km, 31.483 tỷ đồng).

Tiếp đến, trong giai đoạn 2025 - 2030, khu vực ĐBSCL được Bộ GTVT đưa vào quy hoạch để đầu tư xây dựng thêm hai tuyến cao tốc khác, gồm: Hồng Ngự - Trà Vinh (dài 107 km, TMĐT: 5.380 tỷ đồng) và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu (dài 100 km, TMĐT: 30.000 tỷ đồng).

Như vậy, theo dự kiến, đến năm 2030, khu vực ĐBSCL sẽ có khoảng 640 km đường cao tốc.

Tại Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sáng 13/3, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong 5 năm tới, số tiền đầu tư cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 388.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào hạ tầng.

Trong đó, số vốn được bố trí như trên sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng như thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau; các tuyến đường giao thông có tính chất liên kết vùng và một số tuyến quốc lộ trong vùng như quốc lộ 30, 53, 57,...

Trước đó trong giai đoạn 2016 - 2020, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được trung ương, các bộ, ngành, địa phương đầu tư trên 140.000 tỷ đồng để tập trung phát triển toàn diện, trong đó có nhiều dự án về giao thông, hạ tầng.

Theo dự thảo quy hoạch đường bộ của Bộ GTVT, đến năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 5.000 km đường cao tốc được đưa vào khai thác, trong đó đến năm 2025 xây mới khoảng 2.542 km, đến năm 2030 xây mới khoảng 1.339 km.


chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.