90% doanh nghiệp du lịch tại TP HCM đã ngưng hoạt động

Sở Du lịch TP HCM vừa có báo cáo đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 tới ngành du lịch thành phố trong quý I năm 2020.
90% doanh nghiệp du lịch tại TP HCM đã ngưng hoạt động - Ảnh 1.

Du lịch TP HCM chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19 (Ảnh: H.Mai)

Thị trường "tê liệt", doanh thu sụt giảm nghiêm trọng

Theo báo cáo mới nhất của Sở Du lịch TP HCM, trong 2 tháng đầu năm 2020, lượng khách du lịch đến thành phố đã có sự sụt giảm mạnh so với cùng năm 2019 do ảnh hưởng từ sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc và các quốc gia trên thế giới cũng như những chính sách quyết liệt trong ứng phó với dịch tại Việt Nam.

Điều này đã kéo theo sự sụt giảm trong doanh thu du lịch. Mặc dù vậy, tốc độ giảm của doanh thu du lịch tương đối chậm hơn so với lượng khách du lịch do đặc điểm của khách du lịch Trung Quốc (thị trường khách bị ảnh hưởng đầu tiên) là du lịch theo tour và có mức chi tiêu không cao, đồng thời lượng khách du lịch đến từ các thị trường khác vẫn còn đang lưu trú tại TP HCM .

Tuy nhiên sang tháng 3, sau khi Tổ chức y tế thế giới (WHO) công bố căn bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) là “đại dịch toàn cầu” thì ngành du lịch Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng gần như tê liệt hoàn toàn.

90% doanh nghiệp du lịch tại TP HCM đã ngưng hoạt động - Ảnh 2.

Qua bảng số liệu có thể thấy, do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng khách quốc tế và doanh thu du lịch TP HCM trong Quý 1 đã có sự sụt giảm mạnh. Tính chung 3 tháng, TP HCM chỉ đón được hơn 1,3 triệu khách quốc tế, giảm 42,26% so với cùng 2019. Doanh thu du lịch chỉ đạt 25.591 tỉ đồng, giảm 26% so với cùng thay vì có sự tăng trưởng đều như những năm trước đây. Những số liệu này đã đẩy ngành du lịch thành phố về với vạch đích từ năm 2016, khi ngành du lịch Việt Nam chưa thật sự phát triển mạnh mẽ như thời gian qua.

90% doanh nghiệp du lịch tại TP HCM đã ngưng hoạt động - Ảnh 3.

Doanh nghiệp gần như không có doanh thu

Theo đánh giá của Sở Du lịch TP HCMdịch Covid-19 đã "giáng một đòn chí mạng" tới các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, trong tháng 1 và tháng 2, trung bình lượng khách và doanh thu của các công ty lữ hành giảm từ 50 – 60% so với cùng năm trước. Đến tháng 3, lượng khách và doanh thu của các công ty lữ hành liên tục giảm. Đặc biệt có một số công ty lượng khách và doanh thu giảm 95% - 100% so với cùng năm trước (theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp lữ hành còn tổ chức khách du lịch).

Hiện nay, có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ đã tạm ngưng hoạt động, một số doanh nghiệp lớn vốn tư nhân chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, doanh nghiệp vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng. Nhân viên được cho nghỉ không hưởng lương đến khi hết dịch Covid-19 sẽ đi làm lại.

Theo báo cáo của 25 cơ sở lưu trú du lịch cao cấp thì tình hình kinh doanh của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống và cơ sở mua sắm giảm mạnh so với cùng năm 2019. Cụ thể, doanh thu từ các cơ sở lưu trú du lịch giảm 58,29%; Kinh doanh hội nghị giảm 60,8%; Kinh doanh nhà hàng, tiệc và kinh doanh khác giảm 60,1%; số lao động nghỉ việc và tạm thời ngừng việc chiếm tỷ lệ cao. Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn thành phố các điểm tham quan du lịch đã tạm ngưng phục vụ khách du lịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trước đó, trả lời Thanh Niên, PGS Võ Thị Ngọc Thúy, Phó giám đốc Sở Du lịch TP HCM, thừa nhận cũng giống như cả nước và thế giới, ngành du lịch TP HCM đang phải đối mặt với giai đoạn hết sức khó khăn. Gần như mọi kế hoạch quảng bá, xây dựng sản phẩm mới trong giai đoạn quý 1.2020 đều bị ngưng trệ.

Theo bà Thúy, chỉ cần không trở thành vùng dịch thì sau khi tình hình lắng xuống, thị trường có thể nhanh chóng hồi phục. Nếu chỉ vì lo thiệt hại kinh tế mà lơ là, sơ sót, để dịch lan tới thì rất khó vực dậy. Do đó, trong thời điểm này ngành du lịch cũng không thể làm gì khác ngoài việc tập trung ưu tiên công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, chống dịch không có nghĩa là ngồi im “chịu chết”. Đây là giai đoạn để ngành du lịch TP cùng các DN nhìn nhận lại quá trình phát triển vừa qua, chuẩn bị các chất liệu để làm các sản phẩm mới, tái định vị hình ảnh thương hiệu du lịch TP HCM, sẵn sàng giới thiệu diện mạo du lịch TP rất mới ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát an toàn.

“Dự kiến cuối tháng 4, TP HCM sẽ công bố bộ nhận diện du lịch mới. Ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Sở du lịch cùng các DN sẽ tăng tốc, đẩy mạnh chiến dịch truyền thông mạnh mẽ cả trong nước và quốc tế về hình ảnh TP HCM rất mới, làm rõ hơn hình ảnh TP năng động, sống động và hấp dẫn. Kế hoạch chi tiết cho từng loại hình sản phẩm chủ lực theo từng giai đoạn bám sát chiến lược dài hạn đang được chuẩn bị kỹ lưỡng, thời cơ đến là sẵn sàng bung ra để vực dậy thị trường”, Phó giám đốc Sở Du lịch TP thông tin.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.