Cơ quan khí tượng của Ấn Độ (IMD) cho biết nhiệt độ tại miền Bắc nước này trong ngày 1/6 đã vượt quá 50 độ C, gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt và hiện tượng say nắng.
Theo IMD, trong thời gian trên, toàn bộ khu vực bang Rajasthan đã trải qua đợt nắng nóng khắc nghiệt, trong đó tại một số thành phố có mức nhiệt độ lên tới hơn 47 độ C.
Riêng tại thành phố Churu của bang này, nhiệt độ đo được trong ngày là 50,6 độ C. (Ảnh: The Weather Channel).
Trong khi đó, tại thủ đô New Delhi, nhà chức trách đã ban bố lệnh báo động đỏ sau khi nhiệt độ vượt quá 46 độ C, đồng thời khuyến cáo người dân ở nhà vào những thời điểm nóng nhất trong ngày.
Tại Una, bang Himachal Pradesh nơi có nhiều đồi núi, nhiệt độ cũng lên tới gần 50 độ C. Nắng nóng quá mức đã dẫn đến tình trạng say nắng. Một số người đã tử vong.
Theo dự báo của IMD, đợt nắng nóng trên có thể sẽ kéo dài tới một tuần không chỉ tại Rajasthan mà còn tại những bang phía Bắc khác như Maharashtra, Madhya Pradesh, Punjab, Haryana và Uttar Pradesh.
Trước đó gần một tháng, chính quyền thành phố New Delhi (Ấn Độ) cũng đã đưa ra cảnh báo bất thường do ô nhiễm không khí vào mùa Hè trong bối cảnh các trận bão bụi và nắng nóng khắp khu vực phía Bắc nước này đẩy mức khói bụi lên tới cấp nguy hiểm.
Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí tại Ấn Độ ngày càng trầm trọng. Liên hợp quốc (LHQ) đã đưa 14 thành phố của nước này vào danh sách 15 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Theo LHQ, ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến hàng trăm nghìn ca tử vong sớm mỗi năm tại Ấn Độ. (Ảnh: The Weather Channel).
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo New Delhi là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với 20 triệu người dân hít thở trong bầu không khí ô nhiễm cao vượt giới hạn nguy hiểm hầu hết các ngày trong năm.
Vào năm 2015, 2.005 người ở Ấn Độ đã thiệt mạng trong những ngày nhiệt độ gần 50 độ C trên cả nước. Đây là con số tử vong cao nhất vì nắng nóng trong 20 năm qua.
Mỗi năm Ấn Độ đều phải trải qua các đợt nóng nghiêm trọng trong mùa hè. Hầu hết các trường hợp tử vong tập trung ở Andhra Pradesh, Telangana, Punjab, Uttar Pradesh, Orissa và Bihar.
Hơn 20.000 người đã chết vì các nguyên nhân liên quan đến nhiệt độ cao ở Ấn Độ kể từ năm 1990. Thời tiết nóng khắc nghiệt nhất xảy ra vào năm 1995, 1.677 người đã tử vong năm đó.