An Giang giải quyết vướng mắc mặt bằng các dự án chậm nhất đến ngày 30/7

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh An Giang đạt 23,2%, cao hơn so với cùng kỳ (15,23%) nhưng vẫn còn thấp so yêu cầu đề ra. Để đạt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu các đơn vị, xem đây là tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022.

 (Ảnh: Báo An Giang).

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị, những dự án nào đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thì khẩn trương thi công ngay. Chậm nhất đến ngày 30/7/2022, các dự án còn khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng phải được giải quyết để có mặt bằng triển khai thi công.

“Các chủ đầu tư cần thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các dự án. Đến hết niên độ ngân sách năm 2022, các chủ đầu tư giải ngân không đạt tỷ lệ 100% kế hoạch vốn được giao (mà không do nguyên nhân khách quan) phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh”- Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Các chủ đầu tư cần phân công cụ thể cán bộ phụ trách từng dự án, đồng thời lập bảng kế hoạch thực hiện và giải ngân từng dự án theo từng tháng để theo dõi, kịp thời đôn đốc, nhắc nhở cán bộ phụ trách, nhà thầu thi công khi dự án triển khai không đúng kế hoạch đề ra; thực hiện công bố công khai tiến độ, kết quả giải ngân trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt đối với các dự án lớn, các chủ đầu tư phải có kế hoạch chi tiết từng giai đoạn của dự án để kiểm tra, theo dõi tiến độ thực hiện.

Nhằm tạo thuận lợi, đảm bảo tiến độ triển khai các dự án, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề xuất, cần mạnh dạn giao cho địa phương chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, đấu thầu thi công... ; đối với các công trình trọng điểm, UBND tỉnh sẽ thành lập các đoàn kiểm tra để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, đơn vị thi công.

Riêng, những dự án còn vướng giải phóng mặt bằng, các chủ đầu tư tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan, các huyện, thị xã, thành phố có dự án đi qua và Tổ công tác xử lý khó khăn vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh (do Sở Tài nguyên và Môi trường làm Tổ trưởng) nhằm tập trung tháo gỡ, xử lý, nếu vượt thẩm quyền phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Ông Phạm Minh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết, năm 2022, UBND tỉnh An Giang đã giao vốn cho 212 dự án đầu tư công với tổng số tiền trên 6.430 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 6 năm 2022, các dự án đã giải ngân được 1.480 tỷ đồng, đạt 23,02% kế hoạch vốn, cao hơn 7,79% so cùng kỳ năm 2021.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang cho rằng, kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh dù cao hơn cùng kỳ năm 2021 (tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2021 đạt 15,23%), nhưng vẫn thấp hơn nhiều so cùng kỳ năm 2019 và năm 2020 (cùng kỳ năm 2019 là 37,65%, năm 2020 là 30,8%) và đạt thấp so yêu cầu đề ra.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang, việc giải ngân đạt thấp là do một số chủ đầu tư chưa phối hợp sát sao đơn vị tư vấn trong quá trình lập dự án, thẩm định dự án, dẫn đến hồ sơ còn sai sót, phải chỉnh sửa nhiều lần trước khi trình duyệt.

Đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 17 dự án chưa có phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; một số dự án đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng chưa tổ chức đấu thầu…

Bên cạnh đó, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng tiếp tục là “điểm nghẽn” trong quá trình triển khai thực hiện các dự án cần giải phóng mặt bằng, đơn cử như: Dự án nâng cấp tuyến đường liên tỉnh nối từ huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) qua khu vực Tứ giác Long Xuyên nối với huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang); dự án kiểm soát lũ vùng Tây sông Hậu; kè chống sạt lở bờ sông Hậu bảo vệ thành phố Long Xuyên; tiểu dự án tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long (huyện An Phú), thuộc dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long - WB9; dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ thị xã Tân Châu đến thành phố Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp; Dự án nâng cấp Tỉnh lộ 949 (huyện Tịnh Biên và Tri Tôn)…

Một nguyên nhân nữa là nhiều dự án chậm tiến độ thi công, như: Trường Tiểu học "A" Hòa Bình Thạnh (điểm phụ); Trường Tiểu học "A" Hòa Bình (điểm phụ); Trường Mẫu giáo Mỹ Hội Đông (điểm phụ); dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai; dự án nâng cấp và bổ sung trang thiết bị quan trắc và phân tích môi trường tỉnh An Giang…

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.