Hàng trăm triệu người tiêu dùng ở Trung Quốc đang dùng smarphone không hề cần dùng đến tiền mặt để mua túi xách cho đến đồ ăn vặt. Đó là lợi thể để mã QR - được tạo nên từ các hình vuông đen trắng dần đi vào đời sống để khách hàng thanh toán nhanh chóng các cửa hàng, nhà hàng, cơ sở kinh doanh.
Ăn xin bằng mã QR
Ở châu Âu và Hoa Kỳ, mã QR không được chú ý nhiều. Còn mã QR ở Trung Quốc lại có mặt khắp nơi và được các nhà bán lẻ, người bán hàng ở chợ và người ăn xin sử dụng.
Thậm chí như người ăn xin ở Sơn Đông còn đeo mã QR ở cổ. Ai muốn cho tiền chỉ cần quét mã và chuyển tiền qua ví điện tử.
Shen Wei - Phó giám đốc Viện nghiên cứu chuyên về mã QR cho hay: "Thị trường rất lớn và đang phát triển. Ước tính có 1,65 nghìn tỷ USD giao dịch đã sử dụng mã QR năm ngoái, chiếm khoảng 1/3 thanh toán di động ở Trung Quốc".
WeChatPay và Alipay là 2 ứng dụng thanh toán di động đứng hàng đầu ở Trung Quốc. Mọi người có thể dùng chúng để thanh toán khi mua sắm bằng cách quét mã QR. Số tiền phải trả được khấu trừ trên ví điện tử được liên kết với các tài khoản ngân hàng.
Ông Pan Helin - chuyên gia kinh tế tại Học viện Tài chính Trung Quốc cho hay, QR rất dễ tạo và dễ sử dụng làm cho chúng phổ biến với những người bán lẻ quy mô nhỏ, các quán đường phố và người không có thẻ tín dụng.
Tháng 4 vừa qua, cư dân mạng ở Trung Quốc phê phán việc một phù dâu ở Bắc Kinh dùng mã QR đeo ở cổ để nhận tiền mừng đám cưới cho cô dâu chú rể. Bởi vì, theo truyền thống, khách mời đám cưới ở Trung Quốc thường bỏ tiền vào phong bì để đưa tận tay cho cô dâu chú rể hoặc người nhà. Nhưng theo phù dâu trên, mã QR là cách để những người quên hoặc không mang đủ tiền mặt có thể gửi tiền mừng dễ dàng ngay trên điện thoại.
Không thể đừng ngoài cuộc chơi
Bên cạnh sự tiện lợi, các mã QR đơn giản, dễ sử dụng nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ bị những kẻ lừa đảo cài virus nhằm lợi dụng khi khách hàng thanh toán sẽ ăn cắp tiền hoặc thông tin cá nhân. Dù vậy, chủ các nhà hàng hoặc cửa hàng bán lẻ cho hay, không thể đứng ngoài cuộc chơi.
Alan Wong - một doanh nhân người Mỹ sở hữu 15 nhà hàng Nhật Bản ở Thượng Hải và Bắc Kinh cho hay: "Nếu không làm vậy sẽ mất doanh thu".
Nhà hàng của ông chủ Wong đã dùng mã QR cho khách thanh toán cách đây 2 năm và hi vọng hình thức này sẽ chiếm đến 70% tại các nhà hàng trong toàn hệ thống.
Ngoài các khoản thanh toán qua QR, mã này còn được dùng cho nhiều dịch vụ ở Trung Quốc như trao đổi danh thiếp cá nhân hoặc thanh toán khi thuê xe đạp công cộng.
Tại Hàng Châu, nơi Alibaba có trụ sở chính, chính quyền địa phương đã kết nối một số dịch vụ công với Alipay. Người dân có thể quét mã QR để thanh toán tiền khi đi phương tiện công cộng, thanh toán hóa đơn. Nhiều thành phố khác cũng đã ứng dụng cách làm này.
Ở cấp độ quốc gia, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cũng đang đầu tư cho nghiên cứu về mã QR.