Từ một diễn viên bình thường, bỗng chốc trở thành "người đàn ông hot nhất mạng xã hội" chỉ sau 6 tập phim Sống chung với mẹ chồng, đấy là câu chuyện mà Anh Dũng đang trải qua. Nhờ vai Thanh, cái tên Anh Dũng xuất hiện với tần suất dày đặc trên các đầu báo. Khen có, chê có, đồng cảm có, chỉ trích cũng có, Anh Dũng thừa nhận chính anh cũng không thể ngờ rằng vai Thanh của mình lại tạo ra "sóng gió" nhiều đến thế. Trong cuộc trò chuyện mới đây, Anh Dũng đã bật mí nhiều chuyện dở khóc dở cười khi tham gia bộ phim đang gây bão trên mạng xã hội này.
Lan Hương, Anh Dũng và Bảo Thanh trong "Sống chung với mẹ chồng"
- Phải khó khăn lắm mới có cuộc nói chuyện với Anh Dũng vì anh liên tục khóa máy sau khi "Sống chung với mẹ chồng" lên sóng. Là do chịu ảnh hưởng từ sức nóng của bộ phim hay là còn nguyên nhân nào khác khiến anh làm như vậy?
2 ngày nay tôi khóa máy, không tiếp bất cứ một cuộc điện thoại nào. Thật sự, bộ phim được khán giả yêu thích, đấy là niềm vui của cả ekip sản xuất, chứ chẳng phải riêng tôi. Nhưng vì có quá nhiều người gọi điện, nhắn tin trong suốt 1 tuần nên cuộc sống của tôi có chút "rối loạn". Bởi hiện tại, tôi cũng có một số việc khác phải làm. Không thể suốt ngày trả lời điện thoại của mọi người được (Cười). Khóa máy rồi, tôi dành thời gian cho gia đình, làm nốt những thứ chưa hoàn thành, xong sau đó nghỉ ngơi, xem TV và lên mạng đọc những bình luận, góp ý mọi người dành cho bộ phim.
Anh Dũng vào vai Thanh - cậu con trai nhu nhược và dựa dẫm
Tôi cũng không nhớ nổi là mình đã nghe điện thoại của ai và nói những gì nữa. Quá nhiều cuộc gọi. Cách đây khoảng 4 - 5 năm, tôi cũng từng đóng 1 bộ phim được yêu thích. Nhưng vì thời điểm đó mạng xã hội không phát triển như vậy nên tôi chẳng có cảm giác bị "áp lực" như bây giờ.
- Ở tập 4 "Sống chung với mẹ chồng", có cảnh NSND Lan Hương đòi thay đồ giúp trong khi anh chỉ mặc mỗi một chiếc quần lót. Trong lúc thực hiện cảnh quay này, anh có cảm giác ngượng ngùng hay gặp bất cứ khó khăn gì không?
Cảnh quay này rất là vui. Bà mẹ cực kỳ trẻ con, tính cách cũng dễ thương chứ không phải chỉ toàn đành hanh, khó chịu đâu. Bà mẹ có cái lý của bà ấy, khi mở cửa phòng đi vào chỉ đơn giản là lấy quần áo mang giặt giũ. Nhưng hoàn cảnh lại hơi sai một chút, vợ chồng con trai đang ngủ mà mẹ cũng xông vào. Mẹ thương con trai nhiều, nhưng thương thái quá.
Thú thật, có ai muốn mình ăn mặc "hở hang", tồng ngồng đứng trước mặt đoàn phim đâu. Nhưng vì đây là cảnh hài, nên tôi cũng phải diễn cho nó buồn cười một chút. Quay cảnh này chắc cũng cỡ 4 - 5 lần gì đó. Cứ hễ tới cái cao trào là cả đoàn lại bật cười. Ban đầu, cả cảnh quay không phải như thế đâu. Tôi cũng có nói với đạo diễn để thay đổi kịch bản 1 chút. Lúc phim phát cảnh này, mọi người chọc tôi nhiều lắm. Bản thân tôi cũng khá là ngượng. Cơ thể của mình mà, ai lại muốn hở ra thế chứ. Nhưng vì muốn tạo ra cảnh quay chân thực nên tôi cũng nghĩ mọi thứ nhẹ nhàng hơn.
- "Sống chung với mẹ chồng" lên sóng được 2 tuần, ý kiến khen chê gì cũng có cả. Trước những nhận định cho rằng bộ phim đang làm quá lên mọi thứ, Anh Dũng có điều gì muốn chia sẻ không?
Có nhiều anh chị ở miền Nam cũng có nói với tôi rằng xem không quen Sống chung với mẹ chồng. Một số người lại bảo phim chẳng có gì hấp dẫn, phim toàn làm quá mọi thứ, làm sao mà ngoài đời thực lại có bà mẹ chồng tai quái như thế chứ... Tất cả những ý kiến đó là có hết. Tôi không thể phủ nhận, vì ai cũng có cái lý của họ cả. Như người miền Nam, họ toàn nói chuyện một cách thẳng thắn, nếu thích thì sẽ là: "Tao thích mày", nếu không thích thì cũng là kiểu: "Mày làm như vậy không được đâu". Trong số những người nói rằng bộ phim phi lý, tôi thấy khán giả miền Nam là nhiều nhất. Người miền Nam không thích kiểu nói vòng vo. Vậy nên họ xem không quen Sống chung với mẹ chồng cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên theo tôi nghĩ, Sống chung với mẹ chồng chẳng phải bộ phim phi lý, vì ngoài đời thực vẫn còn vô số chuyện oái ăm hơn. Chỉ là chúng ta chưa thấy, chưa tiếp xúc nên mới thấy nó xa vời. Nhân vật mẹ chồng, con dâu trong phim là đại diện cho hàng triệu mẹ chồng, nàng dâu ở Việt Nam. Có khán giả kể với tôi là xem phim thấy một phần mình trong đó, xem xong cứ tủm tỉm cười vì chẳng thể ngờ tình tiết phim lại sát thực tế đến vậy. Tôi nói ra điều này chỉ là mong mọi người có cái nhìn khách quan hơn. Bộ phim dài tới 32 tập, chỉ mới phát được 6 tập, vẫn còn nhiều cái hay ở phía sau.
- Đóng vai cậu con trai nhu nhược, dựa dẫm vào mẹ ruột, vai diễn Thanh của Anh Dũng đang bị cộng đồng mạng chỉ trích khá nhiều. Có bao giờ Anh Dũng rơi vào tình huống oái ăm là bị khán giả mắng chửi khi gặp anh ngoài đời thực chưa?
Có người chỉ vào mặt tôi và gọi là "cái thằng này", "loại chồng này" khi gặp tôi ngoài đường. Cũng có người lúc đối mặt trực tiếp thì vui vẻ nói chuyện, lúc tôi quay lưng đi thì thầm thì to nhỏ, nói xấu tôi là: "Cái loại đàn ông không ra gì", "Cái thằng này ngoài đời sao mà nhìn ghét thế". Những lúc bị như vậy, tôi thấy buồn, dù sao mình cũng là diễn viên, khán giả gọi mình như thế là thiếu tôn trọng. Nhưng sau đó tôi nghĩ lại, nếu mình diễn mà khán giả không nhớ tới thì làm sao họ phải chửi. Họ ném đá tức là vai của mình đã thành công. Dù gì đi nữa thì mình cũng muốn tạo ra một vai diễn gây tranh cãi, bị khán giả ghét mà, nay họ ghét mình thật rồi, thì tại sao phải giận?
Tôi không mang tính cách của nhân vật ra ngoài đời. Mấu chốt trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu rối rắm này là Thanh, khi bị mắc kẹt giữa 2 người phụ nữ quan trọng của đời mình, anh ta chẳng thể đưa ra quyết định. Bởi vậy cho nên, Thanh đã vô tình làm mẹ chồng - nàng dâu bước vào cuộc chiến giành tình thương quyết liệt. Người mẹ với tâm lý yêu thương con, luôn sẵn sàng gây chiến cùng nàng dâu mới. Sức ép từ hai phía khiến mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu thêm căng thẳng, và người chồng trở thành nhân vật ở giữa cho 2 bên công kích.
- Nhưng trên khía cạnh một người đàn ông, Anh Dũng có sự cảm thông nào với nhân vật này không?
Tất nhiên là có chứ. Dù Thanh đáng trách vì nhu nhược, dựa dẫm nhưng xét cho cùng, anh ấy vẫn không phải là người quá xấu. Những gì xảy ra với Thanh đều theo diễn biến tâm lý cả. Từ nhỏ Thanh đã sống trong cảnh được nuông chiều, nên khi lấy vợ rồi, anh ta vẫn có chút không quen. Đã vậy, vợ chồng Thanh còn sống chung với bố mẹ ruột, như vậy thì trước hay sau khi kết hôn, cuộc sống cũng có gì thay đổi đâu.
Thanh là người rất thương mẹ, yêu vợ. Lúc mẹ bị mất tiền, anh ta móc ví ra cho mẹ lại số tiền bị mất. Vợ bị mẹ hành làm việc nhà, Thanh cũng tự nguyện rửa bát giúp dù trước đó anh chưa từng làm việc này. Đến khi mẹ làm hư mất chiếc váy yêu thích của vợ, Thanh cũng hứa mua lại, anh ta làm tất cả chỉ là mong vợ và mẹ đều vui. Tôi nhiều khi cũng tự hỏi, sao mọi người không nhìn vào điểm tốt của Thanh nhỉ? Nếu chịu nhìn cái tốt thì Thanh cũng chẳng đến nỗi quá đáng trách đâu!
- Trong bộ phim này, Anh Dũng là Bảo Thanh có khá nhiều cảnh quay thân mật. Dù Anh Dũng chưa kết hôn nhưng Bảo Thanh thì đã có chồng con rồi. Lúc quay phim, anh có gặp khó khăn hay lo ngại gì không?
Bị nhắc đến nhiều nhất chính là cảnh đêm tân hôn của đôi vợ chồng trẻ. Chúng tôi ôm hôn nhau, sau đó Bảo Thanh đè lên người tôi. Cảnh đó rất đáng nhớ, Bảo Thanh đã đuổi hết tất cả mọi người ra ngoài. Trong phòng chỉ còn có 2 diễn viên là tôi với Bảo Thanh và 2 quay phim. Đạo diễn Vũ Trường Khoa ngồi phía ngoài monitor rồi, cũng không có mặt trong căn phòng đó luôn. Tôi và Bảo Thanh là bạn khá thân vì học cùng trường, từng đóng chung sitcom và một số phim truyền hình khác. Từ trước đến nay, chúng tôi cũng làm việc với nhau theo kiểu đồng nghiệp thông thường, hoàn toàn không có chút lo lắng về chuyện ảnh hưởng đến quan hệ hôn nhân hay tình cảm ngoài đời thực cả. Phim là phim, đời là đời, mọi chuyện luôn có sự rạch ròi.
Cũng có nhiều người hỏi tôi rằng bạn gái có mắng vì đóng cảnh thân mật hay không. Thật ra bạn gái tôi không hay theo dõi phim truyền hình, hơn nữa thời gian làm việc của cô ấy cũng khá căng, khi bộ phim lên sóng, cô ấy và tôi vẫn chưa có 1 buổi nào ngồi xem cùng nhau cả. Nhưng mà thế này, vì đã quen với công việc diễn viên của tôi nên cô ấy cũng không thường xuyên có ý kiến. Trước Sống chung với mẹ chồng, tôi cũng từng đóng cảnh thân mật với nhiều diễn viên khác rồi mà.
- Viễn cảnh mẹ chồng - nàng dâu đen tối trong "Sống chung với mẹ chồng" có khiến anh sợ lấy vợ không?
Quan hệ giữa tôi với bạn gái vẫn rất tốt (Cười). Nhưng đôi khi tôi cũng tự hỏi sau này nếu kết hôn rồi thì mọi thứ sẽ ra sao? Sẽ tốt đẹp hay là khó khăn? Rồi mình sẽ lâm vào tình huống éo le như trong phim hay không? Nhưng mà nghĩ đi nghĩ lại, chắc là không đâu. Vì mẹ tôi rất hiền, mẹ thương tôi nhưng cũng rất tâm lý. Mẹ luôn tôn trọng mọi quyết định của tôi chứ không phải kiểu chăm con như em bé. Bên cạnh đó, ngoài đời thực tôi cũng không hành xử như anh chàng Thanh kia. Tôi không nhu nhược và dựa dẫm vào mẹ nhiều như thế. Nên nếu lấy vợ và vợ làm dâu thì những xích mích, mâu thuẫn lớn như vậy không có cơ hội xảy ra đâu.
- Xin cám ơn Anh Dũng vì đã dành thời gian chia sẻ!
Giải trí 03:05 | 17/07/2017
Giải trí 05:43 | 04/07/2017
Giải trí 04:31 | 02/07/2017
Giải trí 00:38 | 26/06/2017
Giải trí 02:20 | 25/06/2017
Giải trí 23:00 | 23/06/2017
Giải trí 00:30 | 23/06/2017
Giải trí 02:30 | 22/06/2017