FLC lỗ sau thuế 465 tỷ đồng trong quý I/2022

FLC vừa báo lỗ 465 tỷ đồng quý I/2022, trong đó phần lỗ từ đơn vị liên doanh, liên kết chiếm hơn một nửa. Mặt khác, dòng tiền thuần của FLC dương trong quý I/2022, đảo chiều so với cùng kỳ.

CTCP Tập đoàn FLC vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với doanh thu thuần hợp nhất 1.085 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ. 

Chiếm 60% trong cơ cấu doanh thu là từ nguồn bán hàng hóa, thành phẩm với 656,5 tỷ đồng, giảm 58%. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản cũng giảm 69% còn 287 tỷ đồng. 

Theo giải trình của FLC, kết quả này là do công ty đã thu hẹp mảng kinh doanh thương mại. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh gây ảnh hưởng đến mảng kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng, đồng thời, hạn chế nhân công trực tiếp thi công tại các các công trình để bàn giao dẫn đến giảm doanh thu bất động sản.

Tổng hợp: Hiền Minh.

Mặc dù giá vốn giảm 54%, song, biên lợi nhuận gộp giảm, lợi nhuận gộp của FLC âm 14,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 108 tỷ đồng.  

Về phần hoạt động tài chính, doanh thu từ mảng này đạt 158 tỷ đồng, tăng 9%, chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay. Chi phí tài chính trong quý tăng 184%, đạt 162 tỷ đồng do công ty tăng các khoản trích lập dự phòng các khoản đầu tư.

Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận khoản lỗ 265 tỷ đồng từ các công ty liên doanh, liên kết trong khi cùng kỳ lãi 18 tỷ đồng. Chi tiết khoản lỗ trên không được FLC thuyết minh cụ thể.

Sau khi trừ các khoản chi phí khác, FLC báo lỗ sau thuế 465 tỷ đồng, trong khi quý I/2021 lãi 43 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của FLC dương 115 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 934 tỷ đồng. Trong đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý dương 139 tỷ đồng, trong khi quý I/2021 âm 1.381 tỷ đồng, chủ yếu nhờ công ty ghi nhận tăng, giảm các khoản phải trả 1.072 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 1.488 tỷ đồng. 

Tính tới thời điểm cuối quý I/2022, tổng tài sản của FLC là 35.496 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm.

Chiếm phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn 14.898 tỷ đồng, tăng 10%, chủ yếu tăng ở các khoản trả trước cho người bán và phải thu về cho vay ngắn hạn.

Bên cạnh đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang cũng tăng gần 5% lên 7.569 tỷ đồng. Các dự án đã có chi phí nghìn tỷ của FLC bao gồm dự án Khu nghỉ dưỡng Quảng Bình (1.335 tỷ đồng), dự án FLC Premier Park (1.121 tỷ đồng), bên cạnh đó còn có các dự án như dự án Bình Định - giai đoạn 2 (932 tỷ đồng), dự án Hà Khánh giai đoạn 1 - Hạ Long (625 tỷ đồng),...

Về phần nợ tài chính, tại thời điểm cuối quý I, tổng nợ tài chính của FLC là 7.310 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm, bao gồm các khoản nợ ngân hàng, nợ trái phiếu và nợ công ty cho thuê tài chính nhằm bổ sung vốn lưu động và đầu tư các dự án. 

chọn
Bất động sản tuần qua (28/4 - 4/5): Ba luật lớn kỳ vọng hiệu lực sớm, TP HCM dừng dự án BT của Phát Đạt
Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có thể hiệu lực sớm từ 1/7; điểm mới về thành lập cụm công nghiệp từ 1/5; loạt doanh nghiệp tiến vào Thái Nguyên... là những thông tin thị trường và dự án nổi bật tuần qua.