Diễn viên Thùy Dương (Ảnh: NVCC) |
Dương – là một tên gọi khá nam tính. Dù cho cha mẹ khi sinh gán cho các cô gái tên Dương thêm chữ Thùy đệm ở phía trước với ý niệm: Có thể là rặng thùy dương theo mốt hồi ức Nga thời bao cấp, cũng có thể là chữ thùy trong từ thùy mị để giảm bớt sự cương trực và khí khái của chữ Dương. Dù sao thì những người phụ nữ tên Dương – trong cái giếng đời mà tôi trải nghiệm, thì tuyệt nhiên chưa thấy cô Dương nào không xinh đẹp, không cá tính.
Cô Dương mà tôi đang nhắc đến trong bài viết chính là nữ diễn viên Thùy Dương, một diễn viên khá quen mặt với khán giả, bộ phim gần đây nhất cô tham gia là “Người phán xử” – đây cũng là bộ phim mà hàng loạt sao đất Bắc bỗng “quật khởi” sau bao năm miệt mài trước máy quay mà Tổ nghề vẫn chưa gọi tên.
Tôi gặp Dương trong một chiều café đầu đông. Mặc dù đã từng quen biết nhau trước đó, từng phỏng vấn nhiều lần trong vài năm, nhưng Dương không phải mẫu phụ nữ khéo léo và biết cách lấy lòng người khác, nhất là những người làm truyền thông – một yêu cầu mặc nhiên nghệ sĩ trẻ khôn khéo nào cũng hiểu. Vì thế, trong cảm quan của một người biết Dương sơ sơ thì cô ấy khá lạnh lùng và chảnh.
Nhưng nếu Dương chỉ đơn thuần là một nữ diễn viên xinh đẹp, diễn xuất gọi là, lạnh lùng và chảnh, thì có lẽ bài viết này sẽ không dành cho cô, để nói về cô, về những điều lạ lùng mà cô bộc lộ với người viết.
“Chảnh”
Dương ít khi cười, nhất là với đàn ông lạ... |
Nếu ai đó gặp Thùy Dương ở ngoài đời thì chỉ cần tinh ý một chút là có thể thấy được ở bản thân cô tỏa ra một năng lượng rất xa cách, nhất là khi Dương không cười. Vẻ mặt đẹp lạnh lùng, đôi mắt to, hàng mi rợp nhưng cong theo điệu buồn, cái mũi cao rất Tây và khuôn miệng hơi mím, cái vẻ thanh mảnh dong dỏng cao cùng gu thời trang kín kẽ, Dương khiến đàn ông chú ý và phụ nữ liếc nhìn một cách kín đáo.Và có thể, đàn ông cũng không dám buông lời trêu ghẹo vì… ngại. Tại sao ngại? Hãy hỏi đàn ông câu này sẽ rõ!
Lý giải cho vẻ xa cách, khó gần của mình, cô bảo: “Em cứ thế từ xưa nay, không phải em chảnh đâu chị ạ. Mà kiểu tính em với mặt em nó thế. Với lại, cũng chẳng quen chẳng biết, sao tự dưng lại cười nói với người lạ được, tại sao phải cười?”. Cái kiểu lí sự như thế vốn thường là lí lẽ của những cô gái cá tính, biết mình có gì và yêu cầu rất cao từ người khác, dù đó là người thân thiết hay xa lạ. Nói thẳng ra, cô chảnh. Và chính cô cũng thừa nhận điều đó!
Phụ nữ đẹp lại biết mình đẹp, đầu óc có tư duy, lại sớm trải nghiệm cuộc sống éo le nên mỗi người sẽ tập cho mình một phản xạ: Có người chọn cho mình lối sống phóng khoáng, có người lại khu biệt mình với thế giới xung quanh. Dương ở trường hợp thứ hai.
Ở tuổi 30, nông nổi đã qua và chất đàn bà ngày càng rừng rực, lại thêm công việc là diễn viên, lại thêm cái sự xinh đẹp, nổi tiếng và... là mẹ đơn thân, Thùy Dương có quá nhiều cám dỗ ngoài cánh cửa. Thậm chí nếu chỉ cần cô mở miệng cười, không ít đàn ông sẽ xin mở rộng vòng tay và cửa xế hộp tiền tấn để chở che, bảo vệ cho người đẹp. Thế nhưng, vì lẽ mà cô giải thích ở phía trên, nên Dương ít khi cười, nhất là với đàn ông lạ. Dù người đó có là ai đi chăng nữa, cô vẫn khư khư cái sự chảnh của mình: “Không cười cợt, buông lời với người lạ”.
Yêu cả cảm giác... thất tình!
"Điều tôi cần là cảm xúc, tôi không thể sống được với những thứ lờ nhờ, vô dạng”. |
Những tưởng cô cứng cáp, mạnh mẽ y như cái tên của cô, lại thêm cái sự chảnh thì sẽ chẳng có ai nghi ngờ về tuyên ngôn nữ quyền, nếu đó là Dương phát ngôn. Thế nhưng, những người hiểu Dương thì sẽ chỉ cười xòa: “Yếu đuối lắm, dại dột lắm, ngây ngô lắm!”.
Trong cuộc trò chuyện, Dương chẳng cần minh chứng đến sự dại dột, ngây ngô của cô nhưng người nghe cũng hiểu được phần nào sự đáng yêu của một người đàn bà coi vật chất là thứ yếu, tôn thờ những giá trị cảm xúc.
“Em là người rất may mắn, vì luôn có gia đình ở phía sau. Bản thân em cũng không phải là người quá thích tiền, nên điều em cần là cảm xúc. Mà cảm xúc là phải ở level cao nhất, em không thể sống được với những thứ lờ nhờ, vô dạng”.
Thái cực cao nhất mà cô nói đến trong các mối quan hệ, đó là sự tin tưởng, cảm thấy đồng điệu với đối phương. Với Dương, tình yêu thì chỉ cần 1 khoảnh khắc tinh tế là đủ. Người đàn ông theo tiêu chí của cô không phải kiểu "vai năm tấc rộng - thân mười thước cao" mà chỉ đơn giản trong khoảnh khắc gặp gỡ bất chợt, cô thấy "cảm giác của cảm giác" chồng lên nhau như hai tờ giấy cùng một khổ, nó vừa vặn và đủ để con tim cô rung lên. Đó chính là tình yêu.
"Tình yêu là khi cảm giác của cảm giác chồng lên nhau như một tờ giấy cùng khổ, đó gọi là yêu..." |
Bởi tình yêu thì thường không có lĩ lẽ, không có khuôn mẫu nhất định nên tôi chỉ biết lắng nghe tình yêu của Dương theo cách mà cô thích và cô lí tưởng hóa nó. Nói về những người đàn ông đã đi qua đời mình, Thùy Dương luôn kể về họ với những cảm xúc trong trẻo, trân trọng, từ người chồng cũ cho đến cuộc tình gần đây nhất. Vừa kể, vừa cố kìm nén, vừa muốn bung cảm xúc thật sự, nước mắt cô cứ trực trào ra.
Xong, Dương bảo: "Không ai có thể nghĩ là em lại có thể ngớ ngẩn, ngờ ngệch như thế trong tình yêu, nhưng thực sự con người em là như thế. Em đã từng vứt cả sĩ diện của mình để yêu một người con trai, cũng đã từng vì một người muốn kết hôn với em mà em lại lạnh lùng đòi chấm dứt,vì em không tự tin rằng mình có thể mang lại hạnh phúc cho anh ấy, để rồi khi mẹ của anh ấy gặp gỡ em và coi em như một thành viên trong gia đình, nước mắt em không ngừng rơi vì hạnh phúc, vì trân trọng họ như họ đã từng trân trọng em."
"Em là người không thể ngừng yêu và thậm chí em còn yêu cả cảm giác khi thất tình!" |
Nói về những cám dỗ sau cánh cửa, nhất là với một người đàn bà tự do, cô không ngần ngại chia sẻ "Em là người không thể ngừng yêu và thậm chí yêu cả những giây phút đau buồn, tuyệt vọng khi thất tình. Kì lạ (hay ngớ ngẩn) ở chỗ, ai đến với em, em đều nghĩ là họ yêu quý mình mới khổ. Em không bao giờ nghĩ là họ muốn chơi bời và đùa giỡn gì cả.
Mà, giả sử có là như thế thì bản thân em vẫn cho rằng mình là người được lựa chọn. Không ai có thể cám dỗ mình trừ khi mình tình nguyện bị cám dỗ. Nếu mình đã thích, đã chọn thì sau này có đúng hay sai cũng là do mình. Nên em không rụt rè hay e ngại với điều đó. Mà thậm chí, em chính là cám dỗ." (Cười).
Xách đồ cho nghệ sĩ
"Khi lên sân khấu mình có thể là công chúa, bà hoàng nhưng ở ngoài đời mình chỉ là một người bình thường". |
Cứ tưởng nữ diễn viên có dư duy “lập dị” trong tình yêu và “chảnh” ở ngoài đời, lại thêm không quá nặng gánh cơm áo gạo tiền như vậy, sẽ chẳng có lí do gì mà cô “hạ mình” để… xách đồ cho nghệ sĩ khác. Ấy vậy mà, cô làm thật: Trợ lí cho ca sĩ Trần Thu Hà trong các show diễn của diva này ở trong nước.
Khi nói về công việc này, Dương như biến thành một con người khác: Hoạt bát và rạng rỡ, vui vẻ. Tôi tự hỏi cô thấy điều gì hay ho ở việc mình đi xách đồ cho nghệ sĩ, trong khi mình cũng là người nổi tiếng hay sao?
Dương cười: “Đấy! ai cũng nói em như thế. Họ bảo em chảnh thế, có điều kiện thế, sao lại làm trợ lí cho nghệ sĩ khác? Trời ơi! Tại sao lại không? Em đang làm việc một cách nghiêm túc mà, đó là công việc mà em cảm thấy rất thú vị. Thậm chí, em còn đi xe đạp điện ship merchandise (đồ lưu niệm) của chị Hà Trần khắp Hà Nội. Có người biết em là diễn viên thì mắt chữ O, có người không biết thì coi như em đúng là shipper chính hiệu. Nhưng mà chị biết không? Em thấy chẳng có gì gọi là mất mặt, hạ mình cả. Đây là một công việc nghiêm túc như bao công việc khác, và em đang kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình cơ mà, có gì phải ngại?”.
Tôi bỏ lửng: “Dù sao thì em cũng là diễn viên có tiếng?” thì cô ấy tiếp tục: “Chị Hà Trần là một người mà em ngưỡng mộ về cách sống cũng như cách làm việc. Chị ấy không bao giờ coi em là một người xách đồ hay một công việc gì kém cỏi, mà chị ấy luôn coi em là một cộng sự, đối tác, cư xử với em một cách trân trọng, quý mến. Bản thân em học được rất nhiều điều ý nghĩa từ chị ấy.
Khi em đi làm phim, cũng có người chăm sóc hỗ trợ em như vậy, và em cũng đối xử như vậy với cộng sự của em. Cuộc sống cứ đối đãi chân tình, không câu nệ với nhau như vậy có phải vui không nào?”.
Rồi cô bảo: "Khi lên sân khấu mình có thể là công chúa, bà hoàng nhưng ở ngoài đời mình chỉ là một người bình thường, thậm chí bản thân em khi đi làm ở công ty tư vấn em còn thấy mình thiếu sót quá nhiều thứ. Em phải học từ việc đánh word, exel, các công việc của một nhân viên văn phòng, lúc nào cũng phải nâng cao tinh thần cầu thị, nếu không làm được việc này thì ai nhờ gì mình cũng làm. Làm để làm gì? Để nâng cao chuyên môn của mình trong công việc đó, để mình tốt hơn, có ích hơn, xứng đáng với đồng lương họ trả.
Bởi vì, có thể lên sân khấu người ta ngước nhìn mình, nhưng ở công việc mới, mình phải ngước nhìn họ. Sống trên đời, biết mình ở đâu cực kì quan trọng, mình càng nhận ra điều đó sớm, mình càng khôn ra". |
Trời chiều, gió bắt đầu thổi lạnh. Dương bảo cô đi đón cô bạn nhỏ Coca đang học gần đây, hẹn lần sau lại trò chuyện tiếp, mà: "Chị đừng hỏi em về chuyện to tát gì nhé, em chỉ thích nói chuyện yêu thôi!". Cũng phải, phụ nữ nói chuyện yêu một cách lạc quan, ngây ngô và trong trẻo thế kia thì rất đáng yêu và đáng để nghe cô ấy kể chuyện tình yêu...