Bắc Ninh vận hành thí điểm Trung tâm điều hành thành phố thông minh (Video: Nguyễn Trường).
Quá trình triển khai hệ thống có sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh cùng các lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, Bắc Giang, Hà Nam.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (thứ 4 bên phải) và các đại biểu nhấn nút vận hành thử nghiệm chương trình (Ảnh: Nguyễn Trường).
Xây dựng mô hình với 6 lĩnh vực cốt lõi
Theo địa phương này, đề án mô hình thành phố thông minh được triển khai từ năm 2017. Để có cơ sở thực tiễn, Bắc Ninh đã tổ chức nhiều đoàn đi học tập thực tế tại một số thành phố lớn của châu Á, nơi đã triển khai, xây dựng thành công mô hình thành phố thông minh.
Từ đó, địa phương đã lựa chọn, xây dựng mô hình thành phố thông minh với 6 lĩnh vực cốt lõi, gồm: Nền kinh tế thông minh; cư dân thông minh; quản trị thông minh; dịch chuyển thông minh; môi trường thông minh và cuộc sống thông minh gắn với lộ trình triển khai các dự án trọng điểm giai đoạn 2017-2022, tầm nhìn đến 2030.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến, việc vận hành thử nghiệm Trung tâm điều hành thành phố thông minh tỉnh Bắc Ninh là một trong những bước khởi đầu thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về cải cách hành chính, xây dựng thành phố thông minh. Từ đó, phục vụ đắc lực quá trình xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
Một phần giao diện của hệ thống (Ảnh: Nguyễn Trường).
Đến nay, địa phương này đã triển khai được các dự án hợp phần chính của Đề án và Trung tâm dữ liệu thành phố thông minh tỉnh Bắc Ninh chính là dự án nền tảng đầu tiên. Dự án được đầu tư toàn bộ cơ sở hạ tầng vật lý cho trung tâm dữ liệu, hệ thống máy chủ, phần mềm đám mây, hệ thống lưu trữ, kho dữ liệu tập trung, các thiết bị mạng, thiết bị bảo mật.
Việc thực hiện dự án sẽ đáp ứng yêu cầu triển khai các hệ thống công nghệ thông tin tập trung, giúp giảm thiểu các chi phí quản trị, bảo trì, vận hành hệ thống trung tâm dữ liệu cũng như đảm bảo an toàn thông tin. Thông qua việc vận hành thử nghiệm Trung tâm, tỉnh rút ra những kinh nghiệm, vấn đề cần chỉnh sửa, khắc phục để các cơ quan chức năng phối hợp hoàn thiện.
Đột phá để phục vụ người dân và doanh nghiệp
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đề nghị các cán bộ tỉnh Bắc Ninh và đại diện AIC Group (Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế - đơn vị thiết kế và xây dựng hệ thống) thực hiện.vận hành thử hàng loạt các “đề bài” để tìm “lời giải” mà một người lãnh đạo cần.
Giới thiệu tại buổi lễ, đại diện AIC Group cho biết, trung tâm điều hành gồm 17 hợp phần cho phép thống nhất về mặt thông tin, dữ liệu giúp lãnh đạo các cấp nắm bắt mọi luồng dư luận, thông tin để kịp thời đưa ra các ứng xử phù hợp.
Tiến sỹ, Viện sỹ Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC Group giới thiệu hệ thống vận hành (Ảnh: Nguyễn Trường).
Bên cạnh đó, thông qua ứng dụng di động từ trung tâm, người dân, doanh nghiệp cũng có thể thông báo với các ngành chức năng những vấn đề cấp thiết cần giải quyết, khắc phục hoặc đề đạt kiến nghị đến chính quyền các cấp.
Cuối buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tiến Nhường trình diễn tính năng tổng hợp các văn bản đi và đến; camera hiện trường, báo cáo kinh tế - xã hội… thông qua trung tâm điều hành.
Sau sự kiện ra mắt vận hành thử nghiệm, ông Nhường yêu cầu các ban ngành có liên quan tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho trung tâm điều hành. “Đề nghị Công ty AIC bố trí các chuyên gia có kinh nghiệm, năng lực tổ chức hướng dẫn các đơn vị của tỉnh tiếp cận công nghệ mới để phát huy hiệu quả cao nhất” - ông Nhường nói.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh cũng mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ lựa chọn Bắc Ninh thí điểm trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành, địa phương.
"Tỉnh Bắc Ninh tin tưởng đây sẽ là bước đột phá để phục vụ ngày càng tốt cho nhân dân và doanh nghiệp" - lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.
Trung tâm điều hành - “bộ não số” của Bắc Ninh
Trung tâm điều hành thành phố thông minh được coi như là “bộ não số” của tỉnh Bắc Ninh, tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có, cùng với các phần mềm sẽ được đầu tư thêm, tạo ra một cái nhìn toàn cảnh về tỉnh này trên mọi lĩnh vực đời sống về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục.
Trung tâm này có gần 1.100 chỉ số thống kê ở tất cả các lĩnh vực như: Giáo dục, y tế, giao thông, lao động thương binh và xã hội, tài chính, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, khoa học công nghệ, hành chính công…
Từ trung tâm này, giai đoạn 1 kết nối với 300 camera trong thành phố Bắc Ninh và tiến tới là kết nối toàn bộ camera toàn tỉnh; có 30 trạm quan trắc khí và nước; 328.135 điểm trên bản đồ GIS; 30 hệ thống phần mềm và ứng dụng trên Mobile…
Được biết, nhằm thực hiện kết nối các hệ thống mạng máy tính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn với trung tâm, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai xây dựng hệ thống mạng WAN nội tỉnh, kết nối 162 cơ quan, đơn vị.