Từ một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, gương mặt của Lê Thị Lan Vy, 24 tuổi ở Đà Nẵng đã bị huỷ hoại sau khi bị chồng sắp cưới là thiếu úy PCCC Nguyễn Trương Nam Hải tạt axit vào đúng ngày 1/1/2019.
Hình ảnh xinh đẹp của Lan Vy trước khi bị tạt axit.
Bị tạt chai axit 750ml lên người, Lan Vy quằn quại đau đớn. Những người xung quanh cũng hoảng loạn không biết cách sơ cứu nên chỉ dội nước cho Vy qua loa rồi đưa đến BV cấp cứu.
Khi đến BV, một nửa mặt trái của Vy đen xì, cháy xém, mắt trái không thể mở, chân tay cũng loang lổ vết bỏng axit.
Từ đây, cô gái trẻ trải qua những tháng ngày đau đớn nhất cuộc đời khi axit ngấm sâu vào cơ thể, đến đâu thối thịt đến đó. Suốt nhiều ngày, Vy không thể nhắm được mắt phải, lại thêm đau đớn thấu xương nên Vy thường xuyên phải xin thêm thuốc giảm đau.
Vì quá thương con gái, sợ cô sốc rồi nghĩ quẩn khi thấy diện mạo mình nên gia đình đã cất giấu hết gương, điện thoại. Dù vậy, trong đầu Vy luôn nghĩ, sau khi chữa lành vết bỏng sẽ lên chùa đi tu.
Sau khi sơ cứu tại BV đa khoa Đà Nẵng, Vy được chuyển ra khoa Bỏng người lớn của Viện Bỏng quốc gia, Hà Nội để điều trị.
Axit dính tới đâu, da bị ăn mòn tới đó. Một nửa khuôn mặt của Lan Vy đã bị hoại tử
Trong lúc Vy đi dọc hành lang tìm hỏi mua thuốc chống sẹo với hi vọng mong manh có thể giúp mờ bớt các vết thương, Vy tình cờ gặp PGS.TS Vũ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mĩ, Viện Bỏng Quốc gia.
Thấy cô gái trẻ bị tím đen nửa mặt, PGS Vinh chỉ hỏi đang điều trị ở đâu, sao lại đi lên đây, rồi động viên Vy quay lại khoa Bỏng người lớn điều trị tiếp, cắt lọc hết tổn thương và đợi ổn định thêm 4-6 tháng sẽ được ghép da, tái tạo lại khuôn mặt.
Đây là qui trình chuẩn nhiều năm nay. Tuy nhiên đi được 10 m, PGS Vinh đột ngột dừng lại, nghĩ tại sao không phẫu thuật luôn cho cô gái này. PGS Vinh quay lại gặp Vy hỏi: “Cháu có muốn phẫu thuật luôn không sẽ giúp khuôn mặt không bị co rút?”. Không chút chần chừ, Lan Vy gật đầu đồng ý.
Từ ý nghĩ loé lên trong đầu, PGS Vinh đề đạt với Ban giám đốc BV triển khai. Câu hỏi đầu tiên, lãnh đạo hỏi: Phẫu thuật ngay khi vừa bị bỏng như vậy có an toàn không?
PGS Vinh cho biết, an toàn nhất thì phải đợi bệnh nhân điều trị lành sẹo rồi mới tái tạo, tuy nhiên lúc này các sẹo đã co kéo làm lệch mặt, mũi, miệng, các cơ cũng co cứng khiến khuôn mặt gần như bị phá hủy hoàn toàn, khó ăn, khó nói. Hầu hết các trường hợp cũng bị axit ăn mòn mất mũi, mắt không thể khép khiến bệnh nhân rất ám ảnh.
PGS Vinh kiểm tra các vết sẹo trên mặt Lan Vy sau phẫu thuật. (Ảnh: T.Hạnh)
Nếu phẫu thuật ngay lập tức như trường hợp của Lan Vy, biến dạng sau này rất ít, khuôn mặt sẽ trở về hình dáng gần như trước kia, đồng thời rút ngắn được rất nhiều các cuộc mổ giúp bệnh nhân giảm stress.
Tuy nhiên đổi lại, bác sĩ sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khác như: Không lường hết mức độ tổn thương do độ nông sâu tại mỗi vị trí khác nhau, nếu không vét sạch sẽ gây nhiễm trùng, vùng da ghép nên sẽ bị hoại tử mạch máu và thất bại...
Sau khi cân nhắc rất kĩ, ngày 8/1, Lan Vy được PGS Vinh cùng ekip phẫu thuật tái tạo lại khôn mặt bằng kĩ thuật dùng vạt da siêu mỏng 2 cuống tự do vùng lưng để tái tạo khuôn mặt.
Khoảng 6 bác sĩ chia thành 2 ekip, 1 kíp lấy vạt da lớn hơn 2 bàn tay ở lưng gồm 2 cuống mạch nuôi để phẫu tích cho mỏng, kíp còn lại nạo bỏ toàn bộ tổn thương, lấy hết phần hoại tử trên mặt. Sau đó bác sĩ sẽ nối mạch nuôi ở lưng với động mạch ở thái dương dưới kính hiển vi do kích cỡ mạch rất nhỏ, chỉ khoảng 1 mm.
Ca mổ căng thẳng kéo dài suốt 8 tiếng. Sau mổ 2 ngày đã thấy mảng da ghép hồng hào và hơn 1 tuần sau đã bám sống tốt trên mặt.
Sau đó Vy đã trải qua thêm 3 cuộc mổ khác nữa. PGS Vinh cho biết, sắp tới Vy sẽ chỉ phải trải qua 1-2 cuộc mổ nữa để khuôn mặt hoàn hảo hơn. Cuộc mổ gần nhất, bác sĩ sẽ hút bớt mỡ bên nửa mặt mới ghép để giúp 2 bên cân đối, sau đó sẽ chỉnh sửa lại đường sẹo ghép bằng cách cắt gọt, dùng silicone gel, chiếu xạ nông để vết sẹo nhỏ và phẳng dần.
“Với khuôn mặt của Vy, sau khi chỉnh sửa hoàn thiện có thể phục hồi 90-95% diện mạo ban đầu”, PGS Vinh khẳng định.
Phần da ghép lên đã sống tốt, có màu sắc và hình dáng khá tương thích với bên còn lại. Thời gian tới, Vy sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, cắt gọt thêm để gương mặt thêm hoàn toàn, phục hồi 95% so với diện mạo ban đầu. (Ảnh: T.Hạnh)
PGS Vinh cho biết, kĩ thuật dùng vạt da lưng siêu mỏng gồm 2 cuống tự do (lấy cùng lúc mảng lớn ở 2 bên lưng) để tái tạo khuôn mặt cho các bệnh nhân bỏng được ông cùng thầy của mình nghiên cứu khi học TS ở Nhật Bản.
Trong giai đoạn 2012 -2014, PGS Vinh tiếp tục phát triển đề tài này thành đề tài cấp nhà nước, được vinh danh là một trong những thành tựu nổi bật của ngành y tế. Hiện nay, trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào triển khai kĩ thuật này.
Tại Viện Bỏng quốc gia, đã có khoảng 30 bệnh nhân bị bỏng nặng được PGS Vinh tái tạo lại khuôn mặt bằng kĩ thuật nói trên. Tuy nhiên Lan Vy là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam được phẫu thuật ngay khi mới bị bỏng.
Từ đây sẽ mở ra cơ hội cho rất nhiều bệnh nhân khác. Thông thường, nếu đợi điều trị lành bỏng mới tái tạo, người bệnh sẽ phải trải qua tối thiểu 20 cuộc phẫu thuật, nhưng nếu ghép da ngay khi vừa bị bỏng như của Lan Vy, chỉ cần trải qua 4-6 cuộc.
Cách sơ cứu khi bị bỏng hoá chấtPGS Vinh cho biết, bỏng hoá chất khác với các loại bỏng khác, đi đến đâu, hoá chất làm vón cục protein đến đó, ăn sâu xuống da, phá hủy da, gân, mỡ, sụn... nên vết thương thường khô đen, trong khi bỏng lửa, nước hay chảy dịch. Qua trường hợp của Lan Vy, PGS Vinh cũng khuyến cáo, với các trường hợp bỏng hoá chất, cách sơ cứu tốt nhất là để vết thương dưới vòi nước lạnh, xối liên tục từ 30 phút - 1 tiếng để hạn chế hoá chất ngấm sâu vào da. Sau đó khi đến BV, bác sĩ sẽ dùng giấy quì để xem hoá chất là axit hay bazơ, từ đó dùng hoá chất đối kháng để trung hoà. Sau khi rửa sạch vết thương, bác sĩ sẽ tiếp tục dùng giấy quì tím để kiểm tra lại lần nữa trước khi tiến hành các bước điều trị tiếp theo. |