Thị xã Phú Thọ thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc, là nơi tiếp giáp giữa đồng bằng sông Hồng và vùng đồi núi, trung du, có vị trí địa lý: Phía đông và phía bắc giáp huyện Phù Ninh, phía tây giáp huyện Thanh Ba, phía nam giáp huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao.
Thị xã Phú Thọ cách thành phố Việt Trì 30 km, cách Sân bay quốc tế Nội Bài 80km, cách trung tâm thành phố Hải Phòng 190km, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 90km về phía Tây Bắc và cách cửa khẩu quốc tế Lào Cai 200 km.
Thị xã Phú Thọ có diện tích 64,6 km², hiện có 9 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 4 phường: Âu Cơ, Hùng Vương, Phong Châu, Thanh Vinh và 5 xã: Hà Lộc, Hà Thạch, Phú Hộ, Thanh Minh, Văn Lung.
Về quy hoạch, UBND tỉnh Phú Thọ đã công khai báo cáo thuyết minh quy hoạch sử dụng đất thị xã Phú Thọ - tỉnh Phú Thọ đến năm 2030. Quy hoạch này vẫn có giá trị cho tới khi quy hoạch mới được lập, công bố trong thời gian tới.
Theo quy hoạch thị xã Phú Thọ được phát triển theo tính chất: Là đô thị trung tâm của tỉnh không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, chính trị, xã hội mà còn có khả năng phát triển thành trung tâm về khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ. Điều này sẽ giúp thị xã có thể chủ động khai thác các lợi thế hiện có để phát triển.
Theo định hướng phát sử dụng đất theo khu chức năng, thị xã Phú Thọ được quy hoạch cụ thể như sau:
Đất đô thị: Định hướng đến năm 2030 Phú Thọ đạt đô thị loại II; trở thành thành phố trực thuộc tỉnh; là trung tâm hành chính, chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội - thương mại dịch vụ của tỉnh.
Đất đô thị quy hoạch đến năm 2030 gồm toàn bộ ranh giới 4 phường (Âu Cơ, Phong Châu, Hùng Vương, Thanh Vinh) và định hướng nâng cấp 2 xã (Thanh Minh, Văn Lung) lên thành phường. Gồm các phân khu chính như: Khu trung tâm hành chính, chính trị; khu trung tâm thương mại; khu trung tâm văn hóa hóa thể thao và cây xanh; khu công trình công cộng; khu đô thị;...
Khu sản xuất nông nghiệp (khu vực chuyên trồng lúa nước, khu vực chuyên trồng cây công nghiệp lâu năm): Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, đa dạng về sản phẩm, tập trung chủ yếu các sản phẩm mũi nhọn, như: lúa chất lượng cao, chè, cây ăn quả nhằm nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa trên địa bàn thị xã.
Mở rộng diện tích lúa lai, lúa chất lượng cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung, thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học, đưa cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ giảm tối đa chi phí sản xuất, vật tư nông nghiệp; sản xuất theo hướng an toàn, GAP, hữu cơ. Hình thành vùng sản xuất tập trung vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Hà Thạch.
Sản xuất chè đến 2030 theo hướng duy trì, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Sản xuất chế biến chè gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Phú Hộ.
Tính toán, cân đối chuyển mục đích những khu vực canh tác có hiệu quả sản xuất, kinh tế thấp sang đất phi nông nghiệp. Duy trì, bảo vệ, thâm canh ở những khu vực canh tác có hiệu quả cao để cung cấp và đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm.
Khu lâm nghiệp: Công tác trồng rừng, khai thác và bảo vệ rừng ở những khu vực rừng sản xuất cần được thực hiện đồng bộ. Kết hợp với việc sử dụng những loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, có kỹ thuật trồng xen, trồng dưới tán cây rừng để khai thác tối đa hiệu quả.
Khu phát triển công nghiệp: Định hướng sử dụng đất ở những khu vực đảm bảo về giao thông, địa hình, môi trường sinh thái. Khu phát triển công nghiệp gồm cụm công nghiệp, khu công nghiệp. Tránh việc sử dụng đất phát triển công nghiệp lấy vào quỹ đất nông nghiệp đang sử dụng hiệu quả và quỹ đất dân cư đang định cư ổn định.
Phát triển công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, gắn với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã quy hoạch nhằm thu hút một bộ phận lao động phi nông nghiệp và lao động nông nghiệp lúc nông nhàn, lao động thiếu đất sản xuất vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng.
Tập trung phát triển nhanh hơn một số ngành, sản phẩm chủ lực mà địa phương có lợi thế như: Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng,...
Đến năm 2030 khu phát triển công nghiệp trên địa bàn thị xã Phú Thọ bao gồm: Khu công nghiệp Phú Hà 450 ha; cụm công nghiệp Phú Hộ 75,0 ha; cụm công nghiệp Thanh Minh 24,23 ha và hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ cụm công nghiệp Bắc Lâm Thao.
Khu thương mại - dịch vụ: Đến năm 2030, khu thương mại - dịch vụ trên địa bàn toàn thị xã được xác định là những khu vực được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ, các trung tâm thương mại các loại hình dịch vụ phụ trợ của khu, cụm công nghiệp.
Thương mại dịch vụ là ngành có những tiềm năng và lợi thế của thị xã, vì vậy trong những năm tới, hoạt động thương mại cần phải được chú trọng đầu tư phát triển. Dịch vụ thương mại cần tập trung vào mở rộng giao lưu hàng hoá.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, sẽ tiếp tục mở rộng các cơ sở dịch vụ thương mại đến tận các khu dân cư; xây dựng các cơ sở kinh doanh thương mại phục vụ nhu cầu tại chỗ của nhân dân.
Khu đô thị (trong đó có khu đô thị mới): bao gồm các dự án khu đô thị mới, được đầu tư xây dựng mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở.
Tổ chức không gian đô thị được hình thành trên tuyến chính, các điểm nhấn đô thị được hình thành chủ yếu tại các nút giao đô thị. Kiến trúc nhà ở vừa đảm bảo công năng, vừa đảm bảo vẻ mỹ quan đô thị khi phối hợp với công trình phục vụ công cộng trên các trục phố chính.
Khu dân cư nông thôn: Định hướng phát triển các khu dân cư theo hướng đồng bộ cơ sở hạ tầng, xây dựng cải tạo các thiết chế văn hóa, thể thao và các công trình công cộng, các công trình phúc lợi; góp phần nâng cao sự thuận tiện cho sản xuất và sinh hoạt của dân cư. Phát huy các yếu tố truyền thống gắn với văn hóa dân tộc; bảo tồn các giá trị lịch sử văn hoá.
Khu ở, làng nghề, sản xuất phi nông nghiệp nông thôn: Định hướng sử dụng đất ở những khu vực này cần được tính toán để đảm bảo tính liên kết trong chuỗi sản xuất hàng hóa và nguồn chất thải được xử lý khi thải ra môi trường. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi với việc thuê mặt bằng để các làng nghề khu sản xuất phi nông nghiệp có thể mở rộng sản xuất, chuyển dần quy mô hộ gia đình sang mô hình doanh nghiệp.
Tập trung đầu tư, khuyến khích phát triển các làng nghề: Làng nghề bánh, bún Hà Thạch; làng nghề trồng hoa đào Long Ân; làng nghề trồng rau an toàn Phú Lợi; làng nghề trồng hoa đào Hồng Vân; làng nghề sản xuất và chế biến chè Phú Thịnh.
Dưới đây là quy hoạch sử dụng đất thị xã Phú Thọ thể hiện trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất năm 2030 thị xã Phú Thọ - tỉnh Phú Thọ:
- Xem thêm: Cập nhật toàn bộ bản đồ quy hoạch sử dụng đất thị xã Phú Thọ TẠI ĐÂY.