Sáng 10/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật, trong đó có Luật Đầu tư công.
Nêu quan điểm về khung pháp luật đối với hoạt động đầu tư công, đại biểu đoàn TP HCM Trần Kim Yến cho rằng bên cạnh những điểm tiến bộ về việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cho các cấp chính quyền địa phương, thực tế cho thấy vẫn còn một số quy định cần phải được tiếp tục xem xét, sửa đổi, bổ sung nhằm đạt được tính khả thi cao trong quá trình áp dụng pháp luật
Theo bà Yến, trong một số trường hợp, HĐND cấp huyện, đặc biệt là cấp xã không đủ năng lực để quyết định chủ trương đầu tư, nhưng pháp Luật Đầu tư công hiện hành chưa có quy định nào để tạo điều kiện cho HĐND có thể báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp trên quyết định chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, việc phân cấp thẩm quyền cho chính quyền cấp xã được quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B cũng khó có khả năng triển khai trên thực tế.
"Qua khảo sát ở các phường, xã trên địa bàn TP HCM, rất ít trường hợp ngân sách cấp xã có thể đủ để bố trí vốn đầu tư vào dự án nhóm B, mà chủ yếu tập trung vào dự án nhóm C. Trong khi đó, năng lực của HĐND, UBND cấp xã trong nhiều trường hợp không đủ để thực hiện các bước thẩm định, báo cáo, đề xuất chủ trương đầu tư do chính quyền cấp xã không có các cơ quan chuyên môn như ở cấp tỉnh, huyện. Các nhiệm vụ ở cấp xã được thực hiện chủ yếu thông qua đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, trong đó lĩnh vực đầu tư công được giao cho công chức địa chính, xây dựng hay tài chính, kế toán thực hiện." nữ đại biểu nêu quan điểm.
Những quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 trong phân cấp thẩm quyền của UBND cấp xã chưa phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương dẫn đến thiếu tính khả thi, khó triển khai trên thực tế.
Để công tác thực thi pháp luật đạt hiệu quả, đại biểu cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về pháp luật đầu tư công, trong đó quan tâm đến yếu tố quy định về cơ cấu, tổ chức của UBND cấp xã cũng như năng lực thực tiễn của đội ngũ công chức cấp xã trong việc đáp ứng được phân cấp thẩm quyền trong lĩnh vực đầu tư công. Đây là lĩnh vực sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, đòi hỏi hiệu quả và khả thi cao.
"Do đó, đối với quy định phân cấp thẩm quyền của cấp xã, pháp luật đầu tư công nên bổ sung quy định về giá trị vốn đầu tư công nhóm B và nhóm C khi phân cấp thẩm quyền đối với cấp xã", bà Kim Yến đề nghị.
Dẫn ví dụ hiện nay TP HCM và một số tỉnh, thành đang thực hiện chính quyền đô thị và không tổ chức HĐND cấp quận và phường. Như vậy, việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư công nhóm B, C có sử dụng các nguồn vốn trên cần tính toán đến tính khả thi và phù hợp với quy định này, đặc biệt là sự phù hợp, khả thi đối với cấp huyện và cấp xã.
Do đó, đại biểu Kim Yến đề nghị Quốc hội xem xét và rà soát thêm các quy định liên quan đến thẩm quyền của cấp huyện và cấp xã khi sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện khả thi và phù hợp với tình hình thực tiễn ở các địa phương.
Cũng quan tâm tới nội dung phân cấp thẩm quyền cho địa phương, đại biểu đoàn Long An Phan Thị Mỹ Dung cho biết theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư công, dự án giải phóng mặt bằng chỉ được tách riêng khi làm dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A.
Tuy nhiên, thực tiễn ở địa phương có nhiều dự án có quy mô thuộc nhóm B, nhóm C nhưng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng phức tạp cần phải tách riêng. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng để thuận lợi cho công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án và khi phân bổ vốn sẽ triển khai thực hiện dự án được ngay vì có sẵn đất sạch, như vậy việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ nhanh hơn.
Ngoài ra, còn các dự án đặc thù phải thực hiện giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch theo yêu cầu của Trung ương hỗ trợ nguồn vốn đầu tư nên phải thực hiện dự án giải phóng mặt bằng riêng lẻ.
Vì vậy, nữ đại biểu cho rằng với phương án trên, địa phương sẽ chủ động, linh hoạt hơn trong việc triển khai thực hiện dự án, đẩy nhanh giải ngân tiến độ đầu tư công.