Bạo hành trẻ mầm non: Camera theo dõi không thể ngăn chặn triệt để

Chuyên gia tâm lý cho rằng, camera chỉ là phương tiện khiến các bậc phụ huynh tạm yên tâm khi nhìn thấy mọi hoạt động của con ở trường chứ không ngăn chặn triệt để nạn bạo lực với trẻ.

Theo tin tức trên báo Infonet, vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện 2 clip dài 3 phút ghi lại cảnh giáo viên mầm non liên tiếp đổ sữa vào miệng khi trẻ uống sữa chậm. Thậm chí, khi sữa vương ra miệng cô còn dung khăn lau đầy thô bạo khiến miệng trẻ bị xước.

Đó là chưa kể, trong lúc các con ngủ, cô còn dùng chân đá mạnh khi có bạn học sinh nằm chưa đúng vị trí.

Ngay sau khi xuất hiện, clip này đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Chị Nguyễn Hoàng Yến (Hà Đông) cho hay: “Khi xem clip mà bức xúc quá, là cô giáo mầm non đầu tiên là phải yêu thương, nâng niu trẻ. Không thể dùng hành động thô bạo như cô giáo trong clip được”.

Theo xác minh của PV báo Infonet, trường có cô giáo là trường Mầm non Cầu Vồng (phường Dương Nội – quận Hà Đông – Hà Nội). Chia sẻ với PV, chị N.T.H - mẹ của bé D.H.T (xuất hiện trong clip) cho hay: “Con nhà chị được 25 tháng tuổi, học ở lớp mẫu giáo bé (cho trẻ 2 tuổi) tại trường Mầm non Cầu Vồng. Lớp mẫu giáo bé chỉ có hơn 10 học sinh và có hai cô giáo.

Vào thứ 2 (ngày 31/10) do lớp mẫu giáo bé ít học sinh đi học nên cô giáo dồn lớp mẫu giáo bé học với lớp mẫu giáo lớn trong đó có con gái chị.

Do học lớp bé nên con chị ăn chậm hơn so với các anh chị trong lớp nên cô giáo cáu. Bé Bông nhà chị uống sữa cũng chậm, lúc đầu bé tự uống nhưng vì quá chậm nên cô giáo kéo ra và cho con uống sữa.

Tuy nhiên, điều khiến chị không hài lòng là cô giáo thiếu kiên nhẫn trong việc chăm sóc các con. Cô cho con uống nữa mà vật ngửa đầu con ra đổ sữa liên tiếp vào miệng con, bắt con ăn dồn dập. Sữa vương ra miệng con mà cô dùng khăn lau quá thô bạo và ngấu nghiến tới mức tối về miệng con xước ra và nổi vẩn đỏ.

Ngay cả khi ngủ, có bạn nằm không đúng vị trí thì cô nên bế và đặt cho con nằm đúng vị trí thay vì dung chân đá vào người con quay hẳn sang một bên khi con đang ngủ. Thiết nghĩ, cô giáo quá cục cằn ngay cả tình yêu và sự kiên nhẫn với trẻ mà cô còn không có thì cô không nên làm giáo viên mầm non. Hiện tại chị đã cho con nghỉ học tại lớp học này”.

Cô giáo liên tục đổ sữa vào miệng trẻ.

Báo Dân Trí đưa tin, cứ một thời gian, dư luận lại xôn xao khi vụ việc giáo viên mầm non bạo hành trẻ được đưa ra ánh sáng. Nhiều giáo viên bị kỷ luật, đình chỉ… và cũng không ít trường hợp giáo viên mang án tù vì hành vi bạo hành trẻ.

Năm 2011, cô giáo Trần Thị Xuân N., khi đó theo dạy tại trường MN Hoa Lan (Tân Phú, TPHCM) nhận phạt 4 năm tù vì hành vi phạm tội bạo hành trẻ em. Cô N. nhốt bé 4 tuổi vào cầu thang máy để vận chuyển thức ăn rồi ấn nút cho thang máy chạy làm cháu bị thương tích nặng, phải cấp cứu.

Năm 2013, sự việc bạo hành trẻ dã man tại nhà trẻ Phương Anh (Q. Thủ Đức, TPHCM) gây chấn động dư luận cả nước. Clip ghi lại hình ảnh hai giáo viên giữ trẻ tát bôp bốp, bóp cổ, dốc đầu… những đứa trẻ 3 - 4 tuổi làm người xem co thắt tim.

Chủ nhóm lớp Lê Thị Đông Phương và bảo mẫu Nguyên Lê Thiên Lý cùng lãnh án 3 năm tù. Còn những tổn thương về thể xác lẫn tinh thần những đứa trẻ bị chính cô giáo bạo hành không thể nào đong đếm được, có thể dai dẳng suốt cả cuộc đời.

Với những án phạt đó thêm sự phẫn nộ của dư luận là lời cảnh báo cho các cô giáo mầm non khi chăm sóc trẻ nhỏ. Nhưng phài nhìn nhận một thực tế, chính các cô biết rõ cảnh tù tội, kỷ luật của đồng nghiệp nhưng vẫn không thể tránh được vết xe đổ?

Hiển nhiên, phải thừa nhận khi thiếu tấm lòng của một con người, chưa nói là người mẹ hiền thứ hai mới có thể nhẫn tâm ra tay bạo hành, đánh đập những đứa trẻ chưa có khả năng tự vệ. Bất kể vì lý do gì thì những hành vi bạo hành trẻ là không thể bao biện được và cần phải lên án.

Sau mỗi vụ việc đau lòng xảy ra, dư luận lại “nhắc nhở” về cái tâm của người giữ trẻ. Lên án nhiều, bàn luận nhiều, đánh động nhiều, các biện pháp như lắp camera theo dõi rồi việc xử phạt như tù tội, kỷ luật cũng dùng đến… nhưng dường như vẫn không phát huy tác dụng. Những vụ bạo hành ở nhà trẻ với nhiều mức độ khác nhau vẫn liên tiếp xảy ra làm bức xúc dư luận.

Đã có những cô giáo mầm non phải đứng trước vành móng ngựa vì bạo hành trẻ. Ảnh: Dân Trí.

Liên quan đến sự việc trên, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty tâm lý An Việt Sơn cho hay, bạo lực học đường, nhất là bạo lực với trẻ mầm non ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý và sự phát triển trí tuệ của các con.

Bị cô giáo dùng bạo lực khiến các con trở nên tự ti, sợ hãi khi làm tất cả mọi việc khiến tài năng của các con bị thui chột. Nếu bạo lực kéo dài ảnh hưởng tới phát triển tính cách, khiến các con không dám làm chủ bản thân, có ý tưởng nhưng không dám thực hiện vì sợ bị phạt.

Hơn thế, khi các con chứng kiến cảnh cô giáo dùng bạo lực với bạn cùng lớp các con sẽ hình thành suy nghĩ “xử lý sự việc bằng bạo lực”. Điều này cực kì nguy hại với bản thân các con và ảnh hưởng lớn tới xã hội.

Hiện nay, tại các trường mầm non đã sử dụng hệ thống camera giám sát cách chăm sóc và nuôi dạy trẻ của các cô giáo. Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, camera chỉ là phương tiện khiến các bậc phụ huynh tạm yên tâm khi nhìn thấy mọi hoạt động của con ở trường chứ không ngăn chặn triệt để nạn bạo lực với trẻ.

Bởi lẽ, các cô giáo là người có thể nắm rõ được vị trí và góc quay của camera tới chỗ nào là hết. Nếu không kiềm chế được bản thân, các cô hoàn toàn có thể đưa con ra “góc khuất” của camera để dọa nạt, để dùng bạo lực nếu các con không nghe lời.

Nguyên nhân sâu xa của những vụ bạo hành là do các cô chưa thực sự có tình thương yêu từ tận trái tim đối với trẻ. Tuổi mầm non là lứa tuổi khó làm chủ được hành vi của bản thân. Vì thế trẻ tè dầm, hay khóc hay lười ăn là chuyện quá bình thường. Một giáo viên mầm non thành công phải là người biết sử dụng những kĩ năng sư phạm để các con biết nghe lời chứ không phải dùng bạo lực.

Trước vấn đề trên, TS. Phạm Thị Ly - chuyên gia quản lí giáo dục, giám đốc chương trình nghiên cứu – Viện đào tạo Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. HCM cho hay, lắp camera để theo dõi hay trừng phạt các cô giáo phạm lỗi, kể cả sa thải họ, đều chỉ là giải pháp tức thời, giống như dán băng cứu thương lên một vết thương nghiêm trọng, nó không giải quyết được tận gốc vấn đề.

Chuyện bạo hành xảy ra trong các nhà trẻ thể hiện một cái gì đó sâu xa hơn, một sự vỡ vụn về giá trị sống và niềm tin vào những giá trị đó. Nó phản ánh những bức xúc không có chỗ trút xuống, và trẻ thơ không có khả năng tự vệ trở thành nơi “lãnh đủ”.

Vì vậy, kết án các cô hay kể cả kết án các nhà quản lý giáo dục rất dễ, nhưng để sửa chuyện đó tận gốc thì khó hơn. Bởi lẽ, môi trường xã hội có trong sạch hay không, mỗi chúng ta đều gánh một phần trách nhiệm.

Giải quyết bạo lực theo trường hợp một không phải là cách giải quyết lâu bền, nhất là những vấn đề có nguồn gốc từ giá trị đạo đức. Bạo lực học đường giữa học sinh với nhau, giữa cô giữ trẻ và trẻ mầm non, là những vấn đề mà chúng ta phải cùng nhau giải quyết thay vì nhằm vào xử lý hiện tượng.

Có lẽ thế, chừng nào xã hội thay đổi cách nghĩ, mỗi người đều bắt tay vào làm một cái gì đó thay cho kết án người khác, thì chúng ta mới có hy vọng thay đổi thực trạng này.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.