Sau Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa đang trở thành điểm đến của làn sóng đầu tư mới trên thị trường bất động sản. Cách đây chưa đến 10 năm, cơ sở hạ tầng của địa phương này còn hạn chế, du lịch vắng khách, phát triển theo mùa vụ,... thì nay diện mạo ấy đã thay đổi, đặc biệt về hạ tầng giao thông và phát triển đô thị.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng huy động vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh đạt 610.000 tỷ đồng, riêng năm 2020 đạt 135.000 tỷ đồng. Con số này cao nhất trong các tỉnh Bắc Trung bộ và đứng thứ 5 cả nước.
Từ nguồn vốn này, tỉnh tập trung đầu tư các công trình hạ tầng giao thông lớn, có tính kết nối liên vùng, kết nối các trung tâm kinh tế của tỉnh.
Gần 35.000 tỷ đồng là tổng vốn đầu tư của hơn 40 dự án giao thông dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 tại tỉnh Thanh Hóa. Các công trình giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại sẽ là "cú hích" cho địa phương này đến gần hơn với mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới trong tứ giác phát triển khu vực phía Bắc.
Năm 2020, với việc liên tiếp hai dự án lớn được khởi công gồm đường cao tốc Bắc – Nam, đoạn Mai Sơn – quốc lộ 45 nối hai tỉnh Ninh Bình – Thanh Hóa và đường từ trung tâm TP Thanh Hóa nối với đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi KKT Nghi Sơn, Thanh Hóa đã có bước khởi đầu đầy hứa hẹn để thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông.
Đến thời điểm này, tuyến đường 35 km nối TP Thanh Hóa với Cảng hàng không Thọ Xuân đang dần thành hình. Dự kiến, công trình với 6 làn xe này sẽ hoàn thành đi vào khai thác vào tháng 10/2022, giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển từ TP Thanh Hóa đến sân bay Thọ Xuân và ngược lại xuống dưới một giờ đồng hồ.
Ngoài ra, tuyến đường sẽ tạo thành trục cảnh quan đô thị cho việc phát triển mở rộng TP Thanh Hóa về phía tây, đồng thời là trục kết nối TP Thanh Hóa với tuyến cao tốc Bắc Nam.
Cùng với đó, Thanh Hóa sẽ triển khai thi công nhiều công trình giao thông trọng điểm, vốn đầu tư lớn có thể kể đến như đường từ quốc lộ 1A đến điểm đầu tuyến đường Đông Tây 4 đi cảng Nghi Sơn có tổng mức đầu tư hơn 1.479 tỷ đồng; đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với KKT Nghi Sơn (giai đoạn 1) 1.479 tỷ đồng; dự án Đại lộ Đông – Tây TP Thanh Hóa, đoạn từ thị trấn Rừng Thông đến quốc lộ 1A hơn gần 1.300 tỷ đồng.
Địa phương này còn có hai dự án nghìn tỷ khác dự kiến khởi công trong năm nay gồm tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa – Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương – Tĩnh Gia khoảng 3.400 tỷ đồng và tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn – Hoằng Hóa với tổng mức đầu tư 2.242 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong giai đoạn đến năm 2025, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đã khởi công và đang thực hiện, tỉnh Thanh Hóa sẽ ưu tiên đầu tư các công trình khác như đường nối quốc lộ 1 với quốc lộ 45 từ xã Hoàng Kim, huyện Hoàng Hóa đến xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa (khoảng 1.100 tỷ đồng); đường giao thông từ KCN Bỉm Sơn đến đường ven biển (900 tỷ đồng); đường nối TP Thanh Hóa với các huyện phía tây (4.000 tỷ đồng); tuyến đường vành đai 3 nhánh đông đoạn từ huyện Hoằng Hóa đến huyện Quảng Xương (3.300 tỷ đồng),…
Trong thời gian tới, khi cao tốc Bắc – Nam, đoạn Thanh Hóa – Ninh Bình đi vào hoạt động, quãng đường di chuyển từ TP Thanh Hóa hay Sầm Sơn tới Hà Nội chỉ mất chưa tới hai giờ đồng hồ. Đây được xem là sợi dây thu hẹp khoảng cách giữa Thanh Hóa với đầu tàu kinh tế khu vực phía Bắc, mở ra dư địa phát triển mạnh mẽ cho 'xứ Thanh'.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Thanh Hóa cũng đã xác định phát triển hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Trong chương trình chia sẻ trực tuyến "Bất động sản Thanh Hóa sẽ nhân bản dòng tiền đầu tư?", được tổ chức vào tối ngày 18/9, ông Lê Anh Đức, Phó Trưởng ban Chiến lược Phát triển vùng, Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ rằng Thanh Hóa là điểm xoay kết thúc vùng Tây Bắc đổ ra biển, là điểm sáng mới trong dịch chuyển thu hút đầu tư và làn sóng công nghiệp với nhiều dư địa mới. Tỉnh được xem như "một quốc gia có tính thu nhỏ", bổ trợ cho nhau từ tất cả các loại hình kinh tế.
Địa phương này đang hội tụ rất nhiều động lực phát triển các ngành kinh tế như cơ cấu dân số vàng, nằm tại vị trí cửa ngõ "vào nam, ra bắc", diện tích lớn, địa bàn trải dài từ vùng núi - đồng bằng - vùng biển.
Trên thực tế, tỉnh hiện có 4 trung tâm kinh tế đã hình thành ngày càng rõ nét trên địa bàn, gồm TP Thanh Hóa - Sầm Sơn; trung tâm phía nam (Khu Kinh tế Nghi Sơn); phía bắc (Thạch Thành - Bỉm Sơn) và phía tây (Lam Sơn - Sao Vàng).
Thanh Hóa đã và đang đang đón một làn sóng đầu tư lớn chưa từng có, với sự góp mặt của hàng loạt tập đoàn quốc tế.
Vào tháng 6 năm ngoái, Tập đoàn Milennium Energy (Hoa Kỳ) ngỏ ý đầu tư xây dựng nhà máy điện và kho cảng LNG tại KKT Nghi Sơn với tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD.
Cuối tháng 12/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa và Công ty WHA Industrial Development PCL (Thái Lan) đã ký kết biên bản ghi nhớ về đầu tư hạ tầng KCN số 21 quy mô 539 ha (trong KKT Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn) và KCN - Đô thị - Dịch vụ Phú Quý 800 ha (huyện Hoằng Hóa). Dự kiến tổng mức đầu tư cả hai dự án khoảng 335 triệu USD.
Tháng 1 vừa qua, Tập đoàn AVG Capital Partners (Nga) đã ký kết biên bản ghi nhớ theo hình thức trực tuyến với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai dự án tổ hợp chế biến thịt lợn với quy mô đầu tư 1,4 tỷ USD.
Trong quý I năm nay, Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) đã đề xuất đầu tư khu công nghiệp quy mô khoảng 150 ha với mức vốn 1,3 tỷ USD.
Tính từ đầu năm đến ngày 31/8, Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung về thu hút FDI với 164 dự án, tổng vốn đăng ký 14,57 tỷ USD, chiếm 24% tổng vốn đăng ký của cả khu vực.
Không chỉ thu hút dòng vốn ngoại, Thanh Hóa còn là mảnh đất mà các ông lớn trong nước như FLC, Vingroup, Sungroup, Eurowindow đã rót nhiều nghìn tỷ đồng vào đầu tư với các siêu dự án như FLC Sầm Sơn, Flamingo Crown Bay, trung tâm thương mại Vincom Trần Phú, cao ốc Văn Phòng kết hợp khách sạn Vinpearl Trần Phú, khu đô thị Vinhomes Star City, khu đô thị Eurowindows, khu đô thị Đông Hải…
Thanh Hóa cũng đã ghi nhận hàng loạt dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp được thành lập đáp ứng nhu cầu về nhà xưởng và kho bãi cho các nhà đầu tư nước ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan trong bối cảnh các trung tâm công nghiệp cấp 1 như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang... khan hiếm quỹ đất.
Trong thời gian ngắn tới đây, khi làn sóng đầu tư duy trì đà tăng trưởng ổn định, Thanh Hóa sẽ cất cánh trở thành một trong những địa phương phát triển hàng đầu cả nước.
Trên tờ Dân trí, GS, TSKH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng với việc tận dụng những lợi thế, quy tụ những dự án tầm cỡ, Thanh Hóa đang đứng trước thời cơ tuyệt vời để vươn mình trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao, tâm điểm du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí của miền Trung.