JLL cho biết, mất cân bằng cung cầu tiếp tục là chủ đề chính của các thị trường logistics lớn trên toàn cầu.
Theo đó, nhu cầu bất động sản hậu cần vẫn mạnh mẽ trên cả ba khu vực Châu Mỹ, EMEA (Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi) và Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó, tỷ lệ trống tại Hoa Kỳ và Châu Âu đang ở mức thấp nhất mọi thời đại.
Mặc dù việc xây dựng thêm nguồn cung mới đang ở mức cao kỷ lục nhưng vẫn chưa đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Do đó, cả ba khu vực đều ghi nhận mức tăng trưởng giá thuê mạnh mẽ trong quý I.
Nhận định triển vọng cho những tháng còn lại của năm 2022, JLL cho rằng, khối lượng diện tích đang được xây dựng có thể giúp giảm bớt căng thẳng ở một số thị trường nhưng với những thị trường có tỷ lệ trống cực kỳ thấp, áp lực tăng giá thuê có khả năng sẽ tiếp tục. Việc ngày càng nhiều thị trường cốt lõi đang phải đối mặt với những hạn chế về nguồn cung nghiêm trọng do khan hiếm đất cũng đang đẩy giá đất lên cao.
Những người muốn ký hợp đồng thuê mới phải đối mặt với sự leo thang giá thuê hàng năm, trong khi các khoản nhượng bộ ở mức tối thiểu. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng và tình trạng thiếu lao động làm tăng thêm chi phí cho khách thuê. Môi trường đầy thách thức này sẽ tác động đến ngân sách của họ và ảnh hưởng đến các quyết định thuê.
Về dài hạn, các sự kiện toàn cầu gần đây một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp bảo vệ chuỗi cung ứng. Mặc dù ngày càng có nhiều bình luận xung quanh việc phi toàn cầu hóa nhưng vẫn còn quá sớm để nói liệu điều này có thực sự diễn ra hay không, và nếu có, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mạng lưới cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, trong tương lai, việc dịch chuyển dây chuyền sản xuất trở về hoặc về gần hơn được dự đoán sẽ gia tăng. Điều này bổ sung động lực cho các cơ cấu dài hạn đang diễn ra. Tuy nhiên vấn đề quỹ đất sẽ vẫn là một thách thức lâu dài.
Nhu cầu lưu trú tiếp tục tăng trong quý I với việc hầu hết quốc gia lớn dỡ bỏ hạn chế đi lại. Sự phục hồi thị trường lưu trú diễn ra ở các điểm đến giải trí, nghỉ dưỡng và cả thị trường thành thị.
Tại Hoa Kỳ, trong quý đầu tiên, ngành khách sạn hoạt động tốt ở các điểm đến giải trí và nghỉ dưỡng như Tampa, Miami và Phoenix. Thị trường thành thị cũng tiếp tục cho thấy đà phục hồi lớn hơn khi lo ngại về Covid-19 giảm bớt và nhân viên quay trở lại văn phòng.
Trên khắp Châu Âu, hiệu suất thuê phòng được cải thiện đáng kể khi một số quốc gia nới lỏng các hạn chế đi lại, việc đi công tác tăng lên.
Trong khi đó, tốc độ phục hồi của Châu Á - Thái Bình Dương chậm lại trong quý do các trường hợp Covid-19 ngày càng tăng và các hạn chế đi lại được gia hạn.
Vào đầu năm 2022, tâm lý nhà đầu tư thậm chí còn trở nên tích cực hơn khi các yếu tố cơ bản của khách sạn được cải thiện và hoạt động đi công tác được phục hồi. Tuy nhiên, các chủ sở hữu và nhà đầu tư vẫn sẽ phải tiếp tục để mắt đến các vấn đề như lạm phát, giá năng lượng, biến thể Covid-19, lãi suất tăng và sự gia tăng lo ngại về việc tăng trưởng chậm lại/suy thoái.
JLL nhận định, triển vọng cho bất động sản lưu trú trong năm 2022 là tích cực. Sự phục hồi của ngành này sẽ tiếp tục tăng tốc cùng với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và lượng khách quốc tế ngày càng tăng. Dự đoán sẽ có nhiều hoạt động M&A hơn, đặc biệt là giữa các nhà khai thác muốn tăng quy mô.
Cả thị trường đô thị và khu nghỉ dưỡng đều sẽ được hưởng lợi từ việc các công tư quay trở lại văn phòng và môi trường làm việc kết hợp ngày càng phát triển. Phân khúc khách doanh nhân đi công tác cần thêm nhu cầu giải trí trong chuyến đi cũng sẽ nổi lên.
Về dài hạn, nhu cầu du lịch sẽ tăng cao khi biên giới quốc tế hoàn toàn mở lại và ngành kinh doanh du lịch phục hồi. Điều này cùng với sự chững lại của nguồn cung mới sẽ cho phép ngành lưu trú phục hồi sớm hơn dự đoán, tạo ra cơ hội đầu tư lớn hơn.