Bất động sản toàn cầu nửa cuối năm 2022 - Bài 1: Áp lực giảm giá nhà ở có thể xảy ra

Lạm phát gia tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt và rủi ro địa chính trị mang đến một số khó khăn đối với thị trường bất động sản toàn cầu, đặc biệt là phân khúc nhà ở.

Vừa qua, JLL đã công bố nghiên cứu toàn cầu về các xu hướng và triển vọng thị trường bất động sản nửa cuối năm 2022 và giai đoạn sau.

 Nhiều triển vọng bất động sản toàn cầu nửa cuối năm 2022. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Khởi đầu khả quan dù nhiều sóng gió

Theo JLL, thị trường bất động sản toàn cầu năm 2022 đã có một khởi đầu tích cực với sự phục hồi liên tục của thị trường cho thuê và thị trường vốn khi khối lượng đầu tư vào thị trường này thiết lập mức cao mới trong quý I.

Ảnh hưởng từ đại dịch đang suy yếu, ngoại trừ ở Trung Quốc, tuy nhiên các "cơn gió ngược" khác đã xuất hiện bao gồm lạm phát cao gia tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt và rủi ro địa chính trị do cuộc chiến ở Ukraine. Những điều này đã có tác động nhẹ đến hoạt động chung của thị trường toàn cầu trong quý đầu tiên, mặc dù tâm lý thị trường đã thay đổi trong vài tuần gần đây. Các chuyên gia dự đoán, trong thời đoạn còn lại của năm 2022, thị trường vẫn “mạnh mẽ” nhưng rủi ro đã tăng lên và nhà đầu tư cần có sự thận trọng.

Cụ thể, thị trường vốn đang tiếp tục phát triển nhưng rủi ro ngày càng tăng. Sự không chắc chắn trong hoạt động giảm dần, nhu cầu mạnh mẽ và thanh khoản dồi dào đã thúc đẩy mức đầu tư 292 tỷ USD trong quý I -  mức kỷ lục đối với quý đầu tiên của một năm.

Cả ba khu vực đều ghi nhận mức tăng tốt trong hoạt động giao dịch với thành phần vốn đa dạng và đang phát triển, hỗ trợ tính thanh khoản mạnh mẽ và nhóm nhà thầu lành mạnh. 

Sự phục hồi của tỷ lệ lấp đầy văn phòng, chi tiêu tiêu dùng, hoạt động du lịch giải trí, hoạt động kinh doanh đã gia tăng mong muốn đầu tư của các nhà đầu tư đối với tất cả các lĩnh vực. Họ vẫn tập trung đa dạng hóa danh mục đầu tư, đồng thời điều chỉnh chiến lược đầu tư sao cho phù hợp với sự thay đổi kinh tế, nhân khẩu học trong dài hạn.

Áp lực lạm phát ảnh hưởng đến sự phát triển nhà ở

Đối với bất động sản nhà ở, trong khi áp lực lạm phát và chi phí xây dựng tăng cao cho thấy một số khó khăn, đây vẫn là một trong những lĩnh vực được ưa chuộng nhất tại tất cả các khu vực.

Nhu cầu người mua tăng cao đã tiếp tục thúc đẩy hoạt động đầu tư vào lĩnh vực này trên toàn cầu trong quý I. Mặc dù, tại khu vực EMEA (Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi) lượng đầu tư giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước tại nhưng vẫn cao hơn nhiều so với định mức của một quý đầu tiên.

Nói về triển vọng cho giai đoạn còn lại của năm 2022, JLL nhận thấy, chi phí xây dựng và vật liệu tăng sẽ ảnh hưởng đến nhà ở - lĩnh vực tương đối phụ thuộc vào các giao dịch kỳ hạn và đầu tư vào các dự án xây dựng mới. Một số sự phát triển có thể bị trì hoãn. Áp lực chi phí sinh hoạt sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng giá thuê trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, tại các thị trường có nguồn cung eo hẹp, nhu cầu mạnh mẽ vẫn sẽ tiếp tục đẩy giá thuê lên. 

“Cuối cùng, khi chi phí nợ tăng, áp lực giảm giá có thể xảy ra do chi phí tài chính tăng lên, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và Châu Âu”, báo cáo nêu.

Trong dài hạn, JLL nhận định, khi mua hoặc xây dựng danh mục đầu tư, các nhà đầu tư sẽ đặc biệt tập trung vào hiệu suất năng lượng và việc tạo ra giá trị xã hội. Các yếu tố cấu trúc và đa dạng hóa danh mục đầu tư sẽ tạo ra một thị trường đầu tư nhà ở rộng lớn hơn thông qua sự phát triển của các loại tài sản phân ngành, chẳng hạn như nhà ở sinh viên (nơi vẫn còn là thị trường ngách), nhà xưởng và nhà ở cao cấp.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.