Vụ việc cô Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) bắt học sinh tát bạn 231 cái, khiến nạn nhân phải nhập viện, đang gây phẫn nộ trong dư luận.
Trước đó, ngày 15/11, phụ huynh tố giáo viên trường THCS thị trấn Vân Đình (Hà Nội) tát hai học sinh gãy răng và rách môi. Ngày 5/11, cô giáo N.T.T. bị đình chỉ giảng dạy sau khi phụ huynh tố nữ giáo viên bắt học sinh tự tát 32 cái vì nói chuyện riêng.
Những vụ việc thầy cô bạo hành học sinh liên tiếp xảy ra, bất chấp những cảnh báo có thể bị xử lý nghiêm và sự lên án mạnh mẽ của xã hội.
Có thể bị xử lý hình sự
Nói về hình phạt của cô giáo Phương Thủy, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Đoàn luật sư TP Hà Nội - phân tích trẻ em là đối tượng đặc biệt, không những được pháp luật Việt Nam mà cả Công ước quốc tế bảo vệ.
Chỉ vì học sinh được cho là nói tục ngoài sân trường, bị đội cờ đỏ ghi sổ mà cô giáo bắt các bạn cùng lớp tát liên tiếp vào mặt, đồng thời cô cũng tát thêm cái cuối cùng, là không thể chấp nhận. Hành vi này không những đi ngược lại giá trị cao quý của nhà giáo, mà còn xâm phạm nghiêm trọng quyền trẻ em được pháp luật bảo vệ.
Em N. bị bạn và cô chủ nhiệm tát vào má đến nhập viện. Ảnh: Người Lao Động. |
Ông Thơm cho rằng tùy theo tính chất, mức độ tổn hại về sức khỏe của học sinh bị tát, cô giáo có thể bị xem xét về tội cố ý gây thương tích, được quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
Điều 134 quy định người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp liệt kê thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; có tổ chức...
Trường hợp tỷ lệ tổn thương sức khỏe của học sinh không đáng kể, cô giáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội hành hạ người khác được quy định tại điều 140 Bộ luật Hình sự 2015.
Hình phạt có thể gây thù oán trong mỗi đứa trẻ
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - cho rằng hình phạt bắt tát bạn mà cô giáo trường THCS Duy Ninh áp dụng với học sinh là phản giáo dục. Nó càng đáng lên án hơn khi chính giáo viên mượn tay học sinh để phạt bạn cùng lớp.
“Hình phạt này không những dã man, còn có thể gây ra mối thù hận giữa những người bạn, gieo vào học sinh mầm bạo lực. Học sinh tát bạn vì quá sợ cô giáo nên không dám kháng lại. Các em có thể sẽ rất day dứt khi không muốn đánh bạn nhưng lại bị bắt ép”, PGS Nhĩ bày tỏ sự bất bình về sự việc.
Nguyên thứ trưởng GD&ĐT cho hay thời gian qua, báo chí cũng nêu một số vụ giáo viên cho học sinh tát nhau trên lớp. Dư luận đã phê phán nhưng giáo viên này không rút kinh nghiệm, mà cho học sinh tát bạn đến 231 cái. Dù có lý giải thế nào, hành vi này cũng cho thấy giáo viên không còn đủ tư cách, đạo đức và không xứng đáng người đứng trên bục giảng.
Đuổi giáo viên vi phạm không phải biện pháp triệt để
TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội - cho rằng việc giáo viên bắt học sinh tát bạn đã tồn tại từ lâu, thể hiện năng lực kém của người đứng lớp. Họ coi quyền hành của mình được phép sử dụng bạo lực và cho rằng đó là thành công, hiệu quả.
TS Vũ Thu Hương, giáo viên bắt học sinh tát bạn là cách làm trốn tránh nếu bị truy trách nhiệm. Ảnh: NVCC. |
Nữ tiến sĩ phân tích cô giáo bắt học sinh tát bạn là cách làm trốn tránh nếu bị truy trách nhiệm, không muốn tự mình ra tay. Các em nghe lời cô mà không dám phản kháng bởi nỗi sợ mình là nạn nhân tiếp theo chịu trừng phạt.
Theo TS Vũ Thu Hương, người bị tổn thương, ảnh hưởng tâm lý trong câu chuyện này không chỉ có nạn nhân, mà còn bởi chính bạn học. Việc đánh bạn sẽ khiến trẻ trở nên hung dữ hơn.
Với trẻ sợ bạo lực, chưa từng làm ai tổn thương, bị ép buộc đánh bạn sẽ để lại cảm giác hành động sai trái, bị tổn thương và thấy cuộc sống không an toàn.
Khi sự việc bị dư luận lên án, bản thân các em cũng sẽ đau khổ, suy nghĩ tại sao lúc đó mình không phản kháng lại lời cô giáo?
Trong câu chuyện này, TS Vũ Thu Hương cũng quan tâm khía cạnh "bệnh thành tích" trong giáo dục. Chính vì căn bệnh này, một học sinh nói tục, cả lớp bị trừ 5 điểm, nên giáo viên mới phạt cả lớp tát em.
TS Hương đề xuất nên có những biện pháp đánh giá thực chất bằng chính sự nỗ lực của học sinh và cần bỏ đi nhận xét hình thức khác.
“Chúng ta có thể sử dụng phương pháp đánh giá của đoàn chuyên môn khi bất ngờ đến từng trường và gọi bất kỳ khoảng 30 em thuộc các lớp khác nhau để kiểm tra kiến thức, kỹ năng, đạo đức. Như vậy, không còn các tiết học giả tạo, những cuộc thi đầy áp lực với giáo viên, học sinh”, bà Hương nói.
Nữ tiến sĩ cho hay phương án loại giáo viên vi phạm khỏi ngành giáo dục không giải quyết được triệt để vấn đề, bởi bản chất ngành sư phạm không còn đủ hấp dẫn để thầy cô cảm thấy tiếc nuối, xót xa khi bị loại.
“Đến bao giờ môi trường giáo viên được cải thiện, lương bổng, chế độ làm việc khá, khi đó mới cải thiện được gốc rễ. Nhiều giáo viên thậm chí sẵn sàng bỏ việc bởi họ bị áp lực từ cấp trên sau đó lại dồn sự nóng nảy của chính mình lên học trò”, TS Hương phân tích.
Cô giáo phạt tát học sinh 231 cái: Từng có 10 em trong lớp bị tát vì nói tục
Theo lớp trưởng lớp 6.2 kể lại, việc em Nh. bị tát 231 cái là do qui định từ trước của cô giáo chủ nhiệm, ... |
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Cô giáo phạt bắt học sinh tát bạn 231 cái là không chấp nhận được
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, đã yêu cầu Sở GD&ĐT Quảng Bình vụ việc cô giáo phạt học sinh bằng cách bắt cả ... |
Hé lộ nguyên nhân cô giáo bắt cả lớp tát bạn 231 cái khiến nam sinh nhập viện cấp cứu
Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh lí giải, do áp lực trừ điểm thi đua Đội nếu có học sinh nói bậy và muốn lớp ... |
Giáo dục 23:50 | 03/12/2018
Giáo dục 13:11 | 03/12/2018
Giáo dục 08:10 | 03/12/2018
Giáo dục 04:55 | 03/12/2018
Giáo dục 04:17 | 03/12/2018
Giáo dục 23:37 | 02/12/2018
Giáo dục 09:41 | 28/11/2018
Giáo dục 06:19 | 28/11/2018