Bầu không khí thời chiến căng thẳng tại đại bản doanh Huawei

Đánh mất nguồn cung linh kiện công nghệ cao từ Mỹ, tập đoàn Trung Quốc Huawei vật vã, căng thẳng tìm đường sống sót.

Những ngày này, bầu không khí tại trụ sở và các văn phòng của Huawei cực kỳ căng thẳng vì những tin xấu dồn dập kéo đến. Phóng viên Bloomberg có dịp tới đại bản doanh của tập đoàn Trung Quốc ở thành phố Đông Hoản thuộc tỉnh Quảng Đông.

"Bước vào khuôn viên viên đại bản doanh Huawei, chúng ta sẽ quan sát thấy lực lượng nhân công đang lao động một cách điên cuồng. Những chiếc xe chở công nhân qua lại giữa các văn phòng chạy suốt ngày đêm. Đèn văn phòng làm việc sáng thâu đêm. Nhà ăn dành cho nhân viên cũng hoạt động cho đến khuya", phóng viên Bloomberg viết.

Bầu không khí thời chiến căng thẳng tại đại bản doanh Huawei - Ảnh 1.

Nhân viên đi bộ đến căn tin của trụ sở Huawei ở Thâm Quyến, Trung Quốc ngày 22/5. Ảnh: Bloomberg.

Nhiều nhân viên cũ của Huawei và giới công nghệ Trung Quốc mô tả đây là văn hóa làm việc "bầy sói”. Và sự khắc nghiệt đó càng bùng lên sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cấm vận nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới.

Ngày 17/5, Huawei bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen những công ty không được phép mua phần mềm và linh kiện của Mỹ để sản xuất các sản phẩm.

"Buộc phải thắng"

Một số nguồn tin nội bộ cho biết những ngày qua, Huawei huy động 10.000 kỹ sư phần mềm làm việc 3 ca mỗi ngày tại các văn phòng ở Thượng Hải, Thâm Quyến và Tây An để phát triển phần mềm và linh kiện thay thế cho nguồn cung từ Mỹ.

Từ nhân viên lao công cho đến tài xế, tất cả đều được ban lãnh đạo Huawei yêu cầu quyết tâm chiến đấu và chuẩn bị tâm lý đối phó với những áp lực chính trị và thị trường ngày càng leo thang. Huawei không tiết lộ gì thêm với phóng viên Bloomberg mà chỉ cho biết họ có một kế hoạch dự phòng để đối phó với tình huống xấu nhất.

Một nguồn tin giấu tên kể có những kỹ sư phải làm việc thâu đêm suốt sáng, thậm chí không về nhà trong nhiều ngày. Người này tiết lộ các kỹ sư Huawei đang phát triển anten trạm thu phát sóng di động, loại thiết bị các công ty Mỹ như Rogers Corp sản xuất.

Đồng thời, kỹ sư Huawei đang điều chỉnh thiết kế của toàn bộ trạm thu phát sóng 4G, sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ phương Tây như Ericsson AB (Thụy Điển) và Nokia Corp (Phần Lan).

Bầu không khí thời chiến căng thẳng tại đại bản doanh Huawei - Ảnh 2.

Các kỹ sư Huawei phải làm việc thâu đêm suốt sáng. Ảnh: Digital Trends.

“Vấn đề không phải là chúng tôi có thể thắng hay không mà là chúng tôi bắt buộc phải thắng”, một kỹ sư đứng đầu nhóm nghiên cứu và phát triển chip viễn thông của Huawei nhấn mạnh. “Đây là cuộc chiến để từ đó Trung Quốc xây dựng được một ngành công nghệ viễn thông độc lập”, kỹ sư này khẳng định.

Trên diễn đàn của nhân viên Huawei, một người đăng bài viết: “Các chiến binh mặc áo giáp vàng sẽ không bao giờ trở về nhà cho đến khi họ đánh bại Trump ở Mỹ”.

Bóp nghẹt tăng trưởng

Giới chuyên môn đánh giá lệnh cấm vận của chính phủ Mỹ sẽ đặt dấu chấm hết cho thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ của Huawei. Trước khi Tổng thống Trump ra tay, công ty Trung Quốc nhà cung cấp thiết bị mạng hàng đấu thế giới và là hãng cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Samsung.

Lệnh cấm được cho là đang đẩy nhiều nhà sản xuất chip điện tử Mỹ và châu Âu vào tình thế bất an và làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu. Nó cũng có thể làm chậm lại quá trình triển khai mạng 5G trên toàn thế giới. Đây là hệ thống hứa hẹn sẽ hỗ trợ cho các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao, từ ôtô tự hành đến phẫu thuật bằng robot.

Tổng thống Trump khẳng định lệnh cấm vận là phản ứng cần thiết bởi Huawei làm gián điệp cho chính quyền Bắc Kinh. Trước đây, hàng loạt công ty Mỹ như Cisco Systems Inc. và T-Mobile đã kiện Huawei tội ăn cắp bí mật công nghệ và thương mại.

Bầu không khí thời chiến căng thẳng tại đại bản doanh Huawei - Ảnh 3.

Số lượng các công ty và cá nhân nước ngoài bị Bộ Thương mại Mỹ cấm trong năm 2018. Đồ hoạ: Hà Bùi.

Huawei bác bỏ mọi cáo buộc. “Chúng tôi đang dẫn trước Mỹ. Ông Trump sẽ không cần phải tấn công chúng tôi mạnh mẽ như thế nếu chúng tôi đi sau”. người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi nói cứng khi trả lời phỏng vấn Bloomberg ngày 24/5.

Dự phòng trong 3 tháng

Trước Huawei, một công ty Trung Quốc khác là ZTE Corps rơi vào khủng hoảng khi chọc giận Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ cũng đưa ZTE vào danh sách đen, khiến công ty này trượt tới bờ vực của sự sụp đổ. ZTE phải chấp nhận nộp tiền phạt cho chính phủ Mỹ và bị Mỹ giám sát chặt chẽ.

Các lãnh đạo Huawei khẳng định đã rút ra bài học từ ZTE và có sự chuẩn bị đối phó với "cơn bão" mang tên Donald Trump. "Sau mỗi cơn bão, cầu vồng sẽ xuất hiện. Chúng tôi hy vọng mỗi người trong các bạn luôn tự tin, tận tâm và siêng năng để hoàn thành nhiệm vụ của mình”, ban lãnh đạo Huawei nhắn nhủ nhân viên.

Huawei cho biết đã dự trữ đủ chip và các linh kiện quan trọng khác để duy trì hoạt động kinh doanh trong ít nhất 3 tháng. Nhiều nhân viên của công ty vẫn lạc quan rằng Bắc Kinh sẽ giải quyết được tranh chấp với Washington. Những người khác cũng tin tưởng chính phủ Trung Quốc sẽ rót vốn hoặc áp dụng các chính sách để hỗ trợ công ty.

Bầu không khí thời chiến căng thẳng tại đại bản doanh Huawei - Ảnh 4.

Nhân viên mới tham dự một lớp học tại Đại học Huawei, cơ sở đào tạo của công ty tại Đông Hoản, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Tin xấu đến mỗi ngàyTrong ngày Huawei bị liệt vào danh sách đen, chính quyền Trung Quốc công bố mức thuế ưu đãi dành cho các công ty thiết kế chip điện tử và phần mềm. Nhờ đó, HiSilicon - hãng sản xuất chip và bán dẫn của Huawei - sẽ không phải nộp thuế trong 2 năm tới.

Tuy nhiên, nỗi lo lắng vẫn đang bao trùm các văn phòng của Huawei từ Tokyo đến Sydney. Một nhân viên ở Nhật cho biết: “Không thể phủ nhận rằng những tin tức không hay về Huawei được đăng mỗi ngày đang gây ra tác động tiêu cực. Thế nhưng các nhân viên ở Nhật đang tập trung lại và cố gắng tiếp tục làm việc như bình thường”.

Trong lúc Huawei đang kích động tinh thần của 180.000 nhân viên, Mỹ vẫn tiếp tục kêu gọi chính phủ các nước ngừng sử dụng thiết bị của công ty Trung Quốc. Australia và New Zealand cấm các sản phẩm của Huawei, Nhật Bản đã tiếp bước, trong khi những nước như Anh đang cân nhắc.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố có thể gỡ bỏ lệnh cấm vận Huawei nếu Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên các cuộc đàm phán đang bị đình trệ.

“Câu hỏi đặt ra ở đây là Mỹ có sử dụng Huawei như một quân cờ trong đàm phán với Trung Quốc hay không? Nếu lệnh cấm kéo dài, Huawei sẽ đánh mất phần lớn thị phần”, Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Chris Lane của hãng Sanford C. Bernstein nhận định.

Tag:
chọn
Con trai chủ tịch Tân Hoàng Minh: 'Không ngờ hậu quả lớn đến vậy'
Bị cáo Đỗ Hoàng Việt, Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh, khai thực hiện các "biện pháp huy động vốn" để gỡ khó cho công ty nhưng "không lường được hậu quả lớn vậy".