Năm 2013, anh Quyết mua được một miếng đất gần 600 m2, tại xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, trong đó có 250 m2 đất thổ cư. Sau ba năm đất để không, anh quyết định xây một ngôi nhà rộng cho cả gia đình ở vì đã chán cảnh chật chội trong căn nhà cấp bốn chỉ rộng 35 m2 với 5 thành viên, 3 thế hệ chung sống.
Anh xây hết 250 m2, làm nhà một trệt một lầu với tổng cộng 5 phòng ngủ. Diện tích đất còn lại anh làm vườn, trồng hoa, trồng rau. Sau 8 tháng thi công, ngôi nhà mới hoàn thiện, tiêu tốn hết của anh hơn 4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, niềm vui được ở nhà to đẹp nhanh chóng trở thành nỗi phiền muộn vì đi lại vất vả. Anh kinh doanh tự do, thời gian thoải mái nên không gặp khó khăn, nhưng vợ làm việc tại một cơ quan ở quận 1, mỗi ngày đi làm về lại càm ràm đường xa, đường tắc, không còn thời gian nghỉ ngơi. Đứa con lớn đang học tại quận 7, từ chỗ đi học chỉ cách nhà 3km giờ mất gần 10 km. Mẹ anh đang quen hàng xóm ở khu phố cũ, có nhóm tập dưỡng sinh, nhóm bạn đi chùa cùng nên về đây ở cũng không vui, vì chỉ còn ti vi bầu bạn.
Nghe các thành viên ca thán nhiều quá, anh Quyết cũng trở nên cáu bẳn. Niềm vui khoe nhà cho đối tác, bạn bè sau một thời gian cũng đã nguội. Đầu năm 2018, anh vay mượn tiền (với hi vọng sớm bán được biệt thự ở Nhà Bè), sửa lại ngôi nhà ở quận 7 thành 3 tầng rồi đưa cả gia đình về lại đây. Tuy nhiên, từ đó đến nay, biệt thự kia vẫn chưa thể sang tên do khách trả giá quá thấp, họ không có nhu cầu mua nhà mà chỉ muốn mua đất của anh.
Nhiều gia chủ chỉ nhận ra sự bất tiện sau khi đã chuyển về biệt thự ngoại thành sống. (Ảnh: costa-rica-immo) |
Căn nhà vườn rộng gần 1500 m2 ở Bình Chánh, khu vực giáp Long An, của vợ chồng ông Hùng cũng trong tình trạng tương tự nhà anh Quyết: rao bán cả năm nay không ai mua.
Biệt thự của ông xây một trệt một lầu, diện tích sàn là 520m. Ngoài ra ông còn có hồ bơi, vườn tược gần 1.000 m2 nữa.
Năm 2012, khi xây biệt thự này với số tiền 5,2 tỷ, vợ chồng ông đều ngoài 50 tuổi, đã chán cuộc sống xô bồ nơi phố thị nên muốn ra ngoại thành cho yên tĩnh. Hai đứa con lúc đó đã vào cấp ba. Ông quyết định sẽ thuê tài xế đưa rước con đi học mỗi ngày khi chuyển ra ngoại thành sống.
Vợ chồng ông làm kinh doanh, có công ty riêng, có tài xế riêng, việc ra ngoại thành ở không ảnh hưởng nhiều. Có điều hai đứa con thì không hề thích cuộc sống ở Bình Chánh, chê "nhà quê", nên khi vào đại học một mực đòi thuê nhà gần trường để ở với bạn. Học xong đại học trong nước, con ông ra nước ngoài du học. Con đi hết, vợ chồng ông bắt đầu chán cảnh cuộc sống cô đơn ở ngôi nhà rộng thênh thang và xa đủ thứ tiện ích ở trung tâm.
Năm ngoái, họ đi mua một căn hộ chung cư 70m2 ở quận 5 và cảm thấy vui hơn hẳn. Ông rao bán căn nhà ở Bình Chánh với giá 18 tỉ đã hơn một năm nay nhưng không có ai mua. Thậm chí, ông rao cho thuê nhà cũng không khách nào hỏi đến. Mỗi tháng, ông bà đành thuê người đến quét dọn một lần để nhà không bị hoang.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền (TP HCM) kể ông gặp rất nhiều trường hợp các gia chủ mua nhà ở xa rồi không muốn ở. "Tôi vẫn thường khuyên các chủ đầu tư cũng như bạn bè, người thân đang ở độ tuổi lao động khi mua nhà nên quan tâm đến vị trí, sao cho quãng đường từ nhà đến chỗ học của con hay nơi làm việc của cha mẹ phải ngắn nhất có thể. Dù bạn đủ khả năng xây biệt thự to ở ngoại thành cũng không nên làm vì hiệu suất sử dụng rất thấp", ông Truyền kể.
Ông cho biết ngay ở công ty mình, một số nhân viên nhà ở ngoại thành, mỗi ngày cả đi và về hết hơn 2 tiếng, tính ra 4 ngày đi làm đã hết một ngày làm việc. Chưa kể những hôm mưa gió, tắc đường, cố chạy cho kịp giờ làm, giấc ngủ đêm không đủ, đến công ty đã mất hết năng lượng làm việc, vì thế họ thích ở lại công ty hơn.
Ngoài việc lựa chọn vị trí ngôi nhà, kiến trúc sư Truyền cũng cho rằng khi xây nhà nên xác định đúng nhu cầu của gia đình để có quy mô đầu tư phù hợp:
Chỉ nên bày ra những gì mình đang cần hoặc sẽ cần trong tương lai gần khoảng 5-10 năm.
"Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp bố mẹ muốn xây nhà hoành tráng cho con ở, nhưng vài năm sau, con lớn, đi học rồi lập gia đình, ra ở riêng, chỉ còn hai ông bà già ở trong một căn nhà to, hiu quạnh. Khi nhận các công trình, tôi thường khuyên gia chủ nên đầu tư quy mô phù hợp với nhu cầu sử dụng, nhưng rất nhiều người vẫn thích làm nhà thật to. Thậm chí có những người sẵn sàng vay tiền để thỏa mãn ước mơ có nhà to, nhưng xây xong ở không hết".
Ông Nguyễn Xuân Thảo, một nhà đầu tư bất động sản cá nhân tại TP HCM cũng cho rằng xây nhà vườn hoành tráng ở ngoại thành không phải là một bài toán kinh tế hiệu quả, bởi khi chán, gia chủ rất khó bán. Bất động sản ở xa trung tâm không phải phân khúc dành cho giới nhà giàu.
"Đa số những người mua đất xây nhà ở ngoại thành thường có số tiền khiêm tốn, nên khi bạn đầu tư quá nhiều tiền vào ngôi nhà, bạn sẽ rất khó tiếp cận với người mua", ông Thảo nhận xét.
XEM THÊM
Kết không ngờ của ông bố 65 kết hôn chóng vánh với cô gái 28 tuổi
Cô gái tiếp cận người đàn ông goá vợ Trung Quốc, để trả thù con trai ông năm lần bảy lượt ép mình phá thai. |
Con gái độc nhất du học Mỹ, ông bố ước gì con bớt thông minh
Ông Mã (Trung Quốc) giờ đây ước con gái bớt thông minh, học kém thì có khả năng con sẽ ở lại trong nước và ... |
33 tuổi làm bà ngoại: Sinh con được 2 tháng phải gượng dậy chăm con, chăm cháu
Bi kịch bắt đầu khi Hiền làm mẹ ở tuổi 16, còn chị Vui lên chức bà trong đau đớn, ngỡ ngàng ở tuổi 33. ... |
Tại sao chúng ta hay tiêu tiền vào những thứ không nên?
Hầu hết chúng ta đều muốn tiêu ít hơn vào các thứ như xe cộ, quần áo, ăn hàng để tiết kiệm nhiều. Vậy tại ... |
'Người thứ ba' xuất hiện: Câu chuyện giữa Grab và Go-Viet chưa đến hồi kết
Trong bộ ảnh tiếp theo vừa mới được anh Đặng Nam chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, nhân vật "người thứ ba" xuất hiện ... |
Tình cảnh không xu dính túi của nhiều vợ đại gia
Vợ một doanh nhân nổi tiếng ở Anh, sống trong biệt thự nguy nga nhưng không có đủ tiền tự mua gói băng vệ sinh. |