Becamex TDC lỗ gần 105 tỷ đồng trong quý IV/2022, dự kiến bàn giao dự án Sông Cấm trong 2023 - 2025

Becamex TDC cho biết quý IV/2022, doanh thu thuần giảm 78% so với cùng kỳ và lỗ gần 105 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, công ty vẫn có lãi gần 40 tỷ đồng, thực hiện gần 30% kế hoạch đề ra.

CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Becamex TDC, mã chứng khoán: TDC) đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với khoản lỗ sau thuế hơn 104 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021, công ty báo lãi 87 tỷ đồng. 

Theo giải trình của doanh nghiệp, khoản lỗ này là công ty mẹ lỗ và lợi nhuận của các công ty con không cao, không biến động nhiều, lợi nhuận tập trung chủ yếu tại công ty mẹ.

Quý IV, doanh thu thuần của Becamex TDC giảm 78% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp cũng giảm từ 39% cùng kỳ còn 16%. 

Nhờ kết quả kinh doanh ba quý đầu năm, lũy kế cả năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần 2.488 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, bất động sản là nguồn thu chính với 1.754 tỷ đồng, tăng 61%. 

Song, giá vốn tăng cao, biên lợi nhuận gộp giảm từ 36% cùng kỳ còn 16%. Công ty báo lãi sau thuế giảm 68% còn 39,6 tỷ đồng, tương đương thực hiện 28,5% kế hoạch lợi nhuận đề ra (139 tỷ đồng). 

 KQKD năm 2022 của Becamex TDC. (Nguồn: Hiền Minh tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp).

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm dương 183 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 43,5 tỷ đồng, chủ yếu do công ty giảm các khoản phải thu và giảm hàng tồn kho. Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng dương 91,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 1,1 tỷ đồng nhờ khoản thu từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác.

Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của Becamex TDC đạt 3.838 tỷ đồng, giảm 27% so với đầu năm. Trong đó, giá trị tồn kho giảm 78% còn 404 tỷ đồng, giảm chủ yếu ở khoản chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.

Khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của Becamex TDC là tài sản dở dang dài hạn cũng giảm 27% còn 1.611 tỷ đồng, chủ yếu do không còn ghi nhận chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn 405 tỷ đồng tại dự án Sông Cấm.

Công ty cho biết, đối với dự án này, công ty đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty VSIP Hải Phòng vào tháng 9/2022 để phát triển và kinh doanh dự án, dự kiến triển khai và bàn giao trong giai đoạn 2023 - 2025. 

Ngoài ra, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn tại các dự án TDC Plaza, dự án Unitown - giai đoạn 2, dự án Hòa Lợi là gần 1.600 tỷ đồng và chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần 11 tỷ đồng.

Trong đó, đối với các dự án bất động sản kể trên, công ty cho biết chi phí trên bao gồm chủ yếu là giá trị quyền sử dụng đất, giá tri dự án nhận chuyển nhượng và các chi phí đã đầu tư khác liên quan đến việc phát triển các dự án bất động sản để kinh doanh theo kế hoạch trung và dài hạn. Công ty sẽ chọn lọc từng dự án cụ thể để triển khai phù hộ với tình hình thị trường. 

Về phần nợ vay tài chính, tại cuối năm 2022, dư nợ tài chính đạt 1.704 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm, chủ yếu là các khoản vay ngân hàng như BIDV - chi nhánh Bình Dương, Vietinbank - chi nhánh Đồng Nai...

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.