Bến Tre sẽ dồn lực làm đường ven biển

Tuyến đường bộ ven biển tỉnh có chiều dài khoảng 53 km, dự kiến thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2028, tổng mức đầu tư khoảng 11.627 tỷ đồng.

 Tỉnh Bến Tre. (Ảnh: moc.gov.vn).

Theo Báo Đồng Khởi, tầm nhìn phát triển tỉnh Bến Tre đến năm 2030 và năm 2045 của HĐND tỉnh Bến Tre tập trung vào giải pháp về quy hoạch không gian, cụ thể cấu trúc không gian tỉnh. 

Cấu trúc không gian tỉnh phát triển dựa trên các trục giao thông chính theo hướng Đông - Tây: gồm 3 tuyến quốc lộ (QL) chạy dọc theo 3 cù lao, tuyến QL57 trục giao thông lõi của cù lao Minh, QL57B trục giao thông lõi của cù lao An Hóa và QL57C trục giao thông lõi của cù lao Bảo.

Theo hướng Bắc - Nam: gồm tuyến QL.60, tuyến đường ven biển và dự kiến sau năm 2030 sẽ hình thành tuyến cao tốc nối liền TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế và đô thị của tỉnh.

Điểm nhấn trong trục giao thông chính là Dự án Xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh (gọi tắt là tuyến đường bộ ven biển tỉnh) đi qua 3 con sông lớn, bao gồm: sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên, tạo nên tuyến vành đai kinh tế ven biển quan trọng của tiểu vùng Đông Bắc ĐBSCL.

Tuyến đường bộ ven biển tỉnh có chiều dài khoảng 53km, dự kiến thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2028, tổng mức đầu tư khoảng 11.627 tỷ đồng.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cao Minh Đức, tuyến đường bộ ven biển tỉnh được xem là nơi giao hội của các tuyến giao thông quốc gia.

Cụ thể: phía Bắc kết nối với tỉnh Tiền Giang thông qua QL50, đi Long An, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ; phía Nam nối với tỉnh Trà Vinh thông qua QL53, QL54 và cầu Cổ Chiên trên QL60 hiện đang khai thác, tiếp tục đi xuống Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau; phía Tây kết nối với Vĩnh Long qua QL57 tiếp tục đi Đồng Tháp.

Đồng thời, mạng lưới đường cao tốc trục ngang dự kiến được hình thành trong giai đoạn 2025 - 2030 (bao gồm: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu) sẽ tạo ra khu vực tứ giác Long Xuyên để kết nối giao thông với trục dọc cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Từ đó, tạo ra sức hút giao thông hướng về tuyến đường ven biển đang được đề xuất hoàn thành và đưa vào khai thác trong giai đoạn 2025 - 2030.

Bến Tre là một trong 28 tỉnh ven biển Việt Nam, có vai trò kết nối vùng trung tâm của ĐBSCL ra biển. Việc đầu tư tuyến đường bộ ven biển tỉnh là bước đột phá lớn không chỉ về phát triển hạ tầng của tỉnh mà hứa hẹn tạo nên sự đột phá lớn về phát triển KT cho tỉnh. 

Tuyến đường bộ ven biển tỉnh có ý nghĩa quan trọng đối với việc kết nối giao thông liên hoàn từ TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021.

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.