Cảnh giác với dịch bệnh đau mắt đỏ | |
Infographics: Điều cần phải biết khi vi rút đau mắt đỏ ‘bủa vây’ | |
Đau mắt đỏ vào mùa dịch: Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng bệnh |
Đau mắt đỏ còn được gọi là bệnh viêm kết mạc cấp, là tình trạng nhiễm trùng mắt, bệnh hình thành do bị dị ứng hay sự tấn công của vi khuẩn, vi rút. Bệnh đau mắt đỏ thường khởi phát một cách đột ngột, lúc đầu là ở một bên mắt rồi sau đó lan sang bên còn lại. Đây là căn bệnh dễ lây lan, dễ hình thành dịch bệnh. Hiện nay vẫn chưa có một loại vắc-xin phòng bệnh hay loại thuốc đặc trị nào dành cho bệnh nhân bị đau mắt đỏ.
Trẻ em dễ mắc bệnh hơn người lớn
Theo PGS. TS, bác sĩ Trần An, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội), bệnh đau mắt đỏ có thể xảy ra ở tất cả mọi người, từ trẻ em cho đến người lớn tuổi. Từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm là khoảng thời gian cao điểm của dịch bệnh đau mắt đỏ.
(Ảnh: tamsugiadinh.vn) |
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 tại TP. HCM, mỗi ngày có khoảng 120 đến 150 trẻ bị đau mắt đỏ phải nhập viện. Sở dĩ bệnh đau mắt đỏ hình thành nhiều ở trẻ em hơn người lớn là vì sức đề kháng và hệ miễn dịch của trẻ em yếu hơn người trưởng thành. Đồng thời trong môi trường học tập, trẻ em sẽ phải tiếp xúc với nhiều người, và đây chính là nguồn lây bệnh.
Thông thường, khi bị đau mắt đỏ, trẻ em thường có các triệu chứng như sốt, đau họng, tiếp đó là nổi hạch ở trước tai. Khoảng 1 tuần sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, mắt của các em sẽ có thêm dấu hiệu ngầu đỏ, rỉ nước, ngứa cộm, sợ ánh sáng, có nhiều ghèn mắt hơn bình thường…
Theo các bác sĩ chuyên khoa Mắt, đa số các trường hợp bị đau mắt đỏ thường tự khỏi sau khoảng 7 – 14 ngày mắc bệnh. Tuy nhiên, không vì thế mà phụ huynh cũng như bệnh nhân có thể lơ là. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm, loét giác mạc, dẫn đến tình trạng bị suy giảm thị lực.
Cần làm gì khi bị đau mắt đỏ?
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở y tế Hà Nội khuyến cáo, bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch bệnh. Vì thế, nếu bị bệnh thì trước tiên bạn cần phải nghỉ học, nghỉ làm để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh.
Trong điều kiện thời tiết như hiện nay, vi rút gây bệnh đau mắt đỏ phát triển mạnh và dễ phát tán trong không khí, bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh. Do vậy, mỗi người nên chủ động phòng ngừa để không bị đau mắt đỏ.
(Ảnh: bacsi24x7.vn) |
Bác sĩ Hoàng Minh Anh, hiện đang công tác tại Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: Nếu bị đau mắt đỏ, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế có chuyên ngành nhãn khoa để kiểm tra và thăm khám. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về uống hay nhỏ mắt vì có thể gây nên những phản ứng có hại. “Trên thị trường hiện có rất nhiều loại thuốc chứa thành phần corticoid. Nếu không được bác sĩ hướng dẫn và chỉ định sử dụng, những loại thuốc bệnh nhân mua có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như làm mất thị lực”.
MỘT SỐ CÁCH CHĂM SÓC KHI BỊ ĐAU MẮT ĐỎ
Mỗi ngày, bạn nên rửa mắt khoảng 5 – 6 lần bằng nước muối sinh lí. Bạn cần chú ý là rửa mắt chứ không phải nhỏ mắt. Nguyên tắc rửa mắt là phải rửa bên mắt bị đau nhẹ trước rồi mới đến bên mắt bị nặng hơn. Khi rửa cần phải dùng giấy thấm, khăn mềm hứng nước ở phía đuôi mắt. Không để nước chảy xuống dưới sàn nhà, gối, giường… vì sẽ mang theo vi rút gây bệnh, khiến lây lan cho người khác hoặc tái phát ở bạn.
(Ảnh: thegioididong.com) |
Sau khi rửa xong hai mắt, bạn nên dùng gạc sạch để lau khô mắt, đi rửa tay thật sạch bằng xà phòng rồi mới tiến hành nhỏ thuốc. Phần lớn bệnh nhân có thể tự áp dụng phương pháp này tại nhà trong khoảng 10 ngày là bệnh sẽ khỏi mà không cần phải sử dụng đến bất kì loại thuốc nào.
(Ảnh: songkhoe) |
Khi có dấu hiệu bị đau mắt đỏ, bạn cần đi thăm khám, kiểm tra. Khi được kết luận đã mắc bệnh, bạn cần nghỉ làm, nghỉ học. Vừa không lây lan cho người khác, vừa là để mắt có thời gian được nghỉ ngơi. Bởi vì người bị đau mắt đỏ mà phải làm việc, đi ngoài đường, liên tục nhìn vào máy tính, tivi hay điện thoại… thì nước mắt sẽ chảy ra nhiều hơn, mắt dễ bị chói và tình trạng đau mắt đỏ sẽ trở nên nặng hơn.
Bệnh đau mắt đỏ chỉ cần vệ sinh sạch sẽ bằng nước muối sinh lí là bệnh có thể tự khỏi sau khoảng 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, một số người vì nôn nóng mà đã áp dụng cả các mẹo vặt dân gian bằng cách đắp lá trầu không hay tiêm kháng sinh với mong muốn bệnh nhanh khỏi. Theo các bác sĩ, đây là những hành động sai lầm và không hề tốt cho mắt chút nào. Cả hai việc này đều khiến mắt có thể sưng to, cộm và chảy nước mắt nhiều hơn.
Với bệnh lí đau mắt đỏ, thuốc kháng sinh không phải là sự lựa chọn hàng đầu. Bởi vì tất cả các loại thuốc hiện tại chỉ có tác dụng phòng chống bội nhiễm, không có tác dụng chữa trị bệnh. Nếu thấy bệnh kéo dài trên 7 ngày cũng như mức độ ngày một nặng hơn thì cần nhanh chóng đi thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín.
Một vài khuyến cáo Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây do vi rút có tính kháng cồn. Có thể tồn tại trên dụng cụ y tế cũng như các vật dụng gia đình lên đến 35 ngày. Bệnh có thể lây nhiễm từ người bệnh sang người khỏe mạnh qua các hoạt động giao tiếp, cầm nắm vào các vật dụng trung gian. Để phòng ngừa dịch bệnh đau mắt đỏ hiệu quả, tất cả mọi người cần phải giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, thường xuyên rửa tay bằng các dung dịch sát khuẩn. Tránh nói chuyện, bắt tay hay cầm nắm vào những đồ vật của người bị đau mắt đỏ. |