Công an "bêu" tên người mua bán dâm giữa đường. |
Như tin đã đưa, vào ngày 29/1, Công an thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) công khai tên tuổi, quê quán của 4 người liên quan đến việc mua bán dâm trước sự chứng kiến của người dân.
Sự việc trên lan truyền trên mạng xã hội, được báo chí thông tin và đã gây phẫn nộ trong cộng đồng cho dù sau đó Công an thị trấn Dương Đông đã thông báo mục đích của việc công khai hóa là nhằm răn đe, phòng chống tội phạm mại dâm.
Lãnh đạo Công an tỉnh Kiên Giang nhìn nhận việc công khai hóa danh tính người mua bán dâm giữa đường là chưa phù hợp, gây phản cảm, bức xúc cho người dân.
Theo báo cáo của Công an huyện Phú Quốc gửi Công an tỉnh Kiên Giang, lí do Công an thị trấn Dương Đông công khai tên người vi phạm ở nơi công cộng là do tại khu vực này tình hình hoạt động mại dâm phức tạp; nhà thông tin khu vực xa nên Công an thị trấn Dương Đông đã thực hiện buổi sinh hoạt nêu trên ngay trên hè đường, nhằm tuyên truyền, răn đe tội phạm.
Đại tá Phạm Trung Thành, Trưởng phòng Tham mưu, kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, thông tin chính thức về vụ việc sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh vào hôm nay.
Liên quan đến vấn đề trên, luật sư Phạm Công Út (Văn phòng luật Phạm Nghiêm) cho biết, hành vi mua bán dâm chỉ bị xử phạt hành chính theo Điều 22, 23 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Theo đó, việc công khai danh tính người mua, bán dâm trước đám đông của Công an thị trấn Dương Đông là trái pháp luật. “Việc làm này ảnh hưởng đến danh dự, uy tín và nhân phẩm của người bị xử lý hành chính, cho dù họ là người mua, bán dâm”, luật sư Út nêu ý kiến.
Luật sư Út viện dẫn, Điều 20 Hiến pháp 2013 đã quy định "mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm…". Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 cũng xác định "danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ".
Luật sư Phạm Công Út đặt câu hỏi: Công an thị trấn Dương Đông đã từng công khai hóa danh tính người mua bán dâm hay chưa hay đây là vụ đầu tiên? Nếu Công an trả lời được vấn đề này thì người dân sẽ đặt câu hỏi tiếp theo, Công an làm vậy mục đích gì?
“Việc anh làm nhắm vào cá nhân hay nhắm vào việc phục vụ công vụ được phân công”, luật sư Út nói.
Nếu có yếu tố cá nhân thì sẽ có dấu hiệu hình sự, có dấu hiệu tội làm nhục người khác khi nêu danh tính, quê quán, mô tả hành vi mua bán dâm. Còn đối với vấn đề công vụ, nếu Công an hiểu chưa tới, không ngờ hậu quả dư luận xã hội căm phẫn như vậy thì lỗi của người thực thi công vụ nó sẽ khác.
Vị luật sư này chia sẻ thêm, việc làm trên của Công an thị trấn Dương Đông là vượt quá thẩm quyền và có “dấu hiệu làm nhục người khác” trong trường hợp phát hiện có tư thù cá nhân của người thi hành công vụ.
Với những người bị bắt quả tang mua, bán dâm, luật sư Út cho rằng, họ hoàn toàn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện yêu cầu công khai xin lỗi và bồi thường tổn thất về tinh thần, danh dự theo quy định của pháp luật.
Vụ công an 'bêu tên' người mua bán dâm giữa đường: Dấu hiệu 'xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác'
Theo luật sư Trần Tuấn Anh, trong các biện pháp xử lý đối với người mua bán dâm thì không có biện pháp bêu tên ... |