Bị bắt oan 7 tháng, đòi bồi thường cả năm chưa được

Hai doanh nhân ở Đà Nẵng bị bắt tạm giam 7 tháng, sau đó họ được đình chỉ điều tra vì hành vi của họ không cấu thành tội phạm.
Bị bắt oan 7 tháng, đòi bồi thường cả năm chưa được - Ảnh 1.

Ông Phan Thanh Trà đã làm đơn xin yêu cầu bồi thường nhưng cơ quan chức năng cứ đùn đẩy mãi không giải quyết. (Ảnh: Tường Trung)

Tuy nhiên, sau khi được trả tự do thì hành trình đòi bồi thường oan sai của họ hết sức gian nan. Đã hơn một năm qua, nhưng viện kiểm sát cứ nhùng nhằng chưa chịu bồi thường theo quy định.

Đây là quan hệ làm ăn dân sự giữa Công ty cổ phần Chefmeat Việt Nam và Công ty TNHH TM&KT Phan Ngọc Lê của tôi. Nếu tôi thi công không đảm bảo chất lượng thì tôi phải khắc phục hoặc bồi thường theo thỏa thuận trong hợp đồng kinh tế, nhưng cơ quan tố tụng đã cố tình hình sự hóa vụ việc.

Ông PHAN THANH TRÀ

Ông Phan Thanh Trà (một trong hai người bị bắt oan) nói: "Sau khi bị bắt, doanh nghiệp của tôi bị phá sản hoàn toàn. Vì kinh tế gia đình kiệt quệ nên tôi đã làm đơn xin yêu cầu bồi thường, nhưng viện kiểm sát cứ đùn đẩy mãi không giải quyết".

Mỏi mòn chờ bồi thường

Ông Trà cho biết khi công bố cáo trạng vào cuối năm 2017, Viện KSND TP Đà Nẵng xác định: trong thời gian khoảng tháng 8/2013 đến tháng 2/2014, Nguyễn Tấn Bình (giám đốc Công ty Trí Tuệ Việt) và Phan Thanh Trà (giám đốc Công ty TNHH TM&KT Phan Ngọc Lê) đã thông đồng với nhau thực hiện hành vi gian dối thi công lắp đặt không đúng với nội dung hợp đồng đã ký, thay đổi máy mới thành máy cũ chiếm đoạt phần tiền chênh lệch 430 triệu đồng của Công ty cổ phần Chefmeat Việt Nam. Đồng thời, truy tố ông Bình và ông Trà với tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Tuy nhiên, theo ông Trà, đây là quan hệ làm ăn dân sự giữa Công ty cổ phần Chefmeat Việt Nam và Công ty TNHH TM&KT Phan Ngọc Lê nhưng cơ quan tố tụng đã cố tình hình sự hóa vụ việc. Trong quá trình xây dựng các hạng mục của nhà máy Chefmeat, Công ty Trí Tuệ Việt do ông Bình làm giám đốc nhận thầu thi công hệ thống cơ điện. Ông Bình đã giới thiệu ông Phan Thanh Trà ký hợp đồng kinh tế với Chefmeat nhận lại công việc của mình.

Do gấp rút để dự án kịp hoạt động, ông Trà không chắc chắn chất lượng thiết bị Trung Quốc có đảm bảo để hệ thống hoạt động. Lúc này ông Trà đã thay đổi máy nén nhập khẩu từ Trung Quốc như trong hợp đồng (mới 100%) sang máy nén đã qua sử dụng do Nhật Bản sản xuất.

Về việc này, ông Trà đã chủ động làm việc với Chefmeat để thương lượng sửa sai và khắc phục đền bù. Mặt khác, từ khi lắp đặt và đưa vào sử dụng đã hơn bốn năm, tất cả máy móc thiết bị mà ông Trà lắp đặt đã được chủ đầu tư xác nhận hoạt động bình thường. Tuy nhiên, bất ngờ sau đó ông Bình và ông Trà bị bắt giam vì công an cho rằng hành vi của hai ông là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đến tháng 4/2018, Viện KSND TP Đà Nẵng ban hành quyết định đình chỉ vụ án đối ông Bình và ông Trà, lý do hành vi của họ không cấu thành tội phạm.

Ông Trà cho biết ngay sau khi có quyết định đình chỉ điều tra, ông đã làm đơn yêu cầu bồi thường vì bị bắt giam oan sai và Viện KSND TP Đà Nẵng đã có thông báo thụ lý đơn yêu cầu bồi thường của ông. Từ đó, ông mỏi mòn chờ đợi nhưng việc bồi thường cứ đùn đẩy không giải quyết.

Dừng bồi thường là sai

Ông Trần Hoài Nam - phó viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng - cho biết ngày 3/12/2018, viện đã nhận được đơn yêu cầu bồi thường của ông Phan Thanh Trà. Viện đã ra thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu bồi thường của ông Trà theo đúng quy định.

Theo ông Nam, trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường của ông Phan Thanh Trà, Viện KSND TP Đà Nẵng nhận được công văn của Vụ 3 - Viện KSND Tối cao trả lời cho cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao. Theo đó, Vụ 3 trao đổi quan điểm cho rằng việc xác định đây là tranh chấp dân sự là không đúng, hành vi của ông Trà đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vì vậy, Viện KSND TP Đà Nẵng đã có công văn gửi cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao xin ý kiến chỉ đạo đối với vụ việc, đồng thời tạm dừng việc giải quyết yêu cầu bồi thường của ông Trà để chờ chỉ đạo của cấp trên.

Trong khi đó, luật sư Lê Cao - Đoàn luật sư TP Đà Nẵng - khẳng định việc Viện KSND TP Đà Nẵng tạm dừng giải quyết bồi thường cho ông Trà là sai quy định pháp luật. 

Luật sư Cao cho rằng việc bồi thường trách nhiệm nhà nước đối với trường hợp của ông Trà được áp dụng theo điều 9, điều 18 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Căn cứ để bồi thường là quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Trà. Do đó, quyết định đình chỉ điều tra là văn bản có hiệu lực pháp luật xác định ông Trà không phạm tội, nó làm căn cứ để giải quyết việc bồi thường của cá nhân, tổ chức đã gây oan sai cho ông Trà.

Theo luật sư Cao, việc các cơ quan của viện kiểm sát liên quan có văn bản trao đổi qua lại là hoạt động nghiệp vụ bình thường. "Nó không phải là các quyết định có tính chất tố tụng hình sự và không có hiệu lực làm thay đổi quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Trà nên không có cơ sở để dừng việc giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật" - luật sư Cao nói.

Không phạm tội

Tại biên bản cuộc họp để giải quyết vụ án của ông Phan Thanh Trà giữa các cơ quan tố tụng ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Thành - chánh án TAND TP Đà Nẵng - cho biết qua nghiên cứu hồ sơ và trao đổi nghiệp vụ thì TAND TP Đà Nẵng nhận thấy: Vụ việc phát sinh dựa trên cơ sở hợp đồng kinh tế được 2 công ty ký kết. Tại hợp đồng kinh tế đã quy định rất rõ ràng trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên và quy định các biện pháp chế tài xử lý khi có vi phạm hợp đồng.

Như vậy khi công ty của ông Trà thi công không đảm bảo chất lượng thì phải khắc phục, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo thỏa thuận tại hợp đồng kinh tế. Thực tế khi xảy ra sự cố, ông Trà cũng đã sửa chữa khắc phục. Vì vậy, theo TAND TP Đà Nẵng, hành vi của ông Phan Thanh Trà và ông Nguyễn Tấn Bình không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.