Bị 'quay lưng' nhiều năm, nhà ở giá rẻ bỗng đầy dư địa khi lọt mắt xanh các 'ông lớn' BĐS

Vài năm trở lại đây, nhà ở giá rẻ gần như mất dấu trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, 2022 có thể là một năm đầy hứa hẹn khi phân khúc này được chọn làm chiến lược phát triển của loạt doanh nghiệp lớn như Tân Hoàng Minh, Nam Long hay APEC.
Vốn bị 'ghẻ lạnh', nhà ở giá rẻ bỗng đầy dư địa khi lọt mắt xanh các 'ông lớn' - Ảnh 1.

Một dự án nhà ở giá rẻ tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Những ngày này, gia đình anh V. (40 tuổi, Nghệ An) không ngừng tìm kiếm thông tin về những dự án nhà ở giá rẻ tại Hà Nội. Con trai anh sắp bước vào THPT, có định hướng sau này học đại học và sinh sống ở Thủ đô, nên theo anh V. nếu không mua từ bây giờ vài năm tới sẽ không còn cơ hội.

"Giá nhà bây giờ đã quá cao", anh V. chia sẻ với người viết. Đây cũng là nhận xét chung của rất nhiều người tìm nơi an cư tại các đô thị lớn và cả giới đầu tư cá nhân. 

Thống kê từ CBRE Việt Nam, tính tới cuối năm 2021, giá bán căn hộ sơ cấp trung bình tại Hà Nội đạt 1.596 USD/m2 (hơn 36,25 triệu đồng/m2). Trong khi đó, ở TP HCM, đây là năm thứ hai liên tiếp thị trường không có căn hộ dưới 30 triệu đồng/m2, theo DKRA Việt Nam.

Bộ Xây dựng cũng từng thừa nhận rằng các căn hộ bình dân với mức giá dưới 25 triệu/m2 trên thị trường vài năm qua rất ít, hầu như chỉ xuất hiện ở một dự án xa trung tâm và hạ tầng kém phát triển.

"Giá bán một căn hộ trung cấp hai phòng ngủ hiện cao hơn khoảng trên dưới 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân có khả năng dành dụm được khoảng 8 - 12 triệu đồng/tháng", Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) nhận định. 

Lý do là biên lợi nhuận của các dự án nhà ở giá rẻ không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Như trường hợp của Hoàng Quân - một cái tên khá nổi trong phân khúc này cũng đã tuyên bố "quay xe", chuyển hướng phát triển nhà ở thương mại từ năm 2021.

Những tưởng nhà ở giá trẻ đứng trước viễn cảnh mất dấu khỏi thị trường bất động sản (BĐS), thì từ nửa cuối năm 2021 đến nay, phân khúc này được nhen nhóm hy vọng hồi sinh khi nhận sự chú ý của nhiều doanh nghiệp BĐS có tiếng.

"Ông lớn" tuyên bố chi tỷ USD, phát triển nhà ở giá rẻ 10 - 20 năm

Vốn bị 'ghẻ lạnh', nhà ở giá rẻ bỗng đầy dư địa khi lọt mắt xanh các 'ông lớn' - Ảnh 2.

Nhà ở giá rẻ Ehome của Nam Long tại quận Bình Tân, TP HCM. (Ảnh: Hoàng Huy).

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) khẳng định sẽ phát triển mô hình này ít nhất 10 - 20 năm nữa.

Dưới góc nhìn của một nhà phát triển, ông Quang nhận thấy nhu cầu nhà giá rẻ tại thị trường Việt Nam vẫn rất lớn, dân số trẻ, dân nhập cư nhiều, phân khúc nhà ở vừa túi tiền vẫn còn nhiều tiềm năng.

Ông Quang lấy ví dụ về các chuỗi sản phẩm nhà giá rẻ của Nam Long như EHome và EHomeS, các đợt mở bán đều đắt khách.

Tháng 11/2021, APEC Group đã chính thức ra mắt Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển NƠXH 5 sao Việt Nam (APEC Happy City - AHC) với vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng làm NƠXH trong giai đoạn 2021 - 2030.

Các cổ đông của AHC đều là các doanh nghiệp thuộc nhóm APEC, bao gồm CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (mã chứng khoán: IDJ); CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (mã chứng khoán: APS) và CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (mã chứng khoán: API).

Về dài hạn, AHC cho biết muốn chi khoảng 50.000 - 100.000 tỷ đồng (khoảng 2,2 - 4,5 tỷ USD) để xây dựng 10 triệu căn NƠXH.

Đáng chú ý, một "ông lớn" chuyên phát triển bất động hạng sang và siêu sang là Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng tuyên bố hợp tác cùng một công ty thành viên của Hàn Quốc SH - Tập đoàn phát triển nhà ở thương mại và xã hội nhằm triển khai mô hình NƠXH lắp dựng sẵn tại Việt Nam.

Tân Hoàng Minh cho hay, công nghệ này giúp giá thành rẻ, chỉ bằng 40 - 60% giá thành sản xuất nhà thông thường. Từ năm 2022, bên cạnh phát triển căn hộ cao cấp, doanh nghiệp sẽ mở rộng sang mảng xây dựng nhà ở cho những người lao động có thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, Tân Hoàng Minh sẽ khởi công xây dựng nhà máy chuyên sản xuất bê tông, nhà máy phục vụ cho công ty xây dựng NƠXH và nhà ở cho công nhân tại các KCN tỉnh Hà Nam.

Tập trung vào nhà ở giá rẻ trong bối cảnh khan hiếm cũng là một chiến lược để khẳng định tên tuổi của những doanh nghiệp mới nổi, đơn cử như trường hợp của CTCP Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng.

Chỉ trong tháng 8 và tháng 9/2021, BĐS Lan Hưng đã liên tục đăng ký tham gia vào các dự án NƠXH tại hàng loạt tỉnh thành.

Tại Hậu Giang, doanh nghiệp rót hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư khu nhà ở xã hội tại ấp Mái Dầm, xã Đại Thành, TP Ngã Bảy. Tại Đồng Tháp, Lan Anh đăng ký làm Nhà ở xã hội Bình Thành 2, TP Hồng Ngự (329 tỷ đồng). Tại Phú Thọ, công ty này đăng ký đầu tư Khu nhà ở xã hội tại khu Thành Công, phường Thọ Sơn, TP Việt Trì (373 tỷ đồng).

Lan Hưng được thành lập từ năm 2016, được biết đến là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở xã hội phục vụ KCN tại thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (920 tỷ đồng).

Doanh nghiệp không đơn độc

Có thể nói, một trong những yếu tố khiến nhà ở giá rẻ trở nên hấp dẫn hơn với các doanh nghiệp chính là những cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước. 

Ngày 28/10/2021, Bộ Xây dựng đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng 65.000 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội (NƠXH) trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023.

Trong đó, những đối tượng hưởng lợi chính là công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp; chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê cũng như chủ đầu tư các dự án NƠXH.

Tháng 1 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Gói phục hồi kinh tế 347 nghìn tỷ đồng, trong đó có 40 nghìn tỷ được bố trí để hỗ trợ 2% lãi suất cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực NƠXH. Đi kèm với đó, Bộ Xây dựng cũng đốc thúc các địa phương phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Vốn bị 'ghẻ lạnh', nhà ở giá rẻ bỗng đầy dư địa khi lọt mắt xanh các 'ông lớn' - Ảnh 3.

Chung cư Lê Thành - dự án nhà ở giá rẻ ở TP HCM. (Ảnh tư liệu: Hoàng Huy).

Về phía các địa phương, nhiều tỉnh thành lớn cũng có những động thái cụ thể để giải bài toán khan hiếm nhà ở giá rẻ.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện TP HCM đang triển khai 44 dự án NƠXH với tổng diện tích 137 ha, với khoảng 46.276 căn hộ. Hà Nội cũng đang tổ chức triển khai thí điểm 5 khu nhà ở xã hội tập trung với tổng diện tích gần 296 ha.

Tại TP Đà Nẵng, Sở Xây dựng đã mời đầu tư 4 dự án NƠXH tại khu đất B4-1, B4-2 Khu tái định cư Hòa Hiệp 4 (4,3 ha); khu đất NƠXH Khu công nghiệp Hòa Cầm (2,8 ha); khu đất chung cư số 3 thuộc Khu B – Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ (1,7 ha) và khu đất chung cư số 5 thuộc Khu B – Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ (2,9 ha).

Bình Định cũng là địa phương tích cực phát triển nhà giá rẻ. Tỉnh này đang nghiên cứu xây dựng NƠXH chung cư thấp tầng, liền kề ngoài trung tâm TP Quy Nhơn với giá trị không quá 400 triệu đồng/căn hoặc cho thuê không quá 50.000 đồng/m2/tháng.

Riêng tại TP Quy Nhơn sẽ có tòa tháp nhà xã hội cao 21 tầng, NƠXH Pisico tại phường Trần Quang Diệu; tháp NƠXH 30 tầng tại phường Hải Cảng (1.075 tỷ đồng); Khu NƠXH phía Tây đường Trần Nhân Tông (850 tỷ đồng);...

Tại Bắc Giang, tỉnh này đang tìm chủ cho Khu NƠXH tại thôn Nam Ngạn và thôn Đông Tiến, xã Quang Châu, huyện Việt Yên (gần 692 tỷ đồng) và Khu NƠXH số 1 tại Khu số 5, số 9 thuộc khu đô thị phía nam TP Bắc.

Cùng với đó, tỉnh còn duyệt quy hoạch Khu đô thị và NƠXH tại xã Hồng Thái, huyện Việt Yên với quy mô 33,6 ha. Chấp thuận chủ trương đầu tư Khu NƠXH tại thôn Nam Ngạn, xã Quang Châu, huyện Việt Yên (3,3 ha), giải quyết nhu cầu ở cho khoảng 2.850 người.

Là địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, Đồng Nai trong năm nay dự kiến triển khai được 9 dự án NƠXH cho người lao động với tổng quy mô 26 ha và 6.000 căn nhà giá rẻ.

Ngoài ra, nhiều địa phương khác như Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Thuận, Đồng Tháp... cũng đã và đang có rất nhiều dự án nhà ở giá rẻ được đầu tư xây dựng.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.