Bình Định: Buộc nhà thầu khắc phục bờ kè sông tiền tỉ bị sóng đánh vỡ vụn

UBND TP Quy Nhơn (Bình Định) yêu cầu đơn vị thi công chi trả kinh phí sửa chữa, khắc phục các hư hỏng của kè sông thuộc khu dân cư phía Bắc đường Đống Đa.
Bình Định: Buộc nhà thầu khắc phục bờ kè sông tiền tỉ bị sóng đánh vỡ vụn - Ảnh 1.

Kè sông khu dân cư phía Bắc đường Đống Đa chưa kịp bàn giao bị sóng đánh vỡ vụn vào tháng 10/2019. (Ảnh: Hoàng Trọng)

Ngày 20/1, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa có ý kiến chỉ đạo UBND TP Quy Nhơn chủ trì giải quyết sự cố kè sông thuộc công trình Khu dân cư phía Bắc đường Đống Đa (P.Thị Nại, TP Quy Nhơn, Bình Định) bị sóng đánh vỡ vụn khi cơn bão số 5 đổ bộ vào đất liền tối 30 và sáng 31/10/2019.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu UBND TP Quy Nhơn có biện pháp khắc phục hợp , đánh giá sự phù hợp của giải pháp thiết kế dưới tác động của sóng, khả năng chịu lực của hệ giằng, kiểm tra đánh giá sự phù hợp của biện pháp thi công do nhà thầu thực hiện.

Do nước biển dâng cao!

Ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho biết tháng 11/2019, sau khi UBND tỉnh Bình Định có ý kiến chỉ đạo, lãnh đạo TP Quy Nhơn đã giao Ban Quản Đầu tư xây dựng TP Quy Nhơn, phối hợp với đơn vị tư vấn độc lập là Viện Kỹ thuật công trình thuộc Trường ĐH Thủy lợi thực hiện việc đánh giá nguyên nhân và đề xuất biện pháp khắc phục.

Theo báo cáo của Viện Kĩ thuật công trình, nguyên nhân sự cố là do tác động của thiên tai bất thường, khu vực xây dựng tuyến kè chịu tác động của cơn bão số 5 năm 2019 đổ bộ vào tỉnh Bình Định.

Bình Định: Buộc nhà thầu khắc phục bờ kè sông tiền tỉ bị sóng đánh vỡ vụn - Ảnh 2.

Đoạn kè bị sóng đánh vỡ có rất ít sắt thép bên trong các thanh dầm. (Ảnh: Hoàng Trọng)

Nguyên nhân cơ bản đầu tiên gây ra sự cố hư hỏng tuyến kè là do mực nước biển dâng cao lớn hơn mực nước thiết kế, trùng với thời điểm xuất hiện triều cường, kết hợp với gió mạnh trong bão trên mặt thoáng rộng của đầm Thị Nại đã tạo ra sóng lớn tác động trực tiếp vào tuyến kè. Sóng lớn tràn qua đỉnh kè phá hoại mặt đường và gây sạt mái. Mặt khác, do mặt kè thiết kế với các cao độ khác nhau và chưa đủ độ cao chống sóng tràn nên nước tràn qua đỉnh kè đã gây xói nền, phá hủy dầm lan can, gây hỏng mái kè.

Nguyên nhân thứ 2 là do hệ thống tiêu thoát nước, mặt đường chưa đồng bộ nên khi nước tràn lên mặt đường gây xói bề mặt và xói ngầm bên trong thân kè.

Nguyên nhân thứ 3 là do công tác thiết kế, thi công, giám sát còn có nhiều tồn tại nhất định.

Hướng khắc phục ra sao?

Trên cơ sở đề xuất hướng khắc phục của Viện Kĩ thuật công trình, UBND TP Quy Nhơn đã báo cáo UBND tỉnh Bình Định để xin ý kiến về giải pháp khắc phục.

Theo đó, UBND TP Quy Nhơn xin khắc phục đoạn kè hư hỏng phần tấm bê tông lát mái taluy và đắp đất thân kè (dài 80 m), khắc phục lại lớp mái taluy và dầm khung. Dầm lan can có thể giữ lại, đắp đất thân kè đảm bảo độ chặt theo yêu cầu.

Đoạn kè bị sập toàn bộ mái kè (chiều dài 400 m) giữ nguyên ống và dầm ống buy bảo vệ chân kè hiện có, giữ nguyên độ dốc mái kè, đổ bê tông cốt thép dày 25 cm gia cố mái kè, nâng cao trình đỉnh dầm của tuyến kè cao thêm 20 cm để giảm sóng tràn.

Bình Định: Buộc nhà thầu khắc phục bờ kè sông tiền tỉ bị sóng đánh vỡ vụn - Ảnh 3.

Đơn vị thi công chuẩn bị khắc phục đoạn kè bị hư hỏng. (Ảnh: Hoàng Trọng)

Kinh phí thi công, sửa chữa, khắc phục hư hỏng các hạng mục do đơn vị thi công là Công ty TNHH Thanh Huy chi trả. Chi phí thuê đơn vị tư vấn lập hồ sơ đánh giá nguyên nhân và đề xuất biện pháp khắc phục sự cố được sử dụng từ nguồn kinh phí dự phòng của dự án.

Dự kiến việc sửa chữa hoàn thành trong tháng 2 năm nay.

Như Thanh Niên đã thông tin, hệ thống kè sông thuộc công trình Khu dân cư phía Bắc đường Đống Đa có tổng chiều dài là 642 m, được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 12 tỉ đồng. Dự án do Ban Quản lí đầu tư xây dựng TP Quy Nhơn làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH Thanh Huy (ở Bình Định). Khi dự án chưa kịp bàn giao thì cơn bão số 5 đổ bộ vào đất liền làm sập toàn bộ 400 m mái kè và 80 m kè khác bị hư hỏng phần tấm bê tông lát mái taluy và phần đất đắp thân kè. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 2 tỉ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng dự án hệ thống kè sông này do UBND TP Quy Nhơn làm chủ đầu tư nên phải có trách nhiệm làm rõ, phải chịu trách nhiệm chính trong việc khắc phục.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.