Bình Định tăng diện tích đất xây dựng đô thị Hoài Nhơn lên gần 3.000 ha

Tỉnh Bình Định điều chỉnh diện tích đất xây dựng đô thị Hoài Nhơn từ 2.498,2 ha lên 2.991,82 ha, tăng 493,62 ha so với quy hoạch được duyệt trước đó.

UBND tỉnh Bình Định vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Hoài Nhơn đến năm 2035.

Bình Định cho biết việc điều chỉnh cục bộ chức năng sử dụng đất một số khu vực là để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của thị xã Hoài Nhơn; đảm bảo tính khả thi thực hiện theo quy hoạch.

Ngoài ra, quy hoạch sử dụng đất sẽ bổ sung quỹ đất phát triển khu đô thị thuộc các phường Hoài Thanh và Hoài Thanh Tây nhằm khai thác hợp lý quỹ đất dân dụng đô thị dọc tuyến đường mới, đồng thời bổ sung quỹ đất phát triển công nghiệp theo định hướng phát triển công nghiệp chuyên ngành của tỉnh.

Bình Định tăng diện tích đất xây dựng đô thị Hoài Nhơn lên gần 3.000 ha - Ảnh 1.

Thị xã Hoài Nhơn nhìn từ trên cao. (Ảnh: Zing).

Sau khi điều chỉnh, diện tích đất xây dựng đô thị Hoài Nhơn tăng từ 2.498,2 ha lên 2.991,82 ha, tăng 493,62 ha so với trước đó.

Theo quy hoạch mới, diện tích đất dân dụng là 1.821,96 ha, đạt chỉ tiêu 75,9 m2/người; tăng 150,96 ha so với quy hoạch được duyệt.

Đất đơn vị ở cũng được điều chỉnh tăng từ 1.200 ha lên 1.366,89 ha, bao gồm 644,39 ha đất đơn vị ở quy hoạch và 722,5 ha đất đơn vị ở hiện trạng.

Đất công trình công cộng đô thị sau khi điều chỉnh là 149,36 ha; đất cây xanh đô thị là 122,71 ha.

Diện tích đất ngoài dân dụng sau khi điều chỉnh là 1.169,86 ha (tăng 342,66 ha do bổ sung chức năng đất phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp).

Diện tích đất khác sau khi điều chỉnh tại đô thị Hoài Nhơn là 39.092,56 ha (giảm 493,62 ha) do chuyển đổi sang các chức năng khác nêu trên.

Theo quyết định lần này, có 24 dự án được điều chỉnh chức năng sử dụng đất như: Dự án Khu vực đô thị Nam sông Lại Giang trên địa bàn phường Hoài Đức rộng gần 15 ha được điều chỉnh cục bộ chức năng sử dụng đất từ đất cây xanh sang đất đơn vị ở; dự án Khu vực Đồng Đất Chai, thuộc phường Hoài Tân rộng 25 ha có phần đất nông nghiệp được điều chỉnh bổ sung thành khu đô thị, dịch vụ thương mại.

Khu đô thị dọc sông Cạn, thuộc phường Hoài Thanh Tây rộng 61 ha, có phần đất nông nghiệp được điều chỉnh bổ sung thành Khu đô thị dọc sông Cạn; Khu vực cảnh quan rừng tại núi La Vuông, xã Hoài Sơn rộng 250 ha có phần đất lâm nghiệp được điều chỉnh bổ sung chức năng du lịch sinh thái kết hợp với cảnh quan rừng tại Khu vực núi La Vuông. 

Theo quy hoạch chung đến năm 2035, thị xã Hoài Nhơn là đô thị trung tâm tiểu vùng (bao gồm các huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn, An Lão và Hoài Ân); hạt nhân phía bắc tỉnh Bình Định với định hướng phát triển trung tâm thương mại, dịch vụ, phát triển kinh tế biển.

Đô thị Hoài Nhơn được Bình Định định hướng phát triển theo mô hình: Một trục – Hai cánh – Bốn trung tâm.

Trong đó, "một trục" để xác định Hoài Nhơn phát triển là trục động lực chủ đạo Bắc - Nam. "Hai cánh" gồm cánh phía tây (khu vực đồi núi, phát triển lâm nghiệp, dịch vụ du lịch sinh thái…), cánh phía đông (khu vực nông nghiệp và vùng ven biển, phát triển nông nghiệp đô thị công nghệ cao, công nghệ, cảng… du lịch biển).

Trong "bốn trung tâm" được xác định của đô thị Hoài Nhơn, trung tâm Bồng Sơn (Bồng Sơn, Hoài Xuân, Hoài Tân, Hoài Đức) đóng vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, dịch vụ thương mại…; trung tâm Tam Quan (Tam Quan, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Hảo) là trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển, neo đậu tàu thuyền, dịch vụ du lịch…; trung tâm mới ở khu vực Hoài Thanh Tây là trung tâm văn hóa lịch sử kết hợp khu ở mới; trung tâm mới ở khu vực Hoài Hương là trung tâm du lịch, dịch vụ thương mại và khu ở mới. 

Thị xã Hoài Nhơn nằm ở phía bắc tỉnh Bình Định, cách TP Quy Nhơn 87 km. Địa phương có quốc lộ 1A và tuyến đường sắt thống nhất Bắc - Nam đi qua, là cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng ở phía bắc tỉnh Bình Định, là điểm đầu mối giao thông quan trọng đến các huyện Hoài Ân, An Lão.

Toàn thị xã hiện có 17 đơn vị hành chính gồm 6 xã và 11 phường.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.