Bỏ điểm sàn 2017: Đại học \"thờ ơ\", Cao đẳng kêu khó

Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ điểm sàn năm 2017 gây ra nhiều ý kiến trái chiều từ phía các trường ĐH, CĐ.
 
bo diem san 2017 dh binh thuong cd keu kho
Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ điểm sàn năm 2017 gây ra nhiều ý kiến trái chiều từ phía các trường ĐH, CĐ. Ảnh: Đoàn Lê

Bỏ điểm sàn - chuyện bình thường của ĐH top đầu?

Ngày 16/12, Bộ GD&ĐT đã ban hành dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017. Theo dự kiến, Bộ sẽ bỏ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn), thí sinh được xét tuyển nhiều nguyện vọng, nhiều trường...

Trao đổi PV, GS Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng trường ĐH Thủy Lợi cho hay, việc bỏ điểm sàn có thể ảnh hưởng một phần nhưng không đáng lo ngại. "Các nhà trường phải tiến tới tự chủ, tự chịu trách nhiệm về đầu ra cũng như cân nhắc nguồn đầu vào. Bởi lẽ, nếu không kiểm soát đầu vào, kiểm soát chất lượng đào tạo khiến đầu ra kém dẫn đến sinh viên không được xã hội tiếp nhận", GS Kim nói.

Cũng theo GS Kim, các trường top đầu, có uy tín sẽ không ảnh hưởng bởi các trường này chưa bao giờ tuyển sinh bằng điểm sàn của Bộ mà bằng điểm chuẩn từng ngành. "Năm vừa qua, có ngành chúng tôi chỉ tuyển được 90% nhưng vẫn không hạ điểm chuẩn. Điểm sàn có ảnh hưởng chủ yếu tới một số trường chất lượng không tốt, khó tuyển sinh", Hiệu trưởng trường ĐH Thủy Lợi chia sẻ.

TS Nguyễn Văn Bao, Hiệu trưởng trường ĐH Tây Bắc cho biết ngay từ năm ngoái trường đã có phương án tự chủ tuyển sinh. Theo vị này, việc bỏ điểm sàn, đầu vào rộng mở và khi đào tạo trường sẽ sàng lọc sinh viên nên đầu ra sẽ không có gì đáng ngại. Bởi lẽ, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chỉ là đánh giá bước đầu của ĐH.

bo diem san 2017 dh binh thuong cd keu kho
Vài năm gần đây, nhiều trường ĐH, CĐ gặp khó khăn trong việc tuyển sinh. Ảnh: Đoàn Lê

Trường CĐ kêu khó

Bà Phan Thị Hải Vân, Hiệu phó trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex, cho biết năm học 2015-2016 các trường CĐ thuộc Bộ Công thương chỉ tuyển được hơn 40%. "Kỳ tuyển sinh năm 2016-2017 chưa thống kê nhưng còn thấp hơn năm trước. Nếu bỏ điểm sàn thì chúng tôi sẽ khó tuyển sinh", bà Vân nói.

Theo bà Vân, điểm sàn không quan trọng với trường ĐH top đầu nhưng với các trường dân lập, CĐ lại khác. "Nhiều học sinh, phụ huynh vẫn lựa chọn ĐH nếu chỉ cần tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện. Trong khi đó, nếu sinh viên năng lực yếu kém bị đào thải thì rất lãng phí".

Nhiều người lo ngại rằng, đầu vào ĐH mở rộng khiến người học CĐ sẽ ít đi. Điều này khi kéo dài thì sẽ khiến tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" trở nên trầm trọng hơn. Trong khi đó, theo thống kê mới nhất của Bộ LĐ, TB&XH, trong quý III năm 2016, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp; nhóm có trình độ đại học trở nên thất nghiệp nhiều nhất với hơn 200.000 người.

Về việc tuyển sinh CĐ khó, TS Nguyễn Văn Bao cho rằng hiện tượng này có từ vài năm nay do cả nước có nhiều trường ĐH, thu hút lượng học sinh lớn. "Nhiều trường ĐH còn khó tuyển sinh chứ chưa nói đến CĐ. Chúng ta lo ngại là đúng nhưng các trường phải nhìn lại, phải tự chủ nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút người học", TS Bao nói.

Cũng theo Hiệu trưởng ĐH Tây Bắc, các trường phải tự đổi mới, tự lo bởi hiện chúng ta phải cạnh tranh với cả nước ngoài khi sinh viên đang du học ngày càng nhiều. Đây cũng là quan điểm của GS Kim, Hiệu trưởng trường ĐH Thủy Lợi. "Vài năm gần đây người học thực tế hơn, họ lựa chọn ngành, nghề có thể xin việc làm hoặc nếu không sẽ chấp nhận học nghề hơn việc học ĐH", GS Kim nói.

CĐ dự kiến vẫn giữ điểm sàn

Trong khi ĐH dự kiến bỏ điểm sàn thì dự thảo thông tư quy định quy chế tuyển sinh của Bộ LĐ, TB&XH vẫn yêu cầu ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với bậc CĐ. Theo đó, Bộ LĐ-TB-XH sẽ căn cứ vào kết quả thi của thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia để xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, từ đó các trường xây dựng phương án xét tuyển. Đối với trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 5,5. Điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.

Quý III năm 2016, nước ta có tới hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Con số này đã tăng 29.000 người so với quý II năm 2016 nhưng lại giảm 11.000 người so với quý III năm 2015. Độ tuổi từ 15-24 có số lượng người thất nghiệp cao với hơn 640.000 người. Đáng chú ý nhất là nhóm có trình độ đại học trở nên thất nghiệp là hơn 200.000 người, cao hơn quý II năm 2016. Ngoài ra, có hơn 120.000 cử nhân cao đẳng chuyên nghiệp đang thất nghiệp.
chọn
Toàn cảnh vị trí sẽ xây hầm chui tại nút giao trục Tây Thăng Long - Vành đai 3
Dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao đường trục Tây Thăng Long - Vành đai 3 có tổng mức đầu tư (dự kiến) 1.156 tỷ đồng.