Dự kiến bỏ điểm sàn có thể là "phép thử" của Bộ GD&ĐT khiến các trường tự thay đổi chất lượng đào tạo để tuyển sinh và tồn tại. Ảnh: Đoàn Lê |
Tổng cục Dạy nghề lo "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"
Ngày 16/12, Bộ GD&ĐT đã ban hành dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017. Theo dự kiến, Bộ sẽ bỏ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) như mọi năm.
Trả lời báo chí, Phó vụ trưởng Dạy nghề Chính quy Đỗ Văn Giang (Tổng cục Dạy nghề) cho rằng chủ trương của Nhà nước là phát triển giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo hợp lý trong cơ cấu nhân lực. Do đó, theo ông Giang, việc bỏ điểm sàn sẽ đi ngược lại chủ trương trên, phá vỡ quy hoạch và định hướng phân luồng nghề nghiệp.
Phía Tổng cục Dạy nghề cho rằng, khi không có điểm sàn (chỉ cần tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện vào ĐH) thì học sinh vào đạt học ồ ạt trong khi chất lượng đào tạo hiện không đảm bảo. Đặc biệt, vài năm gần đây, tỷ lệ cử nhân thất nghiệp tăng cao.
Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Minh Hạc cũng cho rằng chưa nên bỏ điểm sàn trong tình hình hiện tại khi việc phân luồng nghề nghiệp chưa rõ ràng và tâm lý bằng cấp còn nặng nề. "Việc bỏ điểm sàn, mở rộng của ĐH, CĐ có thể khiến việc tuyển sinh ồ ạt nhằm đảm bảo thu nhập cho các trường, gây ra tình trạng thương mại hóa giáo dục".
Lo lắng khi bỏ điểm sàn cũng là tâm lý chung của một số trường ĐH dân lập và CĐ trong nước. Nhóm trường này cho rằng bỏ điểm sàn sẽ khiến việc tuyển sinh khó, tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" tăng lên.
Vài năm gần đây, thí sinh đã tự ý thức chọn trường hoặc nghề phù hợp với mình. Ảnh: Đoàn Lê |
"Phép thử" điểm sàn?
Trả lời báo chí sau khi công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh 2017, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết trong thông tư hướng dẫn tuyển sinh sắp tới, Bộ sẽ yêu cầu các trường phải công khai điểm sàn nhận hồ sơ.
GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên & Nhi đồng Quốc hội có ý kiến khá tương đồng khi cho rằng nên bỏ điểm sàn ở những trường đã kiểm định giáo dục trong vòng 5 năm trở lại đây còn những trường khác vẫn nên để điểm sàn.
Vị này cho rằng lo lắng của Tổng cục Dạy nghề có cơ sở nhưng phải xét đến việc phân luồng giáo dục thực hiện sau THCS và THPT của nước ta rất khó. "Tâm lý của người dân nước ta là muốn cho con học cao, chưa sẵn sàng cho con đi học nghề. Nhiều nhà tuyển dụng còn yêu cầu bằng CĐ, ĐH", GS Thuyết nói.
Về việc "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" nêu trên, GS Thuyết cho rằng việc hai đơn vị cùng quản lý giáo dục là bất cập. Trong trường hợp này Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ, TB&XH) và Bộ GD&ĐT cần phải bàn với nhau để có phương án phù hợp.
Theo Bộ GD&ĐT, kỳ tuyển sinh năm 2016 có 30% thí sinh dự thi THPT không có nguyện vọng vào ĐH. Điều này cho thấy thí sinh đã có ý thức chọn trường, nghề phù hợp với năng lực, sở thích... Như vậy, bỏ điểm sàn không có nghĩa là thí sinh sẽ đổ xô đi học đại học.
Đi kèm với dự kiến bỏ điểm sàn, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu cao hơn về tự chủ giáo dục. Như vậy, đây có thể là "phép thử" của Bộ đối với việc tự thay đổi về chất lượng giáo dục của các trường. Không tự thay đổi, không chất lượng thì sẽ không thu hút được thí sinh và sẽ bị đào thải - đây là quan điểm chung của nhiều trường sau khi có dự kiến bỏ điểm sàn.
Thời sự 04:50 | 08/01/2017
Thời sự 07:02 | 04/01/2017
Thời sự 01:10 | 03/01/2017
Thời sự 01:21 | 29/12/2016
Thời sự 12:29 | 28/12/2016
Thời sự 07:30 | 27/12/2016
Thời sự 04:30 | 26/12/2016
Thời sự 12:12 | 17/12/2016