Không nên bỏ điểm sàn đối với tuyển sinh sư phạm

Thực trạng ở trường phổ thông hiện đang có không ít người thầy yếu kém về chuyên môn, không đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học do việc đào tạo lĩnh vực này đang có vấn đề. Nay tuyển sinh cho ngành sư phạm mà còn bỏ cả điểm sàn thì liệu chất lượng của ngành sư phạm sẽ "về đâu"?
khong nen bo diem san doi voi tuyen sinh su pham
Bộ GD&ĐT vẫn chưa chốt phương án điểm sàn.

Thực trạng ở trường phổ thông (từ bậc tiểu học đến THPT) hiện nay có những người thầy có chuyên môn vững vàng, có lòng tự trọng, có trách nhiệm và tâm huyết với nghề, họ chọn nghề dạy học đúng với sở thích, nên họ đã “Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo, gương mẫu trước học sinh; thương yêu, tôn trọng học sinh, đối xử công bằng với học sinh, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh” (Nhiệm vụ của nhà giáo được quy định trong Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT, ngày 28.3.2011 của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học).

Thực tế cho thấy, hiện cũng có không ít người thầy yếu kém về chuyên môn, không đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học; có người chạy theo thành tích nên để học sinh ngồi “nhầm” lớp; có người “nâng” điểm để học sinh được khen thưởng, được lên lớp thẳng hoặc thi lại được lên lớp, hoặc “nâng” điểm để điểm trung bình các môn cả năm lớp 12 của học sinh cao hơn so với thực học, để khi xét tốt nghiệp THPT theo tỷ lệ 50/50, sẽ dễ dàng đỗ tốt nghiệp; tất nhiên chỉ là đỗ “nhầm" tốt nghiệp THPT.

Có người còn vi phạm đạo đức nhà giáo bằng cách dùng những hình phạt phản giáo dục như dán băng dính vào miệng, đá vào bụng, cho đứng dưới trời nắng, bắt ăn ớt, cho cả lớp đánh vào mặt học sinh phạm lỗi…; cũng không ít nhà giáo đối xử với học sinh không công bằng, thường dùng điểm số “bắt ép” học sinh học thêm, gây ra bức xúc trong dư luận xã hội.

Mặt khác, cán bộ quản lý trường học ở trường phổ thông có người chuyên môn không giỏi, năng lực quản lý hạn chế lại thiếu trách nhiệm, không gương mẫu, không hoàn thành nhiệm vụ được giao; có người sai phạm trong công tác quản lý tài chính như thu - chi các khoản trong nhà trường không đúng quy định và không đúng nguyên tắc tài chính; có người sai phạm trong công tác quản lý chuyên môn, chạy theo thành tích để học sinh ngồi “nhầm” lớp, báo cáo không trung thực, tổ chức dạy thêm trái với Thông tư 17 trong nhà trường; có người bất tài phải “nịnh bợ”, quà cáp biếu xén cấp trên, “chèn ép” những ai trái ý mình trong đơn vị; có người không công tâm và không công bằng trong xét thi đua, đánh giá cán bộ- viên chức, trong xử lý sai phạm đối với giáo viên và học sinh …

Thực trạng ở trường phổ thông như trên đúng như đánh giá trong Nghị quyết 29- NQ/TW ngày 4.11.2013 của BCH TW Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đó là: “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp”.

Những hành vi nêu trên của nhà giáo, của cán bộ quản lý trường học rõ ràng là không thể đáp ứng được mục tiêu của giáo dục phổ thông theo Luật Giáo dục năm 2005 là: “Giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản; phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Lâu nay, các trường sư phạm (cao đẳng, đại học) đào tạo giáo viên các bậc học phổ thông qua con đường thi tuyển, chỉ mới đây là xét tuyển, tất nhiên là có điểm chuẩn và điểm “sàn”; nhiều trường tuyển đầu vào với điểm chuẩn khá cao, dù không thu hút được nhiều thí sinh có học lực giỏi và hạnh kiểm tốt vào học.

Đầu vào tuyển sinh các trường sư phạm có điểm chuẩn và điểm “sàn” như thế, mà vẫn còn có những người thầy được đào tạo rồi, nhưng khi hành nghề lại để xảy ra những điều gây bức xúc dư luận như đã nêu ở trên.

Vậy nếu như từ nay bỏ điểm “sàn” và thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là được vào học thì người học sẽ ra sao, sau khi được làm thầy?

Thiết nghĩ, để xây dựng đội ngũ nhà giáo có phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên môn vững vàng; ngoài việc không bỏ điểm “sàn”, cần thay đổi phương thức tuyển sinh ở các trường sư phạm, theo tinh thần Nghị quyết 29- NQ/TW, đó là: “Có cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng để tuyển chọn được những người có phẩm chất, năng lực phù hợp vào ngành sư phạm”.

Như Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đánh giá: “Thực tế vẫn còn có trường chạy theo số lượng, thiếu sàng lọc trong quá trình đào tạo dẫn đến chất lượng đào tạo có thể bị giảm sút nếu chất lượng đầu vào không được kiểm soát kỹ”, và “năm nay chỉ quy định điều kiện cần là thí sinh tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ do các trường quy định”.

Theo đó, tôi cho rằng, đầu vào của người học ngành sư phạm, ngoài tốt nghiệp THPT là điều kiện cần, vẫn cần thiết phải duy trì điểm “sàn”; bởi đây là ngành đào tạo ra những người thầy để đổi mới và phát triển giáo dục; nên chăng cần xem xét thêm quá trình học tập 3 năm học ở bậc THPT có xếp loại học lực phải đạt khá hoặc loại giỏi, hạnh kiểm phải đạt loại tốt và có thể có thêm kỳ kiểm tra năng lực vào học ngành sư phạm, để tăng chất lượng đào tạo mà vẫn đúng luật.

Theo Luật Giáo dục Đại học (Luật số: 08/2012/QH13): “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chịu trách nhiệm công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học; cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh; phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển”.

Để có thể thu hút thí sinh vào ngành sư phạm; ngoài việc xem xét chế độ miễn học phí, cấp học bổng, ngành GD&ĐT cần có chính sách để khi ra trường người học chọn được nhiệm sở dễ dàng hơn; mặt khác quá trình học tập và rèn luyện ở trường sư phạm cần được siết chặt, để việc đánh giá và cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên đúng thực chất hơn.

Khi trường sư phạm tuyển sinh và đào tạo như thế, các trường phổ thông mới có một đội ngũ thầy - cô giáo có chuyên môn vững vàng, có tâm huyết với nghề, có lòng yêu thương trẻ với đầy đủ những phẩm chất đạo đức trong sáng của người thầy. Qua một thời gian công tác, trong số họ có người sẽ trở thành cán bộ quản lý trường học giỏi, họ sẽ thiết thực góp phần vào việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Người thầy nếu có “Phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt; đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ” (Điều 70 Luật Giáo dục, Luật số: 38/2005/QH11 ngày 14.6.2005) thì các cơ sở trường học mới có thể bớt đi những giáo viên thiếu tâm huyết với nghề, vi phạm đạo đức nhà giáo; đồng thời cũng sẽ bớt đi những cán bộ quản lý trường học bất tài, tư lợi làm mất uy tín ngành giáo dục; khi đó phụ huynh học sinh mới yên tâm và hoàn toàn tin tưởng vào việc giáo dục ở trường phổ thông.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.