Điểm sàn giúp phân luồng, không phải đảm bảo chất lượng

Chuyên gia giáo dục nhận định các trường hạ điểm chuẩn thu hút thí sinh có thể tạo hiệu ứng ngược. Việc bỏ điểm sàn phải gắn với kiểm định chất lượng và các biện pháp phân luồng.

Sau khi Bộ GD&ĐT ra dự thảo tuyển sinh 2017, trong đó đề cập việc bỏ điểm sàn, nhiều người lo ngại “thả cửa đầu vào” sẽ khiến các trường tuyển sinh ồ ạt, ảnh hưởng chất lượng giáo dục đại học.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng đây là hướng đi đúng đắn nhằm hướng tới môi trường giáo dục đại học cạnh tranh sòng phẳng. Tuy vậy, họ cũng đề xuất bỏ điểm sàn phải gắn với kiểm định chất lượng, siết đầu ra và phân luồng hợp lý.

Để làm rõ vấn đề này cũng như có cái nhìn toàn cảnh về giáo dục đại học ở Việt Nam trong năm 2016, Zing.vn phỏng vấn ông Phạm Hiệp, nhà nghiên cứu về giáo dục, hiện là nghiên cứu sinh tại ĐH Văn hoá Trung Hoa (Đài Loan, Trung Quốc).

Cần có phương pháp thay thế điểm sàn

- Ông nhận xét thế nào về tình hình giáo dục đại học năm 2016? Đâu là những vấn đề nổi cộm nhất trong năm qua?

- Theo tôi, sự kiện quan trọng nhất là nước ta có lãnh đạo mới của ngành giáo dục. Với những nước đang phát triển như Việt Nam, vai trò cá nhân của lãnh đạo cực kỳ quan trọng.

Những chia sẻ, trả lời của tân bộ trưởng trong kỳ chất vấn quốc hội, cũng như qua một số phát biểu gần đây cho thấy có vẻ bộ đang chuẩn bị một số phương án điều chỉnh, cải cách, đặc biệt đối với giáo dục đại học trong năm 2017. Đó là đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục, sáp nhập, giải thể những trường hoạt động kém hiệu quả...

Từ phía cơ sở, một số nỗ lực làm khác của các trường đại học cũng bắt đầu gặt hái thành tựu nhất định.

Điều thú vị là khá nhiều thành tựu lại đến từ các trường đại học tư thục: Đầu năm 2016, ĐH Tôn Đức Thắng đạt chuẩn QS 3 sao. Cuối năm, ĐH Nguyễn Tất Thành đạt kết quả tương tự. Đại học Hoa Sen cũng đạt chuẩn ACBSP - một chuẩn khá khó trong đào tạo ngành kinh doanh.

Điều này cho thấy bức tranh giáo dục đại học hiện nay đã thay đổi nhiều, cạnh tranh khốc liệt, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.

diem san giup phan luong khong phai dam bao chat luong
Ông Phạm Hiệp (bên phải) khi nhận giải thưởng của Viện nghiên cứu ADB. Ảnh: Thành Nguyễn.

- Liên quan giáo dục đại học, vấn đề thi THPT quốc gia 2017 cũng thu hút sự chú ý của dư luận. Theo ông, những cải tiến thi trắc nghiệm, ghép tổ hợp môn có phù hợp tình hình hiện nay?

- Với nền giáo dục đại học cho số đông như Việt Nam, chúng ta đang làm đúng hướng. Vấn đề khó là tổ chức như thế nào cho bài bản.

Về nguyên tắc, đánh giá trắc nghiệm rõ ràng là cách thức hiệu quả, tin cậy và hạn chế gian lận.

Mở cửa đầu vào tuyển sinh không ảnh hưởng nhiều tới chất lượng giáo dục đại học nếu song hành với nó là hệ thống kiểm định chất lượng, siết chặt đầu ra nghiêm túc.

Các trường thấy thi trắc nghiệm chưa ổn có thể bổ sung tiêu chí, phương pháp xét tuyển như thêm bài thi tự luận, xét hồ sơ, bảng điểm, phỏng vấn sâu.

Xu hướng chung là tự chủ, để các trường tự quyết. Nhà nước chỉ tổ chức một kỳ thi chung, các trường sử dụng kết quả kỳ thi như thế nào là việc của họ.

Nói cách khác, đây là cách tách phần “thi” khỏi phần “tuyển” và Nhà nước không làm thay việc tuyển từng thí sinh cho các trường như trước đây.

- Bỏ điểm sàn đột ngột sau rất nhiều năm áp dụng cũng làm học sinh, phụ huynh hoang mang, ông nghĩ gì về vấn đề này? Các nước trên thế giới có áp dụng điểm sàn không? Việc Bộ Lao động Thương binh - Xã hội áp sàn cao đẳng, Bộ GD&ĐT bỏ sàn đại học ảnh hưởng gì đến thí sinh và bức tranh giáo dục đại học ở Việt Nam?

- Tôi cho rằng điểm sàn không liên quan nhiều chất lượng. Tôi nhấn mạnh chất lượng phụ thuộc vào kiểm định chất lượng và siết đầu ra. Điểm sàn giúp phân luồng thí sinh.

Nền kinh tế nào cũng cần một tỷ lệ nhân lực nhất định ra trường ở trình độ trung cấp, cao đẳng. Do đó, bỏ điểm sàn sẽ ảnh hưởng việc phân luồng này. Bộ cần cân nhắc, nếu bỏ sàn, phải tìm biện pháp phân luồng khác để đảm bảo nguồn tuyển cho cao đẳng.

Thế giới không áp điểm sàn nhưng họ có biện pháp khác để phân luồng thí sinh. Nhiều nước phân luồng từ rất sớm, ngay sau cấp THCS. Học sinh có thể học nghề rồi lên trung cấp, cao đẳng hoặc học THPT và đại học.

Ngoài ra, sự phân luồng đó không hạn chế quyền được học lên cao của thí sinh, tức là sinh viên tốt nghiệp cao đẳng có thể ghi danh, học thêm một năm rưỡi hoặc hai năm để lấy bằng đại học.

Có một giải pháp tạm thời là khống chế tỷ lệ đỗ trên tổng số thí sinh đăng ký vào một trường (acceptance rate). Theo cách này, trước khi kỳ thi diễn ra, các trường sẽ phải công bố tỷ lệ đỗ của mình, ví dụ 70% (trong 100 hồ sơ đăng ký, chỉ được tuyển tối đa 70 sinh viên).

Theo tôi, cách làm này đảm bảo yếu tố phân luồng và tương tự điểm sàn, đồng thời khuyến khích các trường năng động hơn, cạnh tranh sòng phẳng trong tuyển sinh. Thí sinh cũng được lợi khi tiếp nhận nhiều thông tin hơn trước khi quyết định đăng ký.

Tình trạng các trường tốp dưới mở cửa tối đa để vơ vét sinh viên có thể xảy ra nếu bộ bỏ điểm sàn. Chúng ta không cần lo lắng quá nhiều vì bản thân các trường làm cách đó cũng chẳng khác gì chơi với con dao hai lưỡi.

diem san giup phan luong khong phai dam bao chat luong
Mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT qua các năm. Đồ họa: Ngọc Châu.

Kiểm định chất lượng đúng hướng nhưng thiếu hiệu quả

- Năm tới, Bộ trưởng GD&ĐT tuyên bố sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đại học, trong đó có phần cải tiến tuyển sinh và nâng cao chất lượng kiểm định chất lượng (siết đầu ra). Ông đánh giá thế nào về “mũi nhọn tiến công” này của bộ?

- Chất lượng là vấn đề lớn nhất của giáo dục đại học nước ta. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Dù bị đánh giá còn nặng hình thức, cách kiểm định của nước ta đang đúng hướng, không thể vì bị chê mà không làm.

Tất nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế là hệ thống kiểm định chất lượng hiện nay còn khá sơ khai, lực lượng mỏng, mới làm nên lúng túng. Các quy định còn nhiều chi tiết rườm rà và gần như không ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình đánh giá, dẫn tới quá tải.

Giải quyết tình trạng này, chúng ta nên mạnh dạn xã hội hoá, để các cơ quan đủ năng lực tham gia vào công tác kiểm định, thậm chí sử dụng nguồn lực bên ngoài như các đơn vị kiểm định của nước ngoài.

Ví dụ, 2 chương trình của ĐH Bách Khoa TP.HCM đã đạt chuẩn ABET của Mỹ rồi, tôi không thấy có lý do gì cần phải kiểm định lại của Việt Nam cả.

Bên cạnh đó, bộ cần tiến hành song song điều chỉnh quy trình kiểm định của mình, bỏ đi những chi tiết quá khác với chuẩn mực quốc tế,

- Nước ngoài còn kinh nghiệm kiểm định chất lượng giáo dục đại học như thế nào khác?

- Bên cạnh kiểm định, 2 cơ chế tạo nền tảng cho đảm bảo chất lượng là minh bạch thông tin và tự chủ đại học.

Tự chủ đại học ta nói nhiều rồi, còn về minh bạch thông tin, việc này được quy định từ năm 2009 với quy chế 3 công khai. Tuy nhiên, nó nhưng chưa được triển khai tốt, thông tin không đồng bộ và thiếu tin cậy.

Với trình độ công nghệ thông tin hiện nay, công tác minh bạch thông tin không còn phức tạp. Các trường có thể làm online, công bố trên mạng, làm thêm nghiên cứu về việc làm, mức lương sau khi tốt nghiệp, mức độ hài lòng của sinh viên... Bộ đóng vai giám sát tính tin cậy của thông tin do các trường công bố.

Điều này một mặt hỗ trợ người học và thị trường đánh giá chất lượng của trường, mặt khác giải quyết vế thứ hai của tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình.

Các nước tiên tiến như Anh, Mỹ, Hàn Quốc... hầu như dùng cách làm này.

- Việt Nam cần làm gì để chất lượng giáo dục đại học đạt đẳng cấp quốc tế? Việc thu hút các trường Tây đầu tư vào Việt Nam sẽ giúp giáo dục đại học ở nước ta có sức cạnh tranh cao hơn để vươn tầm thế giới hay sẽ có hại với những trường trong nước?

- Theo quan niệm truyền thống, chỉ những trường lọt tốp 100, 200 mới được coi là đạt đẳng cấp quốc tế. Quan niệm này có phần lỗi thời.

Đẳng cấp quốc tế cần được hiểu là trường kém chất lượng nhất nền giáo dục đó vẫn cao hơn mức chất lượng trung bình.

Đây không phải chuyện một sớm một chiều. Nước ta cần có cách thức tiếp cận bài bản và kiên trì thực hiện trong nhiều năm. Kiểm định chất lượng giáo dục, minh bạch thông tin và cơ chế hội đồng trường là biện pháp cần để nâng chất lượng giáo dục đại học.

Việc thu hút đầu tư nước ngoài hay tư nhân rất tốt vì nó giúp giảm áp lực cho Nhà nước. Hiện tại, cả nước có khoảng 20 nghìn sinh viên học chương trình liên kết quốc tế, chỉ chiếm 1% tổng sinh viên.

Số lượng này vẫn còn ít. Chúng ta cần thêm các chương trình liên kết quốc tế và mở cửa thu hút trường nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.