Những ngày vừa qua, thông tin bé trai 3 tuổi ở TP HCM suýt tử vong do bị hạ đường huyết vì quá đói gây hoang mang đặc biệt cho các bậc phụ huynh, nhất là các bậc phụ huynh có con kén ăn hoặc biếng ăn.
Trước đây đa phần bố mẹ đều có tâm lý phải ép con ăn do áp lực về cân nặng của con và lo lắng con không ăn sẽ biếng ăn. Vậy nên chuyện trẻ vừa ăn vừa xem ti vi, ipad, chơi đồ chơi, ăn rong không phải là hiếm. Việc ép con ăn được mặc định là bình thường, không ép sao trẻ ăn.
‘Bỏ đói’ con thế nào cho đúng? Ảnh:Trí thức trẻ. |
Thế nhưng những năm gần đây, các bố mẹ được tiếp cận với nhiều phương pháp ăn dặm tiên tiến hơn, cụ thể là ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm bé chỉ huy BLW. Hai phương pháp ăn dặm này với nguyên tắc là tôn trọng nhu cầu ăn uống của con, không ép con ăn bằng mọi giá trở nên khá phổ biến trong các gia đình có con nhỏ. Rất nhiều bố mẹ hiểu rằng ép con ăn không phải là giải pháp đúng, con ăn ngon miệng, mỗi bữa ăn là một hành trình khám phá thú vị, đó mới là điều quan trọng nhất.
Vậy nên thông tin bé trai 3 tuổi suýt tử vong với nguyên nhân được cho là do bị mẹ “bỏ đói” khiến các bậc cha mẹ hoang mang là điều hoàn toàn dễ hiểu. Không ít bố mẹ lầm tưởng rằng mình đã sai khi không ép con ăn, thông tin này có thể khiến bố mẹ ép con ăn trở lại, bằng mọi giá. Và thế là quyền được tôn trọng trong ăn uống của trẻ vô tình bị lãng quên đi.
Cần phân biệt biếng ăn sinh lý và biếng ăn bệnh lý
Trước hết bố mẹ cần phân biệt rõ ràng biếng ăn sinh lý và biếng ăn bệnh lý. Biếng ăn do bệnh lý có thể là do bé bị suy dinh dưỡng; nhiễm ký sinh trùng; nhiễm trùng (viêm mũi, viêm họng, viêm amiđan...); nhiễm siêu vi; bệnh lý răng miệng (sâu răng, viêm nướu); loạn khuẩn đường ruột,...
Trong khi đó trẻ bị biếng ăn sinh lý vẫn khỏe mạnh nhưng trẻ tự nhiên ăn ít đi trong vài ngày đến vài tuần. Các thời điểm này thường trùng với những lúc bé biết lật, ngồi, đứng, đi... Sau đó trẻ ăn uống lại bình thường.
Bố mẹ cần phân biệt biếng ăn sinh lý và biếng ăn bệnh lý. Ảnh: Kiến thức. |
Bố mẹ cần tìm hiểu kĩ các kiến thức về biếng ăn, từ đó xác định nguyên nhân biếng ăn. Nếu không phải nguyên nhân về bẩm sinh, không rõ nguyên nhân, hoặc bệnh lý cần sự tư vấn trực tiếp của bác sĩ thì mới được tiếp tục.
Để trị biếng ăn cho trẻ, thì chính bố mẹ phải thay đổi tư duy của mình, người thân, ông bà, những người trực tiếp chăm sóc trẻ cũng phải thay đổi quan niệm cũ. Từ mỗi bữa ăn là một cuộc chiến đến mỗi bữa ăn là một niềm vui cần sự kiên trì, tìm tòi và học hỏi của chính bố mẹ. Bố mẹ thay đổi thái độ của chính mình trước thì mới có thể thay đổi thái độ ăn uống của trẻ bằng cách thiết lập thói quen bàn ăn. Sau khi thiết lập được thói quen bàn ăn (ngồi ghế khi ăn, thời gian ăn không quá lâu, không vừa ăn vừa chơi) thì có thể chữa biếng ăn bằng phương pháp cho con quyền được đói.
Cho con được đói là giai đoạn cuối cùng và chỉ hiệu quả sau khi đã làm được hết những việc bên trên, thì biếng ăn mới trị được tận gốc rễ.
Sở dĩ các bố mẹ thất bại trong việc trị con biếng ăn, thậm chí gây ra hậu quả đáng tiếc là do hiểu không đúng, không tường tận về trị biếng ăn. Đa phần thực hiện và tập trung ngay vào giai đoạn cuối là cho con quyền được đói.
Cho con quyền được đói - giai đoạn cuối của trị biếng ăn. Ảnh: Womantoday |
Theo chuyên gia ăn dặm Hoàng Cường (tác giả Ăn Dặm 3in1 và Chữa Biếng Ăn Thuận Tự Nhiên) thì bố mẹ cũng cần học cách “bỏ đói” con mình cho đúng. “Bỏ đói” con sẽ có tác dụng trong trị biếng ăn nếu bố mẹ làm theo như sau.
Bố mẹ cũng cần học cách “bỏ đói” con mình cho đúng. Ảnh: Happy Family Brands |
- Cắt hoàn toàn bữa phụ, chỉ cho ăn các bữa chính (thông thường cách nhau 4 tiếng)
- Nếu bữa chính trẻ không ăn thì cho 3 cơ hội, nếu không hợp tác thì dọn (Tuyệt đối khong cắt hết các bữa ăn của trẻ)
- Nếu trong ngày trẻ ăn ít cha mẹ cần quan sát trẻ, nếu có dấu hiệu đói lả cần bổ sung sữa hoặc đồ ăn cho con.
- Đến ngày thứ 2 tiếp tục áp dụng như ngày đầu tiên. Thông thường trẻ sẽ bắt đầu ăn lại, nhưng lượng ít, không sao cả, áp dụng quy tắc 3 cơ hội (nếu con có dấu hiệu không hợp tác, hỏi con lần 1: con có ngồi ăn nghiêm chỉnh không, nếu không hợp tác thì hỏi lần 2, nếu không hợp tác hỏi lần 3, và vẫn không hợp tác thì kết thúc bữa ). Vẫn cần liên tục theo dõi trẻ sức khỏe trẻ.
- Đến ngày thứ 3 tiếp tục áp dụng, thường lúc này trẻ đã tiêu hao hết năng lượng dự trữ rồi nên sẽ ăn lại, trẻ sẽ ăn từ ít và nhiều dần lên qua từng bữa, lúc này ta bắt đầu bổ sung lại bữa sữa và bữa phụ cho con, cho đến khi trở lại bình thường.
Phương pháp này áp dụng quy luật tự nhiên là đói sẽ ăn, nhưng phải khoa học và quan sát trẻ thật cẩn thận như trên.
Các gia đình thất bại là vì quá chú trọng đến việc ăn của con, không dám cho con đói thật sự để con quý trọng bữa ăn, cứ vừa bỏ đói được 1 2 bữa lại xót quá, lại hoa quả, bánh trái, sữa, thế là trẻ lại không đói và chẳng bao giờ giải quyết được vấn đề cả.