Bộ GTVT trình phương án mua lại dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới do liên danh Cienco 4 đầu tư

Đại diện liên danh nhà đầu tư BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, Cienco 4 mới đây đã cho biết, hiện Bộ GTVT đang trình Ủy ban thường vụ Quốc Hội về vấn đề Nhà nước sẽ mua lại toàn bộ hoặc một phần dự án này.

  Trạm thu phí QL3, dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới. (Ảnh: Báo Giao thông).

Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông bất thường của CTCP Tập đoàn Cienco 4 (mã chứng khoán: C4G) tổ chức ngày 17/10 vừa qua, trả lời câu hỏi của cổ đông về tình hình các dự án BOT của công ty, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng Giám đốc Cienco 4 đã cho biết, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang trình Ủy ban thường vụ Quốc Hội về vấn đề Nhà nước sẽ mua lại toàn bộ hoặc một phần dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn). 

Theo ông Huỳnh, hiện Cienco 4 đang vướng vấn đề thu phí tại dự án này, chỉ mới được thu 1 trạm trên tổng số 2 trạm thu phí của dự án, doanh thu đạt 10% theo phương án tài chính thu phí ban đầu.  

Cienco 4 cũng từng cho biết do không được thu phí nên doanh nghiệp đang chịu áp lực lớn từ việc phải trả lãi vay ngân hàng, bình quân mỗi tháng phải trả khoảng 16 tỷ đồng, theo TTXVN.

Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới bao gồm hai dự án thành phần là đầu tư mới tuyến đường từ Thái Nguyên đi Bắc Kạn dài 40 km theo tiêu chuẩn cao tốc và nâng cấp, cải tạo mặt đường quốc lộ 3 qua Thái Nguyên dài 60 km, tổng mức đầu tư khoảng 2.746 tỷ đồng. Dự án được khởi công năm 2015, hoàn thành đưa vào khai thác tháng 5/2017.

Để hoàn vốn, nhà đầu tư được thu phí tại 2 trạm thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới và Quốc lộ 3 từ ngày 25/01/2018, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16 năm 1 tháng và tăng lên 25 năm 4 tháng sau khi phương án miễn, giảm phí cho người dân khu vực được đưa ra. 

Song, trạm BOT Bờ Đậu trên Quốc lộ 3 đã bị phản ứng do vị trí đặt trạm là không hợp lý và vẫn chưa thể hoạt động.

Cuối tháng 8 vừa qua, theo Báo Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thái Nguyên về giải pháp xử lý bất cập nói trên và đưa ra 4 phương án đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, đánh giá.

Trong đó, phương án 4, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, bố trí vốn Nhà nước để thanh toán cho doanh nghiệp dự án theo quy định của pháp luật về PPP được nhà đầu tư đánh giá là giải pháp tối ưu lúc này. 

Theo tính toán sơ bộ, Nhà nước cần bố trí khoảng 3.250 tỷ đồng để thanh toán cho doanh nghiệp dự án và chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn. 

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.