Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Quốc hội duyệt dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao thay mặt Chính phủ ký tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vành đai 4 Hà Nội.

Văn phòng Chính vừa có công văn gửi UBND TP Hà Nội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Thủ tướng yêu cầu hai cơ quan căn cứ ý kiến thống nhất của các thành viên Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án; giao Bộ Kế hoạch Đầu tư tiếp tục làm việc với UBND TP Hà Nội rà soát hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Quốc hội duyệt dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô - Ảnh 1.

Sơ đồ dự kiến hướng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô. (Đồ họa: Alex Chu).

Vào đầu tháng 3 vừa qua, Hà Nội đã có công văn kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội ngay trong Kỳ họp Quốc hội vào tháng 5/2022.

Tuyến đường có chiều dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối cao tốc theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long), được chia thành 7 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thứ đầu tư công kết hợp đầu tư PPP.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án vào khoảng 1.341 ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 816 ha; tiến hành giải phóng mặt bằng theo quy hoạch gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên, với chiều rộng mặt cắt ngang 120 m.

Hà Nội tiếp tục kiến nghị thực hiện phân kỳ đầu tư, trong đó đầu tư trước phần đường cao tốc quy mô 4 làn xe, rộng 17 m đối với phần đường và 17,5 m đối với phần cầu. Tuyến đường có vận tốc khai thác 80 km/h này sẽ chủ yếu đi trên cao, ngoài trừ 37,43 km có nhu cầu liên kết ngang và phát triển quỹ đất hai bên không cao sẽ đi thấp.

Thành phố cũng đề xuất đầu tư ngay hệ thống đường song hành hai bên với quy mô hai làn xe một bên, bề rộng nền đường 12 m.

Với phương án đầu tư nói trên, tổng mức đầu tư dự án trong giai đoạn phân kỳ là 87.098 tỷ đồng, giảm khoảng 8.700 tỷ đồng so với phương án tháng 1/2022. Đơn vị lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự kiến tiến hành chuẩn bị đầu tư từ năm 2021 và hoàn thành vào năm 2027, rút ngắn khoảng một năm so với đề xuất trước đó.

Vành đai 4 sẽ có 8 nút giao chính được xây dựng giai đoạn 1, bao gồm: nút giao cao tốc Nội Bài - Lào Cai; nút giao đường trục Mê Linh; Đại lộ Thăng Long; quốc lộ 6; nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ; nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; quốc lộ 38; nút giao với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Tuyến đường sẽ có ba cầu vượt vượt sông, gồm hai cầu vượt sông Hồng là cầu Hồng Hà (dài 5.023 m) và cầu Mễ Sở (dài 2.674 m); một cầu lớn vượt sông Đuống (dài 990 m).

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.